Kym Việt và câu chuyện về những chiếc ‘nhãn dán’

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - “Hầu như không cần đọc, tôi cũng biết những bài báo, phóng sự viết gì về doanh nghiệp của chúng tôi” là lời nhận định của Kiều Tuấn, một thành viên trong ban quản lý doanh nghiệp xã hội Kym Việt.
Anh Tuấn Kiều (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng lớp học thử nghiệm Ngôn ngữ ký hiệu.
Anh Tuấn Kiều (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng lớp học thử nghiệm Ngôn ngữ ký hiệu.

Nhãn dán đầu tiên: Một doanh nghiệp vượt lên số phận

Kym Việt (hay KymViet) thành lập cuối năm 2013, là doanh nghiệp của người khuyết tật và vì người khuyết tật, với giá trị cốt lõi là “Sáng tạo - Chất lượng - Nhân văn - Hợp tác - Văn hoá”. KymViet từng được nhắc đến rất nhiều trong các bài báo, phóng sự truyền hình như một đơn vị tiêu biểu “vượt lên số phận”, với những người thợ thủ công khuyết tật vận động, những người phục vụ điếc tại quán cà phê, với hình ảnh ông Phạm Việt Hoài, Chủ tịch Hội đồng quản trị trên chiếc xe lăn và nụ cười hiền lành.

Ông Hoài đã đến rất nhiều nơi để phát biểu, ngoại giao và tìm kiếm những cơ hội hợp tác phát triển mới cho KymViet, từ những sự kiện của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Triển lãm Thế giới EXPO 2020 tổ chức tại Dubai, Triển lãm tại SEA Games 31 tại Hà Nội, và gần nhất là Tọa đàm “Báo chí vì Bức tranh Tương lai có Trẻ em gái” của UNESCO và Tạp chí Ngày Nay đồng tổ chức hồi tháng Sáu.

Tuy nhiên, đa phần tin tức hay các bài phỏng vấn lâu nay đều chủ yếu xoay quanh câu chuyện nghị lực của ông Hoài và đội ngũ KymViet. Vô hình trung, KymViet đã “kẹt” lại khá lâu trong khung kính của truyền thông.

Kym Việt và câu chuyện về những chiếc ‘nhãn dán’ ảnh 1

Ông Việt Hoài từng nói, bản thân không muốn kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm, và cũng không mời chào người Việt chủ đích mua vì tính xã hội của sản phẩm. Trong cuộc trò chuyện cùng Ngày Nay, anh Kiều Tuấn, người đã sát cánh cùng Kym Viet trong bảy năm trời, đồng thời là người phụ trách khâu thiết kế, tạo mẫu sản phẩm, cũng chia sẻ quan điểm tương tự: “KymViet là một mô hình kinh doanh văn minh. Bạn ủng hộ bằng cách mua sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi. Chúng tôi nỗ lực hết mình để đem đến những sản phẩm tốt nhất cho các bạn.” Anh cũng nói nửa đùa nửa thật: “Mọi người cứ bảo anh Hoài khổ, nhưng bản thân anh ấy thấy bình thường. Anh ấy, và cả bọn tôi, đơn giản là đang làm kinh doanh và làm văn hóa.”

Nói riêng về nhánh dịch vụ của KymViet, trước khi mở chuỗi cà phê-showroom, KymViet từng ký gửi sản phẩm đến các quán cà phê khác tại Hà Nội. Thế nhưng nhân viên ở những quán cà phê đó còn có những nhiệm vụ riêng, khó có thể hỗ trợ giới thiệu sản phẩm cho KymViet. Anh Tuấn chia sẻ: “Nếu không khéo léo trong việc marketing, sản phẩm của KymViet hoàn toàn có thể trở thành ‘đồ trang trí’ cho các quán khác. Việc phủ một số lượng lớn sản phẩm đến các quán cà phê nhưng không đem lại doanh thu khiến ban quản lý KymViet phải cân nhắc lại hướng đi. Cuối cùng, chúng tôi quyết định phải xây điểm bán hàng của riêng, như vậy mới có thể kể hết được câu chuyện của KymViet.”

Hơn nữa, việc để những người Điếc đứng quầy chính là một cách để mở ra những cánh cửa giao tiếp với người của thế giới nghe-nói. Nhưng tương tự, những bài viết về các quán phê KymViet cũng đi theo khuôn mẫu - lấy việc trải nghiệm giao tiếp ngôn ngữ ký hiệu (thủ ngữ) làm điểm nhấn. Trên thực tế, việc vốn không học thủ ngữ một cách bài bản là rào cản khiến người nghe nói không “dám” sử dụng thủ ngữ, vì sợ “nói” sai, dẫn đến cảm giác ngại ngùng, xấu hổ (điều tương tự như khi bạn lần đầu học tiếng Anh, tiếng Hàn). Do vậy, họ chọn cách đơn giản hơn là chỉ tay vào thực đơn có sẵn tại quầy. Sau cùng, công chúng vẫn không hiểu được gì hơn về văn hóa điếc hay có trải nghiệm đúng đắn về thủ ngữ.

Kym Việt và câu chuyện về những chiếc ‘nhãn dán’ ảnh 2

Anh Tuấn Kiều và cô giáo Nguyễn Thị Đính từng có thời gian công tác tại trường PTCS Xã Đàn, hướng dẫn gọi đồ uống bằng thủ ngữ

Không chỉ vậy, giả sử nhân viên Điếc có mắc lỗi sai (việc tất nhiên có thể xảy ra, kể cả ở những quán có nhân viên nghe-nói bình thường) như pha chế nhầm đồ hay dậm chân quá mạnh lên sàn gỗ, khách cũng sẽ ngại phàn nàn, góp ý vì e ngại mình trở thành người “không tương thân, tương ái”.

Anh Tuấn rất hiểu về tâm lý này của thực khách: “Chính ra, chúng tôi rất cần những lời góp ý để cải thiện. Hãy khen nếu chúng tôi làm tốt, hãy khen nếu đồ uống của chúng tôi ngon, trang trí quán của chúng tôi đẹp. Và hãy chê, nếu chúng tôi làm chưa đúng. Chúng tôi hướng đến việc trở thành một quán cà phê tốt - phục vụ những đồ uống ngon và dịch vụ ổn thỏa.” Việc nhận được góp ý thẳng thắn chính là để giúp KymViet có thể đi tiếp một cách vững chắc trên con đường dài.

Bên trong hệ sinh thái KymViet, người khuyết tật được đối xử bình đẳng như các nhân viên còn lại, họ được nhận thức rằng mình là một người lao động có thể tạo ra giá trị cao. Những công nhân giỏi, tay nghề cao sẽ luôn được động viên khuyến khích. Ngược lại, sẽ không có câu chuyện nâng đỡ hay hạ thấp tiêu chuẩn đánh giá cho bất cứ cá nhân nào. Anh luôn nhấn mạnh với nhân viên của mình: “Hãy nỗ lực làm tốt nhất có thể, và công việc này sẽ là của các em. Nếu không, các em hoàn toàn có thể bị đào thải bình thường!”

Kym Việt và câu chuyện về những chiếc ‘nhãn dán’ ảnh 3

Anh Tuấn Kiều, thành viên ban quản lý KymViet

Nhãn dán hai: Một doanh nghiệp thành công

Một nhãn dán dường như gây mâu thuẫn, khi trước đó bài viết mới nhắc đến việc KymViet đang nỗ lực bỏ đi chiếc nhãn “vượt khó”.

Ông Phạm Việt Hoài đã đi rất nhiều nơi, và cũng có rất nhiều doanh nghiệp tìm đến với KymViet. Nếu xem trong danh sách những khách hàng được liệt kê trên website, chúng ta có thể thấy rất nhiều tên tuổi như Hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines, hay Trường Trung học cơ sở Giảng Võ. Năm 2020, KymViet trở thành thành viên của NICE – Mạng lưới các Sáng kiến phát triển vì cộng đồng của Trung tâm Thông tin UNESCO. Kymviet tham gia dự án nhằm tăng cường sức chống chịu và khả năng phục hồi của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và giới của COVID-19 đối với các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái (ISEE-COVID) do Liên hợp quốc, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, và Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tổ chức. KymViet cũng mới nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư hồi tháng 4/2022. Sản phẩm Sao La của KymViet được BTC SEA Games 31 cấp phép và sau đó được giới thiệu trên trang Facebook Thông tin Chính phủ. Không gian showroom của KymViet cũng được bài trí chỉn chu bởi chính những đồ nhồi bông tự sản xuất, mang dáng dấp không kém gì một quán cà phê thời thượng dành cho giới trẻ.

Kym Việt và câu chuyện về những chiếc ‘nhãn dán’ ảnh 4

Ngọc Mai, nhân viên pha chế người điếc tại KymViet

Sự viral trên mặt báo và mạng xã hội khiến nhiều người nghĩ rằng KymViet rất thành công, trở thành tấm gương sáng cho vô số người khuyết tật và yếu thế khác.

Quả thật, KymViet đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, ổn định năng lực sản xuất, có thể nhận được những đơn hàng lớn từ các tổ chức, doanh nghiệp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vietnam Airlines... Tuy nhiên, rất khó nhận định một doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xã hội, đang đạt được đà tăng trưởng ổn định chỉ nhờ một số đơn hàng lớn.

Hiện tại, doanh thu của KymViet phần lớn đến từ các đơn hàng thủ công mỹ nghệ, sau đó số tiền này được xoay vòng để đầu tư cho chuỗi cà phê–showroom trưng bày. Dù được trang trí tương đối rực rỡ và hiện đại, những quán cà phê này vẫn chưa phát triển đủ để tự vận hành, rất ít khi lượng khách phủ kín số ghế trong quán. Những vị khách đến phần lớn xuất phát từ ý định muốn trải nghiệm thủ ngữ (phần đông trong số họ đã rơi vào trạng thái ngại ngùng nhắc đến ở phía trên), nhưng số khách quen không nhiều. Tới tháng 8/2022, showroom thứ ba của KymViet ở Hà Nội cuối cùng buộc phải đóng cửa.

Kym Việt và câu chuyện về những chiếc ‘nhãn dán’ ảnh 5

Không gian quán cà phê KymViet

Trong khi đó, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ vốn được KymViet rất tự hào vì tính sáng tạo trong thiết kế, lại rất dễ bị làm nhái theo với giá thành rẻ hơn nhiều, do doanh nghiệp khác lựa chọn loại vải kém chất lượng, có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe. Ông Hoài và đội ngũ KymViet đã có lần phải tìm đến tận nơi để đề nghị phía xưởng khác ngưng sản xuất và bán những sản phẩm thủ công của mình.

Anh Tuấn trải lòng: “Chúng tôi không muốn bản thân gắn liền và gắn lâu dài với hình ảnh ‘doanh nghiệp vượt khó’. Nhưng rõ ràng có rất nhiều trở ngại, thách thức phía trước, cần nhiều sự quan tâm của xã hội.”

Muốn thoát khỏi ấn tượng “yếu thế”, vượt khó, nhưng cũng chưa chạm đến ngưỡng của thành công bền vững, KymViet còn một hành trình thực sự rất dài phía trước.

Mục tiêu của KymViet là: Tạo việc làm cho những người khuyết tật còn khả năng lao động, góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao đời sống cho người khuyết tật, giúp họ hòa nhập với cộng đồng; Tạo ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, có giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ cao phục vụ xã hội; Đưa những câu chuyện nhân văn và giá trị văn hóa Việt vào trong từng sản phẩm, góp phần truyền bá những giá trị truyền thống Việt đến cộng đồng trong nước và quốc tế.

Địa chỉ: KymViet Space (Showroom, xưởng thủ công, quán cafe):

123 Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội

KymViet cơ sở 2 (Showroom, quán cafe): 91 Nguyễn Đình Thi, Tây Hồ, HN

WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các đảo dễ bị tổn thương của nước này, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng du lịch quá mức và biến đổi khí hậu.
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.