Phiêu lưu với dự án 'công viên hóa' sông Tô Lịch

[Ngày Nay] - Một công ty liên kết với Nhật Bản đã đề xuất cải tạo sông Tô Lịch trở thành Công viên văn hóa - lịch sử - tâm linh. Đề xuất này ngay lập tức nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học, các chuyên gia nhiều lĩnh vực và dư luận xã hội.
Phiêu lưu với dự án 'công viên hóa' sông Tô Lịch ảnh 1

Hiện trạng sông Tô Lịch.

Ý tưởng lớn, không gian nhỏ

Các chuyên gia Nhật Bản giải thích, để có thể làm hồi sinh sông Tô Lịch đúng nghĩa cần phải có giải pháp tổng thể, giải quyết toàn bộ các vấn đề như: thu gom nước thải; cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom; xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; xử lý tầng bùn đáy, nước bị ô nhiễm trong lòng sông; thoát nước chống ngập khi mưa bão; bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; phát triển du lịch...

Vì vậy, phía công ty này cùng đối tác của Nhật Bản đã xây dựng đề án “Giải pháp tổng thể” để cải tạo toàn bộ sông Tô Lịch trở thành “Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch” sử dụng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Theo phương án được đề xuất, sông Tô Lịch sẽ được kè thẳng đứng và kè đáy (mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay). Dọc hai bên sông là hàng cây, đường đi dạo với không khí trong lành. Nếu khôi phục được theo đúng ý tưởng thì sông Tô Lịch hứa hẹn sẽ được “hồi sinh”, cá bơi lội tung tăng, hai bên bờ là những thảm thực vật, những hàng cây đầy hoa lá hương thơm ngào ngạt. Trên sông là dịch vụ thuyền rồng du lịch chở khách tham quan.

Dọc hai bên sông luôn là những nơi sạch nhất, đẹp nhất làm nơi nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của mọi người dân Hà Nội, khách du lịch trong và ngoài nước. Dọc theo bờ sông dài 15 km sẽ tái hiện chiều dài lịch sử Việt Nam…

Phiêu lưu với dự án 'công viên hóa' sông Tô Lịch ảnh 2

Một công ty liên kết với Nhật Bản đã đề xuất cải tạo sông Tô Lịch trở thành Công viên văn hóa - lịch sử - tâm linh.

Theo TS-KTS Lê Thị Bích Thuận, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng Hội Xây dựng): “Cả quãng chiều dài sông khoảng 15km và chiều rộng lòng sông hẹp, trong khi hai bên lại là đường giao thông mà đặt vào đó một không gian công viên thì tính hiệu quả không cao, có thể nói là phiêu lưu. Bởi, đã là công viên thì phải là chỗ để người ta nghỉ ngơi, vui chơi, thăm quan - là các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Vậy người dân sẽ sinh hoạt ở đâu với khoảng diện tích và hai bên lại là đường giao thông như thế?”.

Lồng ghép công viên văn hóa lịch sử tâm linh vào nơi có chiều dài 15km mà hai bên là hai đường giao thông thường xuyên tắc nghẽn liệu có khả thi hay không?

Nhiệm vụ hàng đầu phải rửa sạch dòng sông

Không tính đến tính khả thi, theo TS-KTS Lê Thị Bích Thuận, nhiệm vụ trước mắt phải rửa sạch sông Tô Lịch, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đã đeo bám dòng sông này hàng chục năm qua.

Đây cũng là điều mà nhiều cơ quan ban ngành, các đơn vị chuyên môn hữu quan trước đây đã từng “vất vả” đóng góp ý kiến, giải pháp về cải tạo chất lượng nước sông Tô Lịch. “Tôi không phản đối đề xuất dự án nêu trên, nhưng nếu làm cần giải quyết được vấn đề quan trọng nhất là xử lý môi trường nước. Và phải cho thấy tính khả thi của nó trước đã.

Phiêu lưu với dự án 'công viên hóa' sông Tô Lịch ảnh 3

Đề án “Giải pháp tổng thể” để cải tạo toàn bộ sông Tô Lịch của công ty Nhật.

Câu chuyện “Công viên Văn hóa – Lịch sử - Tâm linh” nên được nói tới sau khi đã giải quyết được cải tạo chất lượng nước của dòng sông… Giải pháp có rất nhiều, không chỉ có sự tham gia trong nước mà còn cả yếu tố quốc tế nhưng đến nay khi nhìn lại, ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch vẫn là bài toán nan giải” - bà Thuận nói.

Sông Tô Lịch dài khoảng 15km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía Nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Theo ước tính của Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả trực tiếp xuống sông Tô Lịch. Đã có nhiều kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch được thành phố Hà Nội triển khai trong hơn 10 năm qua nhưng đều không hiệu quả.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, sông Tô Lịch từ xa xưa có vị thế rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thăng Long Hà Nội xưa, nó đã từng được coi là vị Thành Hoàng.

Ông Quốc cho rằng, ý tưởng cải tạo dòng sông này là khá tốt, bởi sau một thời gian khá dài nó bị lãng quên, bị xâm hại… “Cách đây một thời gian rất dài chúng ta cũng có ý tưởng phục hồi một phần nào dòng sông này nhưng rồi cũng trục trặc.

Đến khi sử dụng công nghệ của nước ngoài, nhất là của Nhật Bản để thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch tôi hoan nghênh. Họ thử nghiệm tôi thấy có hiệu quả bước đầu, rất tiếc sau đó có những trục trặc không đáng có khiến dự án phải dừng lại”. Ông hi vọng, sau khi được xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm, những giá trị của sông Tô Lịch sẽ được gìn giữ, phát huy.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.