Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Gia Lai trong phát triển kinh tế -xã hội, đặc biệt là các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng các điển hình tiên tiến, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững…
Phó Chủ tịch nước đề nghị Gia Lai tiếp tục phát huy lợi thế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đột phá về tốc độ phát triển kinh tế xã hội; quan tâm hơn nữa tới nhân dân đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động ở vùng sâu, vùng xa, tiếp tục giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh - quốc phòng. Cùng với đó, tỉnh cần chú trọng phát triển các nhân tố tiêu biểu tại các làng, bản, khu dân cư; xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những tấm gương khởi nghiệp, quan tâm kịp thời những tập thể, cá nhân có những sáng kiến tạo đột phá về năng suất, chất lượng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng…
Gia Lai có 17 đơn vị hành chính với hơn 1,5 triệu dân, trong đó gần 45 % là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã ra sức diệt giặc đói, giặc dốt và tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh. Tốc độ phát triển kinh tế hàng năm của tỉnh luôn đạt ở mức cao, giai đoạn 2010-2015 đạt trên 12%, thu nhập bình quân đầu người vượt 42 triệu đồng/người/năm tăng gấp 58 lần so với năm 1991. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư xây dựng, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 13, 34%, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng căn cứ cách mạng được cải thiện.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đến dâng hoa Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku.