Sáng 29/1, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác của các bộ, ngành đã làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn. Đây là buổi làm việc thứ tư của ông liên quan tới lĩnh vực này sau Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh để xây dựng báo cáo trình Bộ Chính trị đầu năm nay.
Hà Nội được coi là địa phương "ngôi sao" thu hút FDI khi dẫn đầu lượng vốn năm 2018. phó thủ tướng mong muốn Hà Nội báo cáo những thuận lợi, bất cập trong lĩnh vực này, góp phần giúp Bộ Chính trị, Trung ương vạch ra hướng kêu gọi và sử dụng FDI trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, tính đến hết ngày 31/12/2018, thành phố có gần 4.500 dự án FDI còn hiệu lực thực hiện với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 36,6 tỷ USD. Năm 2018, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước. Vốn giải ngân của Hà Nội cũng 18,9 tỷ USD.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Hà Nội ngày 29/1. Ảnh: Thành Chung/VGP. |
Vốn đầu tư thu hút lớn nhất là vào bất động sản và công nghiệp chế biến chế tạo. Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về quy mô vốn đầu tư với khoảng 10,2 tỷ USD; tiếp đến là Singapore với khoảng 6 tỷ USD. Quy mô vốn đầu tư đăng ký trung bình một dự án là 7,6 triệu USD.
FDI tạo việc làm ổn định và đào tạo kỹ năng cho khoảng 295.000 người; thu nhập bình quân khoảng 11,6 triệu đồng/người/tháng, cao hơn thu nhập trung bình của người lao động trong các khu vực doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực, Hà Nội vẫn gặp nhiều vướng mắc trong thu hút và sử dụng FDI khi thiếu chiến lược và quy hoạch từ phía các bộ, ngành trung ương; quy mô vốn đầu tư các dự án đầu tư nước ngoài FDI nhỏ, nguồn vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài thấp, chưa phát huy được tiềm năng của nguồn vốn FDI.
Ngoài ra còn hiện tượng giao dịch liên kết, chuyển giá; người nước ngoài đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” vẫn tồn tại; dự án công nghệ cao và hoạt động chuyển giao công nghệ chưa nhiều, chưa thể hiện các hiệu ứng, kết quả rõ nét. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển R&D còn ít.
Gom lại các vấn đề thu được sau buổi khảo sát, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận TP Hà Nội đã thành công trong thu hút FDI. Tuy nhiên ông cho rằng tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tốc độ huy động vốn FDI của Hà Nội tăng về số tuyệt đối nhưng tỷ trọng lại theo xu hướng giảm xuống, ngược chiều với các địa phương khác.
“Việc giảm này cần phân tích, đánh giá kỹ, đôi khi là tốt, chứng tỏ khu vực kinh tế trong nước mạnh lên, tránh lệ thuộc quá nhiều vào FDI”, ông nói.
Những đối tác đầu tư FDI lớn nhất và địa phương thu hút nhiều FDI nhất năm 2018. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Phó thủ tướng cũng chỉ ra rằng một số quốc gia GDP tăng trưởng cao, tỷ trọng khu vực FDI rất lớn nhưng lợi ích của quốc gia rất thấp, nhất là vấn đề đóng góp cho ngân sách nhà nước.
"Bên cạnh việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư có lợi ích khi vào Việt Nam thì thu hút FDI cũng cần phải bảo đảm lợi ích cho đất nước và cho người lao động", ông nói.
Phân tích sâu hơn, Phó thủ tướng cho rằng việc thu hút FDI, tổng thể vẫn là lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường, chất lượng cuộc sống và thu nhập của người lao động. Đây là vấn đề quan trọng chứ không phải số lượng bao nhiêu, giải ngân được bao nhiêu.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo và tổ biên tập đề án lưu tâm đề án phải phù hợp với chiến lược kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó cần có đổi mới tư duy về chính sách và tổ chức thực hiện các chính sách liên quan đến thu hút và sử dụng vốn FDI.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng tư duy về xúc tiến đầu tư phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ, chuyển trọng điểm thu hút từ chiều rộng sang chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng, hướng tới xây dựng mô hình khu công nghiệp gắn kết với đô thị, nhà đầu tư làm việc và sống tại chỗ.