Hiện tại đang là thời điểm học sinh tiểu học, THCS gấp rút hoàn thành kỳ thi kết thúc năm học. Một số trường đã hoàn thành kỳ thi quan trọng này. Không ít phụ huynh mệt mỏi vì cùng con làm và học thuộc những trang đề cương quá dài.
Liên quan tới áp lực mùa thi, chị Hoàng Bích (Văn Điển – Hà Nội) cho hay: “Con mình năm nay học lớp 7, sắp tới kỳ thi cuối năm nên ba tuần trở lại đây cả nhà mình phải ôn thi theo con.
Nhiều lúc nghĩ tới con thương lắm mà không biết làm sao được: Buổi sáng con đi học chính khóa trên lớp, buổi chiều con đi học thêm ở nhà cô, học bổ trợ ở trường cũng đến tối mịt mới về.
Về tới nhà là đi tắm, ăn cơm xong lại cặm cụi làm đề cương chuẩn bị thi. Đề cương 9 môn học, môn nào cũng mười mấy câu hỏi. Mình choáng nhất là đề cương môn Sinh học của cháu, dài 16 câu, làm hết cũng ngót chục mặt giấy.
Ngày nào con cũng hí hoáy làm đề cương tới hơn 23h đêm mà chưa xong, mình biết không đúng quy định nhưng đành “lách luật” cùng làm đề cương với con mặc dù chữ tôi và chữ cháu không giống nhau. Làm xong đề cương lại còn học thuộc để còn chuẩn bị thi. Vậy là ngày nào bố mẹ thay ca nhau vật lộn với mùa thi cùng con”.
Chị Hoàng Bích cho biết thêm, điều mà chị cảm thấy “mệt mỏi” nhất là đề cương môn Văn, lúc đầu cô giáo dạy Văn cho một đề cương có tính định hướng, yêu cầu các con làm ra vở và học thuộc.
Tất cả có 4 bài tập làm Văn thuộc các thể loại văn chứng minh và giải thích. Khi con làm xong đề ấy rồi thì tổ Văn của trường lại đưa ra một đề cương khác rồi cô giáo lại yêu cầu các con về làm và học thuộc. Cứ giữ mãi lối học thuộc các bài tập làm văn như vậy thì các con làm gì còn cơ hội thể hiện sự sáng tạo khi viết văn?
Khánh A. (học sinh tại trường THCS Văn Điển) chia sẻ: “Mùa thi cũng vất vả nhưng có mẹ học cùng nên cháu cũng vui, đề cương dài vẫn phải cố làm hết và học thuộc vì cháu sợ bị điểm kém. Với lại, trước khi thi cô giáo cháu còn kiểm tra miệng trên lớp. Các bạn đều học thuộc, mình mà không thuộc bị điểm kém thì xấu hổ lắm ạ”.
Khi hỏi một ngày cháu dành bao nhiêu thời gian cho việc học trên lớp và học ở nhà thì học sinh này cho biết, sáng học trên lớp, chiều đi học thêm và tối về học cùng với mẹ, chỉ ngủ có 6 tiếng/ngày.
Chị Phương Anh (Văn Điển, Hà Nội) cũng cùng cảnh ngộ. Chị chia sẻ: “Con bé nhà mình học lớp 9 mới vất vả. Gần tháng nay con gầy đi trông thấy. Gầy cũng phải thôi, người lớn còn thấy choáng chứ nói gì tới trẻ con. Ngày ngày đi học trên lớp, tối về chị gia sư tới hướng dẫn cho học bài. Đề cương ôn học kỳ cả một quyển luôn. Môn nào cũng thi: Công dân, công nghệ…đều thi hết. Nhiều hôm tỉnh giấc, lên phòng xem con thế nào, thấy con ngủ trên giường mà trong tay vẫn cầm tờ đề cương ôn tập mà ứa nước mắt”.
Học sinh căng thẳng trước mùa thi. (Anh minh họa)
Chia sẻ về những khó khăn, vất vả của phụ huynh và học sinh, một cô giáo tại trường THCS trên địa bàn Hà Nội cho biết: “Làm giáo viên hơn ai hết mình thấu hiểu được sự vất vả của các em trong mùa thi này. Rất muốn giúp để các em bớt áp lực, bớt vất vả nhưng bản thân mình cũng phải đối mặt với nhiều áp lực. Áp lực vì thành tích của học sinh mà mình giảng dạy, áp lực vì số lượng học sinh khá giỏi của từng lớp.
Rồi cuối năm, nào là đề cương, kiểm tra đề cương rồi vào sổ điểm rồi chấm bài kiểm tra. Bản thân mình nhiều khi còn thấy “ngột ngạt” vì không khí của mùa thi nhưng cũng chẳng biết làm sao, đành cố gắng mỗi người một chút vậy”.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Hoàng Minh Hà (Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội) cho hay: “Áp lực mùa thi chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các con bị trầm cảm hoặc có dấu hiệu của bệnh trầm cảm hay rối loạn tâm lý.
Hãy tạo cho con một không gian thoáng mát, thoải mái ôn tập cùng con chứ đừng để con cảm thấy ngột ngạt và lượng kiến thức quá lớn. Trong thời điểm này, các phụ huynh nên động viên, khuyến khích các con đừng bắt ép con phải làm cái này phải học thuộc cái kia. Điều ấy sẽ tạo cho các con tâm lý ức chế, điều ấy lặp lại nhiều lần là nguyên nhân của bệnh trầm cảm”.
Theo Infonet