James, một y tá 32 tuổi của khoa cấp cứu bệnh viện tại thủ đô Manila đã xin nghỉ việc vào giữa tháng 7 tại bệnh viện tỉnh nơi anh đã phục vụ hơn 7 năm. Đó là một quyết định khó khăn để đưa ra khi anh bắt buộc chọn giữa một công việc đã không được trả lương trong hai tháng qua và bảo vệ gia đình khỏi sự lây lan của virus. James và các nhân viên y tế khác của bệnh viện đã yêu cầu ban quản lý cung cấp chỗ ở để không mang virus về nhà bởi nhiều người trong số họ đã mắc Covid-19 nhưng lời đề nghị vẫn còn đang trong giai đoạn phê duyệt đã nhiều tháng nay. Đây là tình trạng chung của các nhân viên y tế Philippines.
Nhân viên y tế Philippines xuống đường đòi quyền lợi. Ảnh: Rappler. |
Nhiều bệnh viện đã bị ảnh hưởng khi nhân viên y tế bỏ việc, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhân lực. Theo Hiệp hội các bệnh viện tư nhân của Philippines, vào năm 2020, khoảng 40% y tá Philippines tại các bệnh viện tư nhân đã nghỉ việc. Gần đây, Trung tâm Y tế St. Luke, một bệnh viện tư nhân lớn cũng gặp phải tình trạng tương tự khi các nhân viên y tế xin nghỉ việc, làm chao đảo hệ thống thăm sóc sức khỏe của bệnh viện vào đúng thời điểm số người nhập viện tăng cao chưa từng có.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 25/8 nhấn mạnh, chính phủ Philippines phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng các nhân viên y tế nhận được sự hỗ trợ đầy đủ để tiếp tục điều trị bệnh nhân. Sự gia tăng các ca mắc Covid-19 và việc xử lý sai các quỹ công nhằm xử lý đại dịch Covid-19, trong đó có lợi ích của các nhân viên y tế đã làm dấy lên những chỉ trích.
Các nhân viên y tế Philippines gần đây thậm chí đã bày tỏ sự thất vọng bằng cách xuống đường biểu tình yêu cầu giải quyết các quyền lợi trong bối cảnh đại dịch. Ông Edwin Pacheco, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Thận Quốc gia, Liên minh nhân viên y tế Philippines nêu ý kiến: “Nếu chúng tôi là anh hùng đối với các bạn, tại sao đã một năm rồi mà chúng tôi vẫn ở đây, trên đường phố kêu gọi các quyền lợi trong đại dịch Covid-19?”
Trong khi đó, tuyên bố của Liên minh các chuyên gia chăm sóc sức khỏe về Covid-19 (HPAAC) mới đây viết: "Nhiều nhân viên y tế mệt mỏi, khóc lóc, trút giận, hoặc nghỉ việc. Trái tim chúng tôi rỉ máu, và chúng tôi xin lỗi những bệnh nhân đã phải từ chối vì không thể tiếp nhận được nữa". Nhóm nhân viên y tế lớn nhất của Philippines đã kêu gọi chính phủ xem xét lại phản ứng với đại dịch.
Tại cuộc thảo luận của Hạ viện về ngân sách đề xuất năm 2022 của Bộ Y tế hôm 1/9, Bộ Y tế Philippines cho biết khoảng 526.727 nhân viên y tế đủ điều kiện nhận trợ cấp rủi ro đặc biệt (SRA). Bộ này giải thích, sự chậm trễ trong việc cấp phát phúc lợi do các vấn đề về thủ tục giấy tờ khi xác nhận các nhân viên y tế có thực sự trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 hay không. Trong khi đó, các thượng nghị sĩ đã nói rằng tất cả các nhân viên y tế, cho dù họ đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 hay không, đều nên được hưởng trợ cấp rủi ro đặc biệt vì tất cả họ đều có nguy cơ nhiễm virus.
Không chỉ trong đại dịch, trong nhiều năm qua, các nhân viên y tế Philippines đã rời khỏi đất nước sau những nỗ lực thất bại trong việc đấu tranh đòi mức lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Theo Bộ Lao động và Việc làm Philippines, một y tá chỉ nhận được mức lương trung bình khởi điểm từ P8.000 (158,54 USD) đến P13,500 (267,54 USD) mỗi tháng. Được biết đến như là "xưởng đào tạo và xuất khẩu" y tá số 1 thế giới, Philippines nay lại phải đối mặt với sự thiếu hụt y tá. Tháng 4/2020, chính phủ Philippines phải ban hành lệnh cấm các y tá, bác sĩ và các nhân viên y tế khác ra nước ngoài, cho rằng họ cần phải tham gia nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19 trong nước.
Hơn một năm xảy ra đại dịch, Philippines hiện ghi nhận hơn 2 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 33.000 trường hợp đã tử vong. Vào ngày 30/8, Philippines chứng kiến số ca mắc Covid-19 mới trong một ngày cao nhất từ trước đến nay với 22.366 ca./.