Dễ thấy, với những gia đình có điều kiện trung bình hoặc khá giả thì 100 triệu là số tiền không hề nhỏ.
Vậy mà nhiều hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở huyện vùng cao Sơn Tây vẫn cố “cắn răng” hi sinh “đầu cơ nghiệp” trị giá khoảng 20 triệu, vay mượn thêm để mua 5 con heo lớn, vài chục con gà, cả trăm lít rượu cùng vài tạ gạo… (ước tính lễ vật lên tới hàng trăm triệu) để làm lễ đâm trâu theo truyền thống, cầu bình an, sức khỏe, làm ăn phát đạt.
Ông Đinh Kà Để đã khẳng định với dư luận rằng “Đâm trâu không có gì là man rợ”.
Ảnh: Zing
Phát đạt chưa thấy đâu, chỉ thấy phát nợ. Chính những người dân tự nguyện đứng ra tổ chức lễ hội đó cũng nhận thức được hoàn cảnh éo le, khốn cùng của mình. Nhưng sau bao nhiêu năm, họ vẫn không thể thay đổi lối nghĩ.
Họ ngu muội không phải bởi họ không có khả năng nhìn nhận vấn đề mà có lẽ bởi họ bị che mờ mắt và “dắt mũi” bởi những người có tầm trong cộng đồng của họ.
Thật vậy, chính Bí thư Huyện ủy Sơn Tây – ông Đinh Kà Để đã khẳng định với dư luận rằng “Đâm trâu không có gì là man rợ”. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh thêm bằng cách kể ra những dẫn chứng về lợi ích của việc đâm trâu.
Phát ngôn của ngài Bí thư Huyện ủy Sơn Tây xung quanh việc đâm trâu sốc nhưng không hề sai. Bởi cũng giống như cái đẹp, sự dã man được định nghĩa và nhìn nhận tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người.
Tuy nhiên, việc đâm trâu không man rợ không có nghĩa là hủ tục đó không man rợ. Sự dã man không đến từ hình thức (đâm trâu) mà nó biểu hiện bằng những hệ quả nó để lại.
Hủ tục “man rợ” đó đã gây ra bao hậu quả khiến nhiều gia đình phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi họ biết chắc nếu tổ chức lễ hội thì gia đình họ sẽ rơi vào cảnh nghèo đói, nợ nần, kiệt quệ nhưng lỡ “đâm lao” (hứa với ông trời) rồi thì vẫn phải vui vẻ “theo lao”, mặc cho đích đến của những cây lao là thiên đường hay địa ngục.
Chắc chắn ngoài những câu chuyện “thuận buồm xuôi gió” (như việc hai người con của Bí thư Huyện ủy có em bé sau khi ông tổ chức lễ đâm trâu tại nhà) thì ông không thể không biết đến những hoàn cảnh “đã héo nay còn héo hơn” của người dân trên địa bàn ông “cai quản” khi họ phải bán hết cả cơ nghiệp, vay nợ khắp nơi, chi hơn 100 triệu đồng cho một lễ đâm trâu.
Vả lại, quan niệm “Đâm trâu nhiều nhát mà con trâu vẫn sống thì chứng tỏ nó khỏe. Trâu càng khỏe thì các thành viên trong gia đình chủ lễ càng mạnh khỏe” là hết sức vô căn cứ và phiến diện.
Bởi chừng nào con người bị đâm nhiều nhát mà không chết mới chứng tỏ được người đó khỏe mạnh chứ sức chịu đựng của con trâu và sức khỏe của gia chủ chẳng có bất cứ sợi dây liên hệ nào với nhau cả!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Bảo Trang