Làng Teng thuộc xã Ba Thành, huyện Ba Tơ nằm bên Quốc lộ 24 (nối Quảng Ngãi với tỉnh Kon Tum) cùng dòng sông Liên hiền hòa. Làng có 300 hộ là người H’rê. Đây cũng là ngôi làng duy nhất của người H’rê ở Quảng Ngãi biết dệt thổ cẩm, là nơi cung cấp trang phục thổ cẩm cho phần lớn đồng bào dân tộc vùng này. Ngày 25/9/2019, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Gần 2 năm nay, Hợp tác xã Dịch vụ làng Teng được thành lập nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa của đồng bào Hrê đến với người dân, du khách, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương. Làng Teng đã đón nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Chị Phạm Thị Y Hòa cho biết, tham gia Hợp tác xã, bà con được truyền dạy kỹ năng dệt thổ cẩm của đồng bào H’rê; tập huấn đưa đón, giao tiếp với du khách; học hát dân ca, dân vũ, đánh chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc…Từ hoạt động du lịch, thu nhập của bà con cao và ổn định hơn trước.
Tuy nhiên, hiện các nhà sàn truyền thống trong Khu “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn làng Teng” đã xuống cấp, gây lãng phí, ảnh hưởng đến mỹ quan. Ông Phạm Văn Chính, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ làng Teng cho rằng, để phát triển du lịch cộng đồng địa phương, Khu “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn làng Teng” có vai trò rất quan trọng vì đây là điểm đến đầu tiên của du khách, nơi bà con sẽ tập trung dệt thổ cẩm, hát, múa, đánh chiêng, gói bánh. Nhưng các nhà sàn xuống cấp khiến bà con không thể thực hiện những nội dung trên, du khách cũng không thể tham quan. Cơ quan chức năng cần sớm sửa chữa, nâng cấp các nhà sàn khu vực này.
Rừng dừa nước xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh “Căn cứ rừng dừa nước”. Người dân nơi đây đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng, thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Đến rừng dừa nước Tịnh Khê du khách được hòa mình vào màu xanh tươi mát giữa những ngày hè oi ả, trải nghiệm chèo thuyền băng qua các con lạch, thưởng thức trái dừa nước và cùng người dân làm lưới đánh cá.
“Mỗi lần có khách, tôi vừa chèo thuyền vừa làm hướng dẫn viên để giới thiệu về lịch sử rừng dừa nước. Tôi rất vui khi quê hương làm du lịch, đây là cơ hội để tôi và nhiều hộ dân được giới thiệu với du khách và hướng dẫn khách trải nghiệm cuộc sống mưu sinh vùng sông nước”, ông Nguyễn Tý, người dân địa phương cho biết.
Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2023. Nơi đây đã trở thành nơi gắn kết, chung sức, đồng lòng cùng người dân làm du lịch. Hiện, hợp tác xã có 17 thành viên và tiếp tục vận động người dân có rừng dừa nước cùng tham gia du lịch cộng đồng. Người dân chèo thuyền phần lớn có độ tuổi 50, 60 tuổi, quanh năm gắn bó với rừng dừa. Hợp tác xã đang thiết kế 10 homestay ngay trên rừng dừa nước làm nơi lưu trú cho du khách, xây các tuyến đường nội bộ dẫn vào rừng dừa để khách đi bộ. "Tuy nhiên, để xây dựng các homestay tại đây cần được cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép và cần nguồn kinh phí rất lớn. Do đó, Hợp tác xã rất mong nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng", ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ.
Theo ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phát triển kinh tế thông qua du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới là xu thế tất yếu trong thời gian tới. Toàn tỉnh hiện có 5 Hợp tác xã nông nghiệp tham gia phát triển du lịch. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành có liên quan triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh.
"Sở sẽ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhận thức về du lịch, bảo vệ môi trường du lịch cho lãnh đạo chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở; thực hiện các chương trình giáo dục cộng đồng, tập huấn văn hóa kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho đối tượng là các hộ kinh doanh, doanh nghiệp du lịch. Bên cạnh đó Nghị quyết số 26/2022/NQ-HĐND Quy định một số nội dung, mức chi, hỗ trợ kinh phí sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025, trong đó có nội dung: hỗ trợ du lịch nông thôn (70% kinh phí nhưng không quá 3 tỷ đồng/huyện miền núi; 50% kinh phí nhưng không quá 3 tỷ đồng/huyện còn lại). Đây chính là “trợ lực” để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trong thời gian tới", ông Hồ Trọng Phương nhấn mạnh.