Tiềm năng du lịch nông thôn
Cùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước, hoạt động du lịch nông nghiệp nông thôn của Bến Tre được khai thác và phát huy thế mạnh với nhiều loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch như: Du lịch tham quan vườn dừa, vườn cây ăn trái, du lịch trải nghiệm sống trong nhà dân và tham gia sinh hoạt với người dân; tham quan, trải nghiệm tại làng nghề truyền thống, thưởng thức món ăn đặc trưng gắn liền với cây dừa, tham quan, mua sắm sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP...
Theo các chuyên gia, phát triển du lịch nông nghiệp như là hoạt động xuất khẩu tại chỗ của nông dân. Hoạt động du lịch nông nghiệp ở vùng nông thôn có thể tạo ra thị trường tiêu dùng mới, tăng thu nhập trung bình của nông dân thông qua việc bán thành quả sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ cho du khách, nhờ đó đảm bảo tính bền vững của ngành. Nông nghiệp kết hợp với du lịch là sự kết hợp tuyệt vời để nông dân tiếp tục gắn bó nghề nông, chăm sóc, duy trì, làm mới nông trang. Mặt khác, tính bền vững xã hội nông thôn sẽ được đảm bảo khi du lịch nông nghiệp tạo cơ hội cho người dân thiếu việc làm ở vùng nông thôn kiếm thu nhập tại nơi mình sinh sống, không phải đổ dồn về thành thị để mưu sinh…
Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Cường, sinh năm 1960, ngụ xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm chuyển qua làm du lịch từ diện tích 1,5 ha vườn dừa xen ca cao nhờ liên kết với một homestay trong vùng.
Ông Cường cho biết, trước đây trồng ca cao xen trong vườn dừa nhưng hiệu quả không cao, giá bán khá thấp. Năm 2016, do đợt hạn mặn kéo dài làm ca cao bị chết rất nhiều, cả khu vườn chỉ còn gần 200 cây. Số lượng ít, thu hoạch khó tiêu thụ nên ông dự định đốn bỏ. Cách đây gần 2 năm, gia đình ông được anh Quách Duy Thịnh (sinh năm 1992), chủ một homestay đến đặt vấn đề liên kết đưa khách đến tham quan nên ông giữ lại vườn cho tới nay.
Ông Cường cho biết: "Nhờ có khách nên tôi bán ca cao tươi tại chỗ, không phải lo đầu ra như trước đây. Hai vợ chồng vừa chăm sóc vườn, chăn nuôi và có thu nhập từ du lịch nên cuộc sống rất ổn định".
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh hiện có 41 homestay với sức chứa trên 1.000 khách, tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, thành phố Bến Tre.
Toàn tỉnh có 57 làng nghề đã được công nhận, trong đó 39 làng nghề nông nghiệp, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các làng nghề nông nghiệp truyền thống chủ yếu sử dụng phương pháp sản xuất thủ công, tạo sự hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khi tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm công đoạn tạo ra sản phẩm như: Sản xuất cây giống, hoa kiểng, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt chiếu, đan giỏ cọng dừa, chế biến cá khô, rượu Phú Lễ, kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng...
Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá
Để đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, ngày 12/6/2023, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành kế hoạch Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.
Phấn đấu 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (huyện Chợ Lách) và 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú. Xây dựng mô hình phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh gắn với nâng cao vai trò tổ chức và quản lý cộng đồng tại xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre (theo Quyết định số 1528/QĐ-BNN-VPĐP ngày 14/4/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; phấn đấu mỗi điểm du lịch có ít nhất 1 nhân viên thành thạo ngoại ngữ. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Để đạt được những mục tiêu trên, theo UBND tỉnh Bến Tre, cần nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương.
Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng của địa phương, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng.
Xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn.
Xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, làng du lịch thông minh, du lịch không phát thải. Ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc mang đặc trưng của địa phương và có hiệu quả kinh tế; hướng tới việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của mọi tác nhân trong chuỗi giá trị du lịch (nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, cộng đồng và du khách,…) trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; có áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.