Bằng những kinh nghiệm trong nhiều thập kỷ làm chính trị gia, Henry Kissinger trong cuốn sách cuối cùng của mình “Lãnh đạo: 6 chiến lược gia kiệt xuất định hình thế giới”, đã xem xét chiến lược của sáu nhà lãnh đạo vĩ đại của thế kỷ XX và đưa ra một lý thuyết về lãnh đạo và ngoại giao. Ngay từ khi vừa ra mắt cuốn sách này đã ngay lập tức trở thành cuốn sách Best Seller trên New York Times.
Trong cuốn sách “Lãnh đạo: 6 chiến lược gia kiệt xuất định hình thế giới”, Kissinger đã lựa chọn để dựng nên chân dung 6 nhân vật có sức ảnh hưởng lớn đến cục diện thế giới trong thế kỷ 20. Đó là: “Adenauer với tính chính trực và bền bỉ, de Gaulle với quyết tâm và tầm nhìn lịch sử, Nixon với hiểu biết về tình hình quốc tế đa phương và sức mạnh trong việc ra quyết định, Sadat với nhận thức tinh thần cao cả mà với nó ông đã tiến nhanh tới hòa bình, Lý Quang Diệu với trí tưởng tượng trong việc xây dựng một xã hội đa dân tộc mới, Thatcher với phong cách lãnh đạo nguyên tắc và sự ngoan cường. Tất cả đều thể hiện sự dũng cảm phi thường”.
Bất kỳ xã hội nào, dù sở hữu hệ thống chính trị ra sao, đều luôn chuyển dịch giữa một quá khứ đã định hình nên ký ức và một tầm nhìn về tương lai đóng vai trò truyền cảm hứng cho sự phát triển của nó. Dọc theo hành trình này, không thể thiếu vắng vị trí lãnh đạo: ra quyết định, tạo dựng niềm tin, thực hiện lời hứa hẹn, trù định con đường phát triển.
Trong các thể chế của loài người – nhà nước, tôn giáo, quân đội, công ty, trường học – lãnh đạo là cần thiết để giúp tập thể đi từ điểm hiện tại đến nơi họ chưa tới bao giờ và đôi khi, là nơi họ khó có thể hình dung là mình đang tới. Nếu không có vị trí lãnh đạo, các thể chế sẽ trôi dạt, các quốc gia sẽ ngày càng rệu rã, và cuối cùng sẽ rơi vào thảm họa.
Các nhà lãnh đạo suy nghĩ và hành động tại giao điểm của hai trục: thứ nhất, giữa quá khứ và tương lai; thứ hai, giữa các giá trị đã trường tồn và khát vọng của tập thể mà họ dẫn dắt. Thách thức đầu tiên của họ là phân tích, bắt đầu bằng một đánh giá thực tế về xã hội dựa trên lịch sử, tập quán và năng lực của xã hội ấy. Sau đó, họ phải có sự cân bằng giữa những gì họ biết – vốn nhất thiết phải được đúc kết từ quá khứ – với những gì họ trực cảm về tương lai, vốn mang tính phỏng đoán và không chắc chắn. Chính khả năng nắm bắt định hướng mang tính trực giác này cho phép các nhà lãnh đạo thiết lập mục tiêu và đưa ra chiến lược.
Giới thiệu – Các trục lãnh đạo
Kissinger không đơn thuần là lựa chọn 6 nhân vật có sức ảnh hưởng lớn đến cục diện thế giới trong thế kỷ XX để phân tích, trình bày điều kiện để trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại và lý do tại sao các nhân vật được chọn lại vĩ đại; mà đây đều là những nhân vật ông đã tiếp xúc khi họ đang thời kỳ đỉnh cao, có hiểu biết sâu sắc về cá tính và tư duy chiến lược của họ, …, giúp ông đưa ra những nhận định, mà như nhiều người nhận xét, là chỉ Kissinger mới có thể. Qua đó, phần nào bức chân dung về Kissinger cũng hiện lên rõ rệt.
Hơn thế nữa, trước và sau 6 phân tích cụ thể, tác giả còn có phần Mở đầu và Kết luận mang tính lý luận, mở rộng về vấn đề Lãnh đạo. Phần Mở đầu, Kissinger đưa ra vai trò không thế thiếu của vị trí lãnh đạo, bản chất của quyết định lãnh đạo, các kiểu mẫu lãnh đạo, trình bày bối cảnh lịch sử của 6 nhà lãnh đạo dược mô tả trong sách này… làm tiền đề lý luận vững chắc cho các phân tích cụ thể từng nhân vật sau đó. Ở phần kết luận, tác giả bàn về tiến trình của “lãnh đạo”, cũng như lãnh đạo với trật tự thế giới, và tương lai của “lãnh đạo”. Đây là hai phần đặc biệt quan trọng đúc kết những tư tưởng, tầm nhìn của Kissinger về lãnh đạo trong suốt gần một đời hoạt động chính trị của mình.
Do tính phức tạp của thực tế, sự thật trong lịch sử khác với sự thật trong khoa học. Nhà khoa học tìm kiếm kết quả có thể xác minh; nhà lãnh đạo chiến lược am hiểu lịch sử cố gắng chắt lọc tri thức có thể biến thành hành động từ sự mơ hồ cố hữu. Các thí nghiệm khoa học ủng hộ hoặc hoài nghi về những kết quả trước đó, tạo cơ hội cho nhà khoa học sửa đổi các biến và lặp lại thử nghiệm. Chiến lược gia thường chỉ được phép thực hiện một bài kiểm tra; quyết định của họ thường không thể thu hồi.
Do đó, nhà khoa học tìm hiểu sự thật căn cứ theo thực nghiệm hoặc toán học; nhà chiến lược suy luận ít nhất một phần dựa theo phép loại suy với quá khứ – trước tiên xác định những sự kiện nào tương đồng và những kết luận nào trước đó vẫn còn phù hợp. Ngay cả khi đó, chiến lược gia phải lựa chọn phép loại suy một cách cẩn thận, vì không ai có thể, theo bất cứ khía cạnh thực tế nào, trải nghiệm được quá khứ; người ta chỉ có thể hình dung nó “dưới ánh trăng của ký ức” như cách dùng từ của sử gia Hà Lan Johan Huizinga.
Chính sự kết hợp nhân vật với bối cảnh đã tạo nên lịch sử, và sáu nhà lãnh trong cuốn sách này – Konrad Adenauer, Charles de Gaulle, Richard Nixon, Anwar Sadat, Lý Quang Diệu và Margaret Thatcher – tất cả đều được định hình bởi bối cảnh lịch sử đầy kịch tính của họ.
Tất cả họ đều trở thành kiến trúc sư của công cuộc phát triển đất nước họ thời hậu chiến và cả trật tự quốc tế. Tôi may mắn được gặp cả sáu người vào thời kỳ mà tầm ảnh hưởng của họ đang ở đỉnh cao và đã sát cánh làm việc với Richard Nixon. Kế thừa một thế giới mà tính chắc chắn đã bị chiến tranh làm tiêu tan, họ tái xác lập các mục đích quốc gia, mở ra những chân trời mới và đóng góp một cấu trúc mới cho thế giới đang trong quá trình chuyển dịch.
Sáu nhà lãnh đạo trong bối cảnh của họ, trang 9
Nhưng bức tranh chung ông đặt ra còn rộng lớn hơn thế: “… liệu các màn trình diễn tương tự có thể được tái hiện hay không. Liệu các nhà lãnh đạo có xuất hiện với tính cách, trí tuệ và sự cứng rắn cần thiết để đáp ứng những thách thức mà trật tự thế giới đang phải đối mặt?” – vẫn là một câu hỏi lớn chưa có hồi đáp.
Cuốn sách phù hợp cho những ai quan tâm đến các chiến lược gia cụ thể được mô tả trong sách này, bối cảnh lịch sử, chính trị của đất nước họ cũng như của thế giới sau Thế chiến II, mở rộng ra là địa chính trị và trật tự thế giới nói chung.
Về tác giả Henry Kissinger (1923-2023)
Ông là Cố vấn An ninh quốc gia và Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời các tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford, đồng thời đã cố vấn cho nhiều tổng thống Mỹ khác về chính sách đối ngoại.
Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách và bài báo về chính sách đối ngoại và ngoại giao, trong đó Omega Plus đã xuất bản:
Về Trung Quốc (On China, 2011)
Trật tự thế giới (World Order, 2014)
Lãnh đạo: 6 chiến lược gia kiệt xuất định hình thế giới (Leadership: Six Studies in World Strategy, 2022)