Thêm sự lựa chọn cho khán giả
Thị trường biểu diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua thêm phần nhộn nhịp, sôi động nhờ sự nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật. Trong đó, ở lĩnh vực sân khấu cải lương, nhiều chương trình sân khấu, vở cải lương mới tái dựng tác phẩm kinh điển, cùng các cuộc thi tài năng chuyên nghiệp toàn quốc và Thành phố… đã và đang giúp hoạt động của sàn diễn này “sáng đèn” thường xuyên, gặt hái nhiều thành công; đồng thời, tạo ra sân chơi chuyên nghiệp cho giới làm nghề thi tài.
Các vở diễn đã có sự đa dạng hơn về thể loại, từ đề tài lịch sử, truyền thống cách mạng, bảo vệ đất nước trong thời bình đến dân gian dân tộc, cổ trang,… Nhiều đoàn còn tập trung đầu tư dàn dựng các vở cải lương thiếu nhi với những thủ pháp đa dạng, mang đậm tính giải trí. Từ đó, nhiều cái tên sân khấu cải lương như: Sân khấu Cải lương mới Đại Việt, Chí Linh - Vân Hà, Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, Đoàn cải lương tuồng cổ Đồng Ấu Bạch Long… được khán giả mộ điệu yêu thích.
Bên cạnh đó, nhiều sân khấu kịch mới được ra mắt dưới nhiều hình thức chỉnh chu và chuyên nghiệp hơn trước. Mới đây, sân khấu kịch mới có tên Thiên Đăng của nghệ sỹ Thành Lộc đã ra mắt khán giả với vở diễn “Giáng Hương” nhằm tôn vinh và tri ân những tiền nhân trong lĩnh vực nghệ thuật. Với nghệ sỹ Thành Lộc, sân khấu mới là cách anh tiếp nối tình yêu kịch nói ở tuổi ngoài 60.
Sắp tới, anh sẽ hợp tác với nhóm nghệ sỹ trẻ ITS (Impact Theatre Saigon) để dàn dựng các vở mang màu sắc Broadway. Anh từng xem ITS diễn trong một đêm nhạc kịch, sau đó quyết định mời họ về cộng tác với sân khấu để theo đuổi thể loại này. Ngoài diễn xuất, ở sân khấu Thiên Đăng, Thành Lộc còn đảm nhận nhiều vai trò. Trong vở diễn “Giáng Hương”, anh phụ trách đạo diễn và phần thoại trong bản cải lương cũng được anh sửa cho phù hợp với kịch nói, thay đổi nhiều chi tiết để tiệm cận với tư tưởng hiện đại.
Tương tự, Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Vân vừa giới thiệu điểm diễn mới của sân khấu Hồng Vân tại Nhà văn hóa Sinh viên (Quận 3) với vở nhạc kịch “Bông cánh cò”. Đây là vở diễn được Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Vân cho dàn dựng làm kịch tốt nghiệp cho các học viên lớp kịch nói. Sau đó, khi tiếp quản sân khấu Nhà văn hóa Sinh viên, nữ nghệ sỹ quyết định làm lại vở này để đánh dấu sự trở lại của kịch Hồng Vân sau một thời gian dài khó khăn, bấp bênh về điểm diễn.
Ngoài ra, các đơn vị sân khấu khác cũng có sự đổi mới như: Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh chọn tổ chức biểu diễn theo mùa và đạt được nhiều hiệu quả tích cực khi các suất chiếu luôn cháy vé; Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ chú trọng phát triển mảng sân khấu kịch thiếu nhi bên cạnh việc duy trì ra mắt các vở diễn dành cho người lớn; nghệ sĩ Minh Nhí và Việt Hương đầu tư ra mắt sân khấu mới tại Rạp Vườn Lài…
Theo ông Tôn Thất Cần, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, để giữ lửa nghề và giữ chân công chúng, các sân khấu đã và đang nỗ lực đẩy mạnh, tìm tòi những đường đi mới. Những đổi mới đó là cơ hội tốt để thăm dò nhu cầu của công chúng; từ đó, các sân khấu có thể tạo dựng những kế hoạch lâu dài. Ở lĩnh vực cải lương, những người làm sân khấu cần thận trọng và có bước đi phù hợp hơn, tính đường dài để cải lương thực sự hòa mình vào nhịp sống hiện đại, trở thành món ăn tinh thần bền vững trong lòng công chúng. Ông Tôn Thất Cần hy vọng, khi có thêm nhiều điểm diễn mới, các đơn vị sẽ thể hiện được chất lượng tương xứng, cho thấy được sự tươi mới trong tư duy nghệ thuật, có được lượng khán giả mới với yêu cầu cao hơn.
Chú trọng chất lượng tác phẩm
Thực tế, các sân khấu tại Thành phố Hồ Chí Minh nói chung vẫn còn những khó khăn khi cơ sở vật chất xuống cấp, các điểm diễn hầu hết còn phải đi thuê theo từng suất diễn hoặc ký hợp đồng hàng năm. Cùng với đó, nguồn kịch bản, nhân lực càng khan hiếm và ít ỏi. Trong bối cảnh đó, các đơn vị sân khấu nghệ thuật đã và đang chú trọng phát huy vào những điểm mạnh để sân khấu sáng đèn, giữ chân khán giả.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, đại diện Sân khấu Kịch Idecaf và Nhà hát Thanh Niên, Nhà hát Thanh Niên được ông thành lập hướng đến một “nhà hát mở” có thể thử nghiệm nhiều loại hình, hình thức sân khấu mới lạ và dành cho người trẻ. Hiện, Nhà hát hoạt động ổn định với các vở diễn đậm tính giải trí là “Thanh xà - Bạch xà: ngàn năm tỉnh mộng”, “Tình một đêm” và “Chạy trốn hồn ma”. Nhiều thế hệ diễn viên, nghệ sỹ nổi tiếng cũng được hội tụ tại đây như: Thanh Thủy, Đại Nghĩa, Trung Dân, Hồng Ánh, Bảo Trí, Ngọc Trinh, Quốc Thịnh, Hòa Hiệp, Phạm Yến...
Riêng Sân khấu Kịch Idecaf, bên cạnh các vở diễn mới như “Bí mật giếng làng Khủm”, “Ai là hung thủ?” (tên cũ là “Em em chị chị”), “Bất ngờ chưa bà già?”, các vở “Thuốc đắng giã tật”, “Sắc màu”, “Tơ duyên”… cũng được phục dựng với nhiều đổi mới và được đông đảo khán giả đón nhận.
Ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết, qua 26 năm, Sân khấu Kịch Idecaf vẫn luôn sở hữu nguồn kịch bản khá phong phú; trong đó có nhiều vở hay mà khán giả chưa được thưởng thức. Thời gian tới, đơn vị sẽ xem xét để dựng lại, cải biên nội dụng, nhằm tạo sự mới lạ, thú vị cho khán giả.
Tương tự, theo soạn giả Hoàng Song Việt, đại diện Sân khấu Cải lương mới Đại Việt, sau những khoảng thời gian khó khăn, dịch bệnh kéo dài, giờ đây, các sân khấu đã quay trở lại chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu với những kế hoạch, dự án mang tính dài hơi, có định hướng phong cách, chất lượng, tính thẩm mỹ nghệ thuật… để khán giả cảm nhận được nét đặc sắc rất riêng của từng sân khấu, các sản phẩm nghệ thuật, vở diễn của các đơn vị làm nghệ thuật. “Việc chăm chút cho sân khấu để các tác phẩm đủ chất lượng, thu hút được khán giả đến với sân khấu sẽ tạo lòng tin, giữ chân khán giả gắn bó với sân khấu theo con đường dài hoạt động nghệ thuật, giúp sân khấu luôn được sáng đèn liên tục”, soạn giả Hoàng Song Việt chia sẻ.
Là người gắn bó hơn 60 năm với sân khấu truyền thống trong nhiều vai trò và góc nhìn nghệ thuật, Nghệ sỹ Ưu tú Ca Lê Hồng cho rằng, sân khấu Thành phố đang ở giai đoạn có sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc tìm kiếm các kịch bản hay, tái dựng kịch bản cũ để phù hợp với thời đại, đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Tuy nhiên, muốn tồn tại và phát triển thì luôn phải tự làm mới. Do đó, các biên kịch cần có sự liên hệ, kết hợp cùng các đơn vị nghệ thuật để có những tác phẩm sâu sát tình hình thực tế xã hội, phù hợp với nhu cầu từng sàn diễn, giúp quảng bá tác phẩm tốt hơn.
Ở góc độ chuyên môn, theo Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc (người có hơn 40 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và là thầy của nhiều thế hệ nghệ sỹ nổi tiếng, đạo diễn của rất nhiều tác phẩm sân khấu đỉnh cao ở Thành phố Hồ Chí Minh), giữa các thế hệ nghệ sỹ đang có sự chuyển giao và khán giả cũng như vậy. Khán giả mỗi thời điểm đều có thị hiếu khác nhau. Do đó, những người làm sân khấu nói chung cần xác định khán giả của mình trong tương lai để có cách đánh giá và nhìn nhận đúng với đối tượng khán giả, nhằm hướng đến hoạt động, chuyển biến phù hợp. Bên cạnh đó, các sân khấu không nên đóng khung, định hình theo khuôn mẫu; phải được phát triển theo các xu hướng phù hợp với sự thay đổi của thời đại.
Đối với lực lượng diễn viên trẻ, ngoài Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh, các sân khấu cần tự thân vận động, đào tạo truyền nghề để làm mới nguồn nhân lực tại chỗ, phù hợp với phong cách biểu diễn từng sân khấu. Các bạn trẻ cần đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn, mở rộng kiến thức, nâng cao chuyên môn, hướng đến những vai diễn tốt, ngày một vững vàng hơn với ngành đã chọn.