Lấy cái tứ từ câu chuyện hai chị em Thi Ca, Thi Họa ở thế giới hiện đại lên nhầm xe buýt, lạc vào thế giới cổ tích, có thể nói, "Đồng Dao cổ tích" là chuyến xe xuyên không về miền cổ tích.
Theo bước chân của hai chị em Thi Ca, câu chuyện thần kỳ của thế giới cổ tích dần được mở ra, cái thiện và cái ác không có ranh giới, nhạc dân ca cất lên cùng những bản Hiphop, Rap... quyện vào nhau. Tất cả trở thành một bản nhạc lúc trầm lúc bổng, khiến người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Cũng từ chuyến xe xuyên không đó, khán giả được gặp lần lượt các nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam.
Ông Bụt theo chân hai chị em Thi Ca và Thi Họa trong thế giới cổ tích |
Một ông Bụt thất nghiệp ở thế giới hiện đại nhưng vô cùng mẫn cán và nhiệt huyết ở thế giới cổ tích. Cứ hễ nghe tiếng trẻ em khóc là ông Bụt lập tức xuất hiện cứu nguy.
Một cô Cám không mang dã tâm độc ác như "cái bóng" lâu ngày vẫn bị đè nặng trong tâm trí nhiều thế hệ, mà Cám biết hát, thậm chí hát rất hay, và trong sâu thẳm tâm hồn luôn mong muốn tất cả mọi người được yên bình, hạnh phúc.
Một Thánh Gióng dáng đứng hiên ngang, đầu đội trời chân đạp đất không khiến trẻ em sợ hãi mà ngược lại, vô cùng gần gũi, dạy chúng biết rèn luyện sức khỏe, tăng cường vóc dáng...
Chi tiết mới mẻ nhất của "Đồng Dao Cổ tích" có lẽ là bài học về sự đoàn kết dành cho thiếu nhi Hà Thành thông qua cuộc chiến của Sơn Tinh và Thủy Tinh. Cả hai sau bao năm còn trăn trở về lời thách đố: "Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao..." đã quyết định dừng cuộc chiến để giữ hòa bình, tạo nên bức tường đoàn kết.
"Đồng Dao Cổ tích" như một giấc chiêm bao dài hơn 1 tiếng đồng hồ, đưa trẻ em về với thế giới cổ tích. Vở nhạc kịch đã thay đổi nhiều góc nhìn của người xem về cái thiện, cái ác… về định kiến đã ăn sâu trong tiềm thức. Các nhân vật đã phá vỡ bức tường xưa cũ, mở ra một chân trời mới của sự hồn nhiên nhất, chân thành nhất.
Sân khấu của "Đồng Dao cổ tích" sáng bừng trong các bài múa đậm chất dân tộc |
Một yếu tố đặc sắc không thể nhầm lẫn của "Đồng Dao cổ tích" là không gian âm nhạc được dệt nên bởi các loại nhạc cụ truyền thống. Khán giả được tự nhiên thả hồn theo những tiếng đàn tranh, đàn tì bà, trống dân tộc, sáo trúc, đàn tứ, đàn nhị, đàn bầu, tù và, cồng chiêng, tam thập lục… - chính là tiếng lòng đã có từ trong tiềm thức của chúng ta, là tiếng của hồn thiêng sông núi, mà giữa những vội vã của cuộc sống hiện đại chúng ta có thể đã tưởng rằng mình không còn thích.
Những câu chuyện cổ tích trên sân khấu tuy quen mà lạ, đó thuộc không chỉ là những trang sách cũ mà chúng ta từng đọc, mà qua sự tài tình của các diễn viên và âm nhạc dân gian độc đáo, chúng được tái hiện với sự sống động và mới lạ hơn bao giờ hết.
Chi tiết con Cóc kiện ông trời đi vào câu chuyện đồng dao một cách tự nhiên và hấp dẫn |
Theo Tác giả- Chủ nhiệm chương trình Quyên Trần, "mục đích của dự án Đồng Dao Cổ Tích chính là muốn phá vỡ những định kiến. Định kiến rằng nhạc kịch phải được làm nên bởi những nghệ sĩ chuyên nghiệp với rất nhiều tiêu chuẩn về mặt diễn xuất, giọng hát, đối tượng khán giả… nhưng ở Đồng Dao Cổ Tích, 100% diễn viên của chúng tôi chưa từng qua khóa học diễn xuất nào trước khi nhận vai. Chúng tôi mong muốn tạo ra một sân chơi mà ở đó những diễn viên không chuyên có cơ hội để tỏa sáng theo cách mà họ có thể, bằng chính niềm tin, sự đam mê và nỗ lực không ngừng của bản thân. Nguồn năng lượng tích cực của những bạn trẻ khao khát được hòa mình vào dòng chảy này đã làm nên động lực để cùng nhau luyện tập, với niềm hân hoan rạng ngời và cũng không ít nước mắt".
Bà Quyên Trần - Tác giả, Chủ nhiệm Chương trình phát biểu trước buổi diễn |
Chìm sâu trong cảm xúc cùng “Đồng Dao Cổ Tích” mới thấy, đây không chỉ là một vở diễn sân khấu. Đó là sự tôn vinh di sản phong phú của dân tộc và những câu chuyện vượt thời gian đã hình thành nên ý thức tập thể dân tộc.
Dàn diễn viên chính của "Đồng Dao Cổ tích" |
Chia sẻ cảm xúc sau buổi tổng diễn chương trình, NSƯT – Họa sĩ Nguyễn Văn Trực, nguyên Trưởng phòng Quản lý Nghệ thuật, Sở Văn hóa thể thao Hà Nội cho rằng: "Đồng Dao Cổ tích là chương trình nghệ thuật rất hiếm có, làm kỹ và chỉn chu trong mùa Trung thu 2023 này, công phu từ chọn diễn viên đến trang phục, biên đạo múa, âm nhạc… Xây dựng tốt đầu tiên là kịch bản, câu chuyện cổ tích kể trong thời đại mới với cách kể chuyện đi xuyên thời gian là ý tưởng rất hay. Cái khó nữa là kịch hát, các em nhỏ vừa diễn kịch vừa phải hát, vừa phải đảm bảo vũ đạo, nhảy, múa…".
Nghệ sĩ ưu tú, họa sĩ Nguyễn Văn Trực chia sẻ cảm xúc sau buổi tổng diễn chương trình |
Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Văn Trực khẳng định thêm: "Những tình tiết cổ tích được đưa vào vở nhạc kịch với liều lượng mức độ vừa phải, giúp khán giả hiểu được ý nghĩa của câu chuyện cổ tích, kết hợp với hình ảnh 3D, màn hình 3D phía trên sân khấu khiến câu chuyện cổ tích trở nên vừa gần gũi vừa hiện đại. Sân khấu rất thơ mộng, thể hiện rõ thông điệp mà câu chuyện mới đưa ra, rất sống động giữa mùa trăng rằm này".
Ekip chương trình thực hiện vở nhạc kịch "Đồng Dao cổ tích" |