Qua rồi cái thời bóng đá Việt, cầu thủ có thể nhận lượng 20-30 triệu đồng/tháng ở các đội bóng, sau mỗi hợp đồng chuyển nhượng là có thể “đút túi” ngon ở vài ba tỉ, hoặc tiền thưởng mỗi trận thắng 300-400 triệu. Các ông bầu phần thì hết tiền rời cuộc chơi, phần đã “no đủ” từ những ưu đãi của địa phương hoặc lãnh đạo, trở nên dè xẻn hơn trong chi tiêu và phần khác cũng “khôn” ra nhiều.
Theo tìm hiểu thì hiện tại, lương trung bình các CLB ở V-League cũng chỉ dao động từ 15-20 triệu đồng/tháng đối với cầu thủ bình thường. Chỉ một số ít thuộc hàng “sao” mới được nhận mức lương lên tới 40-50 triệu đồng/tháng, tuỳ điều kiện từng CLB. Đơn cử như ở HAGL, Công Phượng và các đồng đội được cho là nhận mức lương không quá 15 triệu đồng/tháng.
Con số này có phần “hẻo” so với nhiều CLB khác, đặc biệt càng thấp nếu so với sức hút của tiền đạo gốc Nghệ và những gương mặt nổi bật như Tuấn Anh, Văn Toàn hay Văn Thanh. Chuyện này ở HAGL có đặc thù riêng, bởi các cầu thủ trên vốn được đào tạo bởi Học viện HAGL-JMG, vốn đã tốn rất nhiều tiền của bầu Đức. Khi gia nhập học viện, tất cả đều đã có hợp đồng với những cam kết cụ thể về quyền lợi và trách nhiệm.
Facebook của Công Vinh (Ảnh minh họa) |
Một đội bóng khác thuộc diện “con nhà nghèo” như SLNA, lương cho các cầu thủ trung bình cũng không quá 15 triệu đồng/tháng. Ngôi sao cỡ Quế Ngọc Hải cũng không vượt quá 20 triệu đồng. Đây cũng là lý do SLNA thường xuyên trong cảnh “chảy máu” cầu thủ, bị các đội khác rút ruột qua từng năm.
Cầu thủ bình thường, thu nhập vẫn khá khó khăn cho dù đã là cao nếu so với nhiều ngành nghề khác, cũng như với chính thể thao. Nhưng với các ngôi sao bóng đá, thì chuyện kiếm tiền tỉ là không quá khó. Bóng đá Việt Nam sau 17 năm lên chuyên nghiệp, cầu thủ cũng rành rẽ hơn nhiều các “mánh” kiếm tiền, đặc biệt ngôi sao thì càng dễ.
Cách đơn giản nhất hiện nay với nhiều cầu thủ, là chấp nhận đền bù cho CLB một khoản tiền, để ký hợp đồng với đội bóng mới. Một cầu thủ ngôi sao, tiền “lót tay” thường không dưới 2-3 tỷ đồng/mùa giải. Một bản hợp đồng 2-3 năm là đủ để tậu nhà, mua xe lại có thêm chút vốn làm ăn. Chưa kể, lương và tiền thưởng của những cầu thủ này như nói trên, vốn đã rất cao. V-League chứng kiến nhiều ngôi sao hiếm khi nào chịu ở yên một CLB quá 3 năm. Hoặc khi ở lại, đội nhà cũng phải chi ra rất nhiều tiền. Trong bối cảnh V-League bị siết ngoại binh thì cầu thủ nội giỏi chuyên môn lại càng là của hiếm. Như Quế Ngọc Hải hiện nay, giới “cò” định giá trung vệ SLNA nếu rời đội bóng xứ Nghệ, thì tiền “lót tay” một mùa giải không dưới 3 tỷ đồng.
Đấy là nghề chính, còn nghề tay trái thì cũng muôn kiểu. Một số chọn cách kinh doanh buôn bán nhờ đã tích luỹ được một phần vốn kha khá sau nhiều năm thi đấu, như thủ môn Dương Hồng Sơn, tiền đạo Quang Hải…Số khác, chủ yếu là các ngôi sao đương thời, đang còn thi đấu như Công Phượng, Xuân Trường, hoặc nghỉ chơi nhưng vẫn “hot” như Công Vinh thì thậm chí kiếm tiền cả qua mạng xã hội. Những cầu thủ này đều có tài khoản mạng xã hội riêng, phổ biến là facebook để kết nối, liên lạc với bạn bè, “fan” hâm mộ. Và chính lượng follow lớn trên trang cá nhân giúp các cầu thủ kiếm được bộn tiền. Một dòng trạng thái mới, một bức ảnh…đăng trên facebook của Công Vinh hay Công Phượng có thể giúp chủ nhân thu về vài chục triệu đồng.
Do bận tập luyện và thi đấu, đa số cầu thủ đều không có thời gian quản lý trang cá nhân, mà giao phó cho người khác phụ trách. Đó có thể là một người thân tín hoặc chuyên nghiệp hơn, cả một ê-kip truyền thông, đảm bảo hoạt động “kinh doanh” có thể tạo ra tối đa lợi nhuận. Nguồn tin thân cận với Lê Công Vinh cho biết, mỗi “status” của tiền đạo gốc Nghệ có thể đáng giá 30 triệu đồng, một con số không hề nhỏ chút nào với một ngôi sao Việt.
Theo dân trong nghề thì thực tế, cách kiếm tiền này của sao Việt bắt nguồn từ việc học tập các ngôi sao nước ngoài. Dĩ nhiên xét về mức độ thu nhập thì sao Việt khó so bì với cỡ những Lionel Messi hay Ronaldo. Tài khoản cá nhân của hai ngôi sao đang thi đấu ở La Liga trên có thể đem về hàng triệu, chục triệu đô-la tiền quảng cáo mỗi năm. Nhưng cùng với việc bóng đá Việt ngày một chuyên nghiệp hơn, các hoạt động kiếm tiền của cầu thủ cũng trở nên đa dạng, phong phú không kém gì sao tây. Và nếu đặt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam, mức thu nhập của các ngôi sao bóng đá Việt Nam cũng có thể xem là “khủng”, gì chứ không dám so với đại gia nhưng cũng đủ “ăn đứt” người thường.