Sau nhiều nỗ lực, ngày 11/7/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan và Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Du Kiến Hoa đã ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Sự kiện ấy khiến thị trường sầu riêng chuyển động mạnh mẽ, với nhiều đơn hàng được chốt giá giữa thương lái và nông dân.
Thế nhưng, hơn 1,5 tháng trôi qua, vẫn chưa có chuyến hàng sầu riêng nào được chính ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Đành rằng, vạn sự khởi đầu nan, nhưng quá trình hiện thực hóa nghị định thư về sầu riêng vẫn khá chậm chạp so với niềm mong mỏi của những ai muốn nâng tầm sầu riêng Việt Nam.
Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc rất cao. Mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu trên 600 nghìn tấn sầu riêng. Sầu riêng từ Thái Lan và Malaysia đang chiếm lĩnh thị phần Trung Quốc. Thậm chí, trước đây, sầu riêng Việt Nam đi theo con đường tiểu ngạch vẫn bị dán mác Thái Lan và Malaysia. Chất lượng sầu riêng Việt Nam không hề thua kém Thái Lan và Malaysia, nếu được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì hoàn toàn đủ sức cạnh tranh sòng phẳng để khẳng định vị thế của một mặt hàng trái cây Việt Nam.
Trở lại thực tế của Đắk Lắk. Với diện tích hơn 15 ngàn ha đang bước vào giai đoạn thu hoạch, sản lượng sầu riêng Đắk Lắk dự kiến đạt khoảng 200 ngàn tấn. Nông dân và thương lái đều rất sốt ruột cho hành trình nhập khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc. Nếu vụ mùa này dang dở kế hoạch ấy, thì quan hệ giữa nông dân và thương lái sẽ đổ vỡ, giá sầu riêng lại sụt giảm theo niềm tin của người trồng.
Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, được kéo dài trong 3 năm. Bỏ lỡ một năm cũng thật đáng tiếc. Thử hỏi, sầu riêng Việt Nam đang vướng mắc ở đâu và cách nào để tháo gỡ những nút thắt chưa thông suốt? Có gì bất cập ở mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng tại Việt Nam chăng? Trong tâm trạng ngồi trên lửa, một vài doanh nghiệp đã có tâm thư xin được công bố danh sách xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc.
Sầu riêng nếu chỉ bán trong nước và xuất khẩu tiểu ngạch thì luôn phải đối mặt nhiều rủi ro. Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc được xem như một cơ hội phát triển cho sầu riêng Việt Nam, củng cố thương hiệu một ngành hàng Việt Nam, giúp nông dân có được thu nhập khả quan từ mỗi gốc sầu riêng mà họ chăm chỉ vun bón mỗi ngày. Để sầu riêng không trở thành sầu chung, thiết nghĩ, cần tranh thủ mọi nguồn lực nhằm sớm hiện thực hóa nghị định thư về sầu riêng./.