Họ chắc chắn sẽ đứng bên tôi!
Được biết, dự án bảo tồn di sản điện ảnh của chị vừa nhận được tài trợ từ Quỹ VINIF, mong chị chia sẻ rõ hơn về thông tin này?
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Đây là thông tin tôi đã nhận được khá lâu rồi, đến ngày 16/1 vừa rồi, quỹ VINIF mới tổ chức một sự kiện để gặp gỡ tất cả các chủ nhiệm dự án, theo đó đây cũng là dấu mốc thông báo chính thức với công chúng rằng dự án của Ơ Kìa Hà Nội đã có may mắn khi được ghi nhận bởi một quỹ rất quan trọng về di sản, lịch sử và văn hóa tại Việt Nam.
Khi tôi nhận được tin vui này, việc đầu tiên không phải reo lên ăn mừng mà là gọi điện cho những người cộng sự của mình, trong đó có cả các chuyên gia trong ngành Di sản học tại ĐHQGHN nơi tôi đang theo học, rằng tôi có nên tiếp nhận khoản tài trợ này hay không?
Có thể hỏi chị lý do tại sao cho sự ngần ngại này trước một dự án mà đã theo đuổi và mong mỏi trong nhiều năm?
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Cũng chính bởi vì lý do theo đuổi dự án nhiều năm và từng thất bại, thất bại không chỉ một lần mà đến vài lần với nhiều đối tác. Phải nói rằng từ lúc tôi có ý tưởng về dự án bảo tồn di sản điện ảnh, tôi đưa ra khái niệm di sản điện ảnh và khái niệm này luôn khiến mọi người hoặc ngơ ngác hoặc phản ứng gay gắt rằng sao phải cứ nâng tầm điện ảnh thành di sản như thế?
Với VINIF, trước khi có kết quả hôm nay, tôi cũng từng thất bại khi nộp hồ sơ dự án rồi. Giờ nhìn lại, thấy mình cũng “lì” quá, trượt xong, nản xong lại tiếp tục tầm sư học đạo để lên trình bước tiếp.
Tôi là người làm phim nên ngoài chuyên môn, nhiệt huyết và tình cảm với những gì thuộc về điện ảnh, thì tôi cảm thấy mình vẫn chưa đủ tri thức để nhìn nhận một cách đa chiều và đưa ra những nhận định vững chắc trong lĩnh vực bảo tồn - lưu trữ và phục chế phim. Thời gian dần trôi, nhiệt huyết va chạm với hiện thực, khiến tôi nhận thấy rằng dự án của mình tuy thiết thực, khẩn cấp nhưng dự trù về mặt con số của dự án đang quá nhỏ so với “thị trường". Có tiền thì cảm giác đầu tiên là lo lắng đến nỗi quên cả vui.
Từ chỗ không có một hỗ trợ tài chính nào cho đến nay đã có 25% hỗ trợ cùng với vốn đối ứng là một bước tiến rất lớn. Và các cộng sự của tôi đã nhìn theo hướng đó, họ nói với tôi rằng cũng giống như khi Điệp làm một bộ phim thôi, có bao giờ sẽ có ngay lập tức một số tiền khổng lồ từ trên trời rơi xuống với ngân sách đầy đủ đâu? Quả thực, chưa bao giờ tôi làm một bộ phim nào như thế cả. Mọi thứ luôn bắt đầu từ một khoảng rất trống, rất khó và dần dần theo thời gian từng bước một, nó được củng cố, dày dặn hơn cho tới khi hoàn thiện.
Trong quá trình mài mình ra để theo đuổi dự án này, tôi đã ghi danh một khóa học thạc sĩ về di sản và được học từ các giảng viên mà tôi cho rằng họ là những chuyên gia hàng đầu, đáng tin cậy về lĩnh vực Di sản học. Tôi cũng bàn bạc với các tác giả, những người cùng tham gia với tôi trong dự án bảo tồn này, bàn bạc với những người bạn có thể chưa tham gia vào dự án ngay nhưng tôi tin đến một lúc nào đó, bằng sự nhiệt tình của mình cũng như thảm trạng đang bày ra với di sản điện ảnh, họ chắc chắn sẽ đứng bên tôi.
GS Vũ Hà Văn, PGS Phan Thị Hà Dương, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp trong lễ ký kết tài trợ các dự án văn hóa lịch sử. Ảnh: Vingroup. |
Giảm thiểu rào cản để mang di sản điện ảnh đến gần công chúng
Với một loại hình chưa được nhận thức là di sản như điện ảnh ở Việt Nam, dự án của chị có lẽ sẽ còn nhiều lắm những trắc trở?
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Những trắc trở đó có lẽ là lý do khiến dự án của tôi thất bại khi nộp hồ sơ lần đầu cho Quỹ VINIF cũng như một vài quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa khác. Theo đó, vấn đề quan trọng nhất được đặt ra là khối tài sản chung sau khi được lên phương án bảo tồn thì công chúng sẽ được tiếp cận - truy cập với khối tài sản đó ra sao?
Ở nước ta, Viện phim Việt Nam đang làm công tác lưu trữ rất tốt. Công tác này nói rộng ra chính là bảo tồn các tác phẩm điện ảnh với nguồn tiền do nhà nước đầu tư vào để phục vụ số đông công chúng của hiện tại và tương lai. Công chúng ở đây có thể là người yêu điện ảnh, cũng có thể là người nghiên cứu không chỉ trong lĩnh vực điện ảnh mà còn là về những vấn đề khác như văn hóa, xã hội học, nhân học, lịch sử, thời trang, nội thất, kiến trúc…nghĩa là bất cứ điều gì thuộc về thế giới đầy đa dạng này. Sự nghiên cứu của con người sẽ không bao giờ ngừng lại, và những người muốn tiếp cận với khối di sản, tài sản văn hóa khổng lồ này không chỉ đang sống trong lãnh thổ Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Bởi theo tôi, trong việc bảo tồn di sản điện ảnh, cộng đồng hưởng thụ nó, chịu tác động bởi nó luôn là cộng đồng rộng lớn nhất.
Từ suy nghĩ trên, tôi thấy rằng điều dự án đang làm chắc chắn không mâu thuẫn với các văn bản quy phạm của nhà nước. Tuy nhiên từ cái chắc chắn trong suy nghĩ đi đến hiện thực thì rất khác. Mỗi cơ quan làm các công tác liên quan đến lưu trữ đều có một khuôn khổ của những điều cho phép và không cho phép nhất định, cùng những quy trình bảo quản cẩn mật. Vì vậy, cánh cổng bước vào Viện phim Việt Nam hiện tại vẫn chưa thực sự rộng mở như một thư viện, như cách mà lẽ ra nó rất nên trở thành. Viện phim trong mong ước của chúng tôi, sẽ là kho tri thức bằng điện ảnh cho công chúng, để họ có thể bước vào với một tinh thần vừa tự do vừa trân quý.
Dự án chúng tôi từng tổ chức một hội thảo mang tên “Điện ảnh mà là di sản á?” và câu hỏi được nêu ra nhiều nhất từ công chúng cũng là làm thế nào để được xem, được tiếp cận với di sản điện ảnh. Qua câu trả lời của chuyên gia bảo tồn phim, tôi thấy bản thân họ vừa cực kỳ nghiêm cẩn trong việc lưu trữ nhưng đồng thời lại rất mong muốn để những tài sản văn hóa đó được gần hơn với công chúng. Họ muốn khán giả được xem phim một cách đàng hoàng với chất lượng và vẻ đẹp nguyên gốc như các bộ phim từng có. Nỗ lực của họ thể hiện qua những tuần phim, tháng phim mà Viện phim tuyển lựa. Dẫu vậy, vẫn là không đủ với cộng đồng, với khán giả hôm nay. Rõ ràng là cần nhiều nỗ lực hơn thế và không chỉ dừng lại ở những bộ phim được chiếu lặp lại theo chủ đề trong những ngày kỷ niệm lớn hàng năm.
Tôi nghĩ mô hình của viện lưu trữ điện ảnh phải đi đến cơ chế như một thư viện quốc gia, tức là khả năng tiếp cận của người dân phải cao, các rào cản cần được thu hẹp. Tất nhiên điện ảnh là di sản đặc thù có sự mong manh, đòi hỏi những điều kiện lý tưởng về bảo quản và trình chiếu, nhưng những phiên bản copy, số hóa từ đó phải có một đời sống khác. Ở Viện phim cũng đang cho phép số hóa, trích phim, trao đổi bản phim, mượn bản phim…trong một số dự án, tuy nhiên có thể rộng cửa - đơn giản hoá thủ tục - chi phí thấp hoặc hoàn toàn miễn phí như cách chúng ta mượn sách trong thư viện quốc gia là chưa có.
Toàn cảnh Hội thảo "Điện ảnh mà là di sản á?" của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Ảnh: NVCC. |
Theo ý chị nói, có thể hiểu ngoài ngân sách, bước khó khăn nhất trong dự án bảo tồn di sản điện ảnh là sự liên kết với các đơn vị lưu trữ phim trong nước?
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Có thể nói là như vậy. Phải chia sẻ rất thật là kể từ khi tôi nhận tin vui từ VINIF, tôi cảm thấy mình được động viên hơn, cũng tin tưởng hơn khi mình có nguồn tài chính tương đối để ít nhất mình có thể chi trả, trong phạm vi cũng rất hạn hẹp thôi, nhưng đã giúp tôi đến một số viện lưu trữ phim lớn trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông (TQ)… Khi tôi làm việc với Viện lưu trữ phim Fukuoka của Nhật Bản, nơi đang lưu giữ rất nhiều bản phim của Việt Nam, tôi mới nhận ra rằng việc tiếp cận với phim của Việt Nam tại viện lưu trữ Nhật Bản dễ hơn là tiếp cận phim Việt trên chính đất nước của chúng ta.
Đầu tiên, tại viện phim Fukuoka, tôi được truy cập miễn phí. Sự miễn phí này vô cùng quan trọng bởi để tiếp cận với văn hóa, chúng ta hiểu là cần có những chính sách để giảm thiểu các rào cản và nhà nước chúng ta đang nỗ lực từng ngày để làm việc này. Bên cạnh đó, với bối cảnh tại Việt Nam, khả năng để đưa một bản phim nhựa ra nước ngoài nhằm tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến phục chế, số hóa là gần như không thể ở thời điểm này trừ khi đó là một dự án cấp nhà nước. Với cương vị một dự án độc lập như chúng tôi, tôi từng gửi câu hỏi và văn bản sang Viện phim từ cách đây nhiều năm và luôn nhận được những câu trả lời, tuy không chính thức, nhưng đủ để hiểu chuyện đó không thể xảy ra.
Vì vậy, để làm được dự án trong bối cảnh Việt Nam, dự án của chúng tôi phải cân đối sao cho vừa với khuôn khổ Việt Nam đang có.
Khả năng là rất khó nhưng không phải không có cách để làm được?
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Đúng vậy. Có thể thấy khả năng để đưa một cuốn phim và làm một cái gì đấy ở nước ngoài là khó, nhưng mà dự án của chúng tôi phải làm để có chất lượng tốt nhất. Chúng tôi đã nghĩ đến những phương án như đưa chuyên gia, máy móc từ nước ngoài về, tùy theo ngân sách mà dự án có.
Tuy nhiên chữ “tùy” nói trên đối với tôi rất đáng sợ, bởi điều này khiến dự án có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm hoặc nhiều chục năm. Trong thực tế, tôi nghĩ nó đã kéo dài hàng chục năm và mang đến tổn thất không thể vãn hồi với hơn 300 cuốn phim nhựa như chúng ta thấy vừa qua.
Cần nhìn nhận rằng nhà nước ta chưa bao giờ ngừng đầu tư, chính vì vậy chúng ta mới lưu giữ được kho phim khổng lồ như ngày nay. Có thể nói kho phim ở Viện phim Việt Nam là một trong những kho phim lớn, có chất lượng tốt nhất trong khu vực. Nhưng có làm việc với các chuyên gia tại Viện phim, mới thấy các anh chị yêu phim như con, họ thuộc lòng những vết, những lỗi của phim và là người kiểm tra hằng ngày tại kho phim nên không bao giờ họ rời vị trí. Nên tôi chỉ mong, những nỗ lực đáng trân trọng của các chuyên gia được quan tâm và đầu tư mạnh mẽ hơn.
Mục đích của tôi khi làm dự án này cũng là nâng cao nhận thức để đến một lúc nào đó, kho phim nhựa điện ảnh Việt Nam có thể được ghi danh với tư cách là một di sản tư liệu, nó hoàn toàn xứng đáng với danh xưng này bởi sự toàn vẹn cả về giá trị nghệ thuật, lịch sử và chất lượng.
Di sản điện ảnh nhận được sự quan tâm lớn của khán giả trẻ. Ảnh: NVCC. |
Vẻ đẹp và sự mong manh của di sản điện ảnh
Kết quả dự án sẽ hướng đến, giải quyết điều gì?
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Kết quả dự án chia làm hai giai đoạn. Ở giai đoạn đầu tiên, chúng tôi hướng đến chuẩn hóa các bước phục chế một bộ phim truyện nhựa cho đến lúc đưa ra được bản phim số trình chiếu với đầy đủ chất lượng. Đồng thời cũng lý giải tại sao cần đến những bước này và nó phù hợp với bối cảnh Việt Nam ra sao.
Giai đoạn 2 thì quy trình mà dự án đề xuất sẽ được áp dụng để phục chế thí điểm 02 bộ phim nhựa được các thành viên dự án lựa chọn.
Qua những bước đã tiến hành của dự án và cả sự mong manh của điện ảnh sau những tổn thất vừa qua, chị nhận định bối cảnh của di sản điện ảnh Việt Nam đang như thế nào?
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Với kinh nghiệm thực tiễn, có thể nói đây là thời điểm mong manh của di sản điện ảnh khi những cuốn phim đã bắt đầu đi đến giới hạn tuổi thọ của chúng, những người bảo tồn phim phải vất vả trong bối cảnh những xưởng sản xuất vật liệu và in tráng đã đóng cửa, nguồn phim sống trên thế giới ngày càng khan hiếm… Có rất nhiều vấn đề nảy sinh khiến cho quá trình này trở nên không được như ý muốn mặc dù họ cũng có quy trình lưu trữ với đầy đủ các bước.
Bên cạnh đó, trong công tác lưu trữ tại Việt Nam, chúng ta mới dừng lại ở việc scan một bản phim với yếu tố hiện tồn của nó trên cuốn phim vật lý mà chưa làm bước tiếp theo để biến bản số đó thành một bản remaster với tất cả những vẻ đẹp mà bộ phim thực sự sở hữu. Bởi dù lưu trữ tốt đến mấy, giống như một con người, cuộn phim cũng già đi, lão hoá, thậm chí mắc bệnh…nan y. Biểu hiện cụ thể thì nhiều lắm: ví dụ phai màu, độ sáng và độ trong bị đổi khác, nứt vỡ, giòn, các vết mốc, xước, đường tiếng bị hỏng…
Đây cũng là thời điểm mong manh bởi vì các tác giả, những đạo diễn, người quay phim thuộc thế hệ vàng của phim nhựa, những tiếng nói có tầm quyết định cho chất lượng phục chế một bộ phim đang dần tạm biệt chúng ta. Họ là người am hiểu thẩm mỹ điện ảnh của thời đại mà chính họ đã từng trải qua trong những cuốn phim do chính họ sáng tạo nên. Ngày nay công nghệ đã cho ra rất nhiều ứng dụng chỉnh sửa phim ảnh nhanh gọn, tuỳ biến linh hoạt, ứng dụng trong đời sống rất thú vị…tuy nhiên cần thận trọng và tránh hiểu nhầm, và gọi đó là bảo tồn.
Bảo tồn không phải biến một bộ phim từ 1953 thành bộ phim mang thẩm mỹ điện ảnh của ngày hôm nay. Bảo tồn càng không phải việc biến một bộ phim nhựa đen trắng thành clip video instargram.
Điện ảnh vẫn là một ngôi đền linh thiêng với vẻ đẹp thẩm mỹ riêng biệt hấp dẫn các thế hệ người Việt. Ảnh NVCC. |
Với một dự án kéo dài 16 tháng theo yêu cầu của Quỹ VINIF, dự án bảo tồn di sản điện ảnh của chị có thể hoàn thành tất cả những kỳ vọng đề ra hay không?
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Trước khi nhận được tin của VINIF chúng tôi đã tiến hành một số hạng mục đề xuất. Nhưng khi nhận thấy cần kết hợp và mở rộng ra quốc tế, tôi hiểu dù chúng tôi đã chạy đua rất gấp gáp nhưng không biết những nỗ lực của mình có kịp hay không? Nếu trường hợp chúng tôi không thể hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra, chúng tôi sẽ đặt chất lượng lên hàng đầu, nghĩa là sẵn sàng hi sinh mục tiêu thời gian để đảm bảo chất lượng công việc.
Hiện tại, chúng tôi đang dồn hết sức để thực hiện dự án này nhưng mục tiêu lớn nhất không phải để đảm bảo yêu cầu của khuôn khổ thời gian đặt ra mà hướng đến việc đưa ra một quy trình chuẩn, chọn được đúng phim, phục chế được đủ chất lượng và có thể chia sẻ kết quả với cộng đồng.
Khi được hỏi về hiện trạng của 300 cuốn phim hư hỏng nặng tại Hãng phim truyện Việt Nam, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ:
“Có thể nói, tôi hoàn toàn lường trước được sự nổ bùng trên báo chí về việc kho phim và những cuộn phim bị hỏng, cũng như sự đau xót của cộng đồng. Đối với mọi người, đó có thể là một tin rất shock nhưng đối với tôi và một vài người khác, đó là điều có thể tiên lượng trước và nỗi đau của người nhìn thấy trước một điều kinh khủng đã, đang và sẽ xảy ra nó còn lớn hơn nhiều lần của chữ “shock”.
Điều khiến tôi bất ngờ và sự bất ngờ đó vẫn dư âm đến hiện tại là đã không ai có thể làm gì, bất chấp mọi chuyện diễn ra ngay trước mắt. Thậm chí sau một năm kể từ khi câu chuyện này được phát lộ, tôi quay trở lại Hãng phim truyện Việt Nam và nhận thấy đã không có một hành động gì tiếp theo với những cuộn phim, các bên đều án binh bất động, cửa kho vẫn đóng, các cuốn phim không rõ đã…được phán quyết thế nào.. Dường như câu chuyện bị đặt vào một tình thế đã rồi, trong sự lúng túng của một cộng đồng không biết mình nên ứng xử thế nào tiếp theo?
Nói như vậy có nghĩa là chúng ta không có một hướng dẫn cụ thể hoặc quy trình chuẩn nào để ứng xử với sự việc này. Tôi phải nhấn mạnh rằng đó không phải sự việc đột xuất, cũng không phải một thiên tai thảm họa từ trên trời rơi xuống, đó là việc đương nhiên những người làm công tác trong lĩnh vực này hoặc ngành nghề này có thể lường trước và chắc chắn cần đưa ra biện pháp và giải pháp.”