“Siết” thu phí phố cổ Hội An: Chớ mải mò “tép” để sổng mất “tôm”

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Về chủ trương "siết" thu phí tham quan du khách nội địa và quốc tế của Hội An, có ý kiến hóm hỉnh: “Người ta thả con ‘tép’ bắt con ‘tôm,’ mình cứ chăm chăm mò ‘tép’ sổng hết ‘tôm, cua, cá, ghẹ’...”
Phố cổ Hội An
Phố cổ Hội An

Thu phí vào tham quan phố cổ Hội An vốn là câu chuyện không mới vì địa phương này đã triển khai thu 120.000 đồng/khách quốc tế/vé và 80.000 đồng/khách nội địa/vé từ năm 2012.

Song, câu chuyện bỗng “nóng” lên sau khi thành phố phát đi thông báo sẽ có phương án phân luồng lối đi cho du khách và người dân địa phương từ ngày 15/5 nhằm “siết” lại việc thu phí “lơi lỏng” thời gian qua.

Vậy mức thu này có thực sự hợp lý và với nhiều nước trên thế giới cũng như các tỉnh, thành phố khác hiện đang sở hữu di sản, Hội An có thể học hỏi gì?

Những “tấm gương" cho Hội An

Venice (Italy) là điểm đến nổi tiếng thế giới. Chính quyền thành phố này từng nhiều lần đề xuất thu phí du khách, gần đây nhất dự kiến từ tháng 1/2023 sẽ thu 3-10 Euro/người (khoảng 77.000 đồng-260.000 đồng), tùy theo mùa cao điểm hay thấp điểm. Mức phí được áp dụng với những khách du lịch tham quan trong ngày và miễn phí với khách lưu trú qua đêm.

Mục đích của chính quyền Venice khi áp dụng giải pháp thu phí tham quan là nhằm kiểm soát tình hình quá tải khách du lịch. Bởi trước đại dịch COVID-19, đây là một trong những “điểm nóng” hàng đầu thế giới luôn quá tải với lượng khách “khổng lồ” mọi thời điểm trong năm. Du khách từ 5 châu đổ về, hiện diện khắp các đường phố chật hẹp khiến người dân địa phương có xu hướng ly hương.

“Siết” thu phí phố cổ Hội An: Chớ mải mò “tép” để sổng mất “tôm” ảnh 1

Khách du lịch đi thuyền gondola tại Venice, Italy.

Tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường du lịch của Venice khiến UNESCO từng lên tiếng về việc có thể sẽ tước bỏ danh hiệu Di sản thế giới của thành phố. Trước áp lực đó, chính quyền địa phương buộc phải lên kế hoạch giảm tải số du khách ùn ùn đổ về ngày càng đông. Và giải pháp tức thời họ chọn là thu phí vào cửa.

Dẫu vậy, đầu năm nay, chủ trương này vẫn chưa được Venice áp dụng và thời điểm cụ thể sẽ triển khai cũng chưa ấn định.

Mục đích thu phí của Hội An, cũng tương tự vậy. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An, đó là để "kiểm soát khách đoàn và những người đến Hội An để tham quan."

"Lâu nay, không gian Hội An bị quá tải, khách nước ngoài khi mua vé vào tham quan bị ảnh hưởng rất lớn. Họ cho rằng không công bằng vì nhiều người vào phố cổ như họ nhưng không phải mua vé. Và chính vì lượng khách vào quá đông này cản trở du khách thưởng ngoạn không gian cảnh quan của Hội An..," ông Sơn giải thích.

"Thực tế, việc thực hiện này chỉ là phân luồng, tổ chức lại cho hợp lý, tránh tình trạng khách tham quan, người vào giao dịch, buôn bán cùng đi một lối, dẫn đến tình trạng xô bồ, không khoa học," ông Sơn giãi bày thêm.

Mức phí nào và phương thức ra sao

Về bản chất, việc thu phí, theo đại diện một số đơn vị lữ hành, là cần thiết. Thậm chí, có những đề xuất là nên tăng phí tham quan tại các điểm di tích trong quần thể di sản để có thêm nguồn kinh phí phục vụ mục đích bảo tồn, tôn tạo, trùng tu cũng như đầu tư cho các hoạt động văn hóa-nghệ thuật, sự kiện lễ hội, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hạ tầng du lịch, vệ sinh môi trường… như chủ trương của địa phương.

Tuy nhiên, thu mức phí như thế nào và phương thức thu phí ra sao là bài toán mà các nhà quản lý cần phải cân nhắc, tính toán kỹ cho hợp lý.

Về mức thu phí, theo đánh giá chung của các doanh nghiệp lữ hành thì giá vé tham quan Di sản thế giới Hội An theo công bố là thấp, nếu so sánh về quy mô.

Đơn cử như với các điểm di sản thế giới trong nước như: hệ thống động Phong Nha-Kẻ Bàng thu 150.000 đồng/vé với động Phong Nha, động Thiên Đường 250.000 đồng/vé; vịnh Hạ Long 290.000 đồng/vé; quần thể danh thắng Tràng An 250.000 đồng/vé hay Đại Nội Huế (200.000 đồng/vé)…

So với các điểm di sản trong khu vực như đền Taj Hamal, Ấn độ (khoảng 300.000 đồng/vé), Angkor Wat, Campuchia (tương đương 900.000 đồng/vé), thì giá vé tham quan Hội An cũng ở mức thấp nhất.

“Siết” thu phí phố cổ Hội An: Chớ mải mò “tép” để sổng mất “tôm” ảnh 2

Khách quốc tế tham quan phim trường Kong: Skull Island ở Tràng An, Ninh Bình trước khi khu này được tháo dỡ.

Tuy nhiên, bài toán so sánh về giá trong trường hợp này lại chưa thuyết phục.

Không đồng tình với cách so sánh mức giá trên, một chuyên gia lĩnh vực du lịch trong nước cho rằng Phong Nha-Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long, Tràng An, Đại Nội, hay Angkor Wat… đều là những quần thể tham quan riêng biệt, không có người dân địa phương sinh sống.

Trong khi đó, du khách đến Hội An không chỉ tham quan mà còn sử dụng rất nhiều dịch vụ như ăn uống, lưu trú, đi thuyền, mua sắm…

Có ý kiến dí dỏm cho rằng, "thế tôi là du khách nghỉ dưỡng ở vùng ven khu phố cổ, hàng ngày chỉ có nhu cầu vào trung tâm Hội An để thưởng thức đặc sản địa phương hay mua sắm. Không lẽ chỉ vì một tô cao lầu mà lần nào vào cũng phải mua vé tham quan?

Vì vậy, cách thức thu vé vào đô thị cổ theo kiểu: cứ vào là mua vé là chưa thích hợp. Việc thu phí tham quan ở Hội An cần phải tính đến yếu tố sự hấp dẫn ở đây chính là cuộc sống thường nhật phong phú hòa quyện cũ-mới, sự độc đáo truyền thống của ẩm thực, thời trang, nét văn hóa qua từng cách bài trí phố xá, qua giọng nói tiếng cười và cách giao tiếp của con người phố Hội...

Chớ mải mò “tép” để sổng mất “tôm”

Liên quan đến việc vị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An đề cập "cần đảm bảo sự công bằng trong hoạt động bán vé tham quan." Nhiều người tán đồng và cho rằng cần thiết phải xóa bỏ việc phân biệt khách nước ngoài và khách Việt, để không gây tâm phản cảm cho khách du lịch nói chung.

Theo tiến sỹ Nuno F. Ribeiro, Phó Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, số liệu thống kê vào năm 2019, du khách Việt Nam trong nước chi 9,6 tỷ USD, du khách quốc tế đến Việt Nam chi 12 tỷ USD; mức chi trung bình của mỗi du khách nội địa là 61 USD và khách ngoại chi 673 USD. Như vậy, khách quốc tế chi trung bình gấp 11 lần so với khách nội địa.

Đây chính là mấu chốt để ngành du lịch đặt ra mục đích cho giai đoạn này là làm sao mở rộng cửa chào mời khách ngoại trở lại sau hơn 3 năm đại dịch C\OVID-19 hoành hành.

“Siết” thu phí phố cổ Hội An: Chớ mải mò “tép” để sổng mất “tôm” ảnh 3

Du khách tham quan phố cổ.

Trở lại việc thu phí của Hội An, một số chuyên gia cho rằng, ở thời điểm này, khi thế giới còn chưa mặn mà tới Việt Nam thì hà cớ gì ta lại giăng thêm “dây” bằng những khoản phí không đáng? Theo đó, con đường bền vững chính là hãy cứ hấp dẫn khách đến nhà, mời họ thưởng thức những món thật ngon với cách đón tiếp chu đáo, chuyên nghiệp... họ sẽ sẵn lòng cách này hay cách khác "móc hầu bao."

Mặt khác, cho dù mức chi của khách nội địa thấp hơn nhiều mức chi của khách ngoại nhưng đây là lượng khách tiềm năng và bền vững nếu biết cách thu hút họ.

H.P, một du khách từng nhiều lần đến Hội An chia sẻ: “Hồi trước tôi còn thích đi Hội An vì ở đó êm đềm, tĩnh mặc hiếm có, người dân hiếu khách. Nhưng giờ thì xô bồ, ồn ào, đông đúc.... Đã vậy, không có gì mới, cứ quanh quẩn chỉ có vậy... Số người, nhà làm dịch vụ nhiều lên, nhưng tính chuyên nghiệp thì lại chưa có, nhiều dịch vụ thiết yếu mà khách du lịch cần còn thiếu.. "

Còn theo chị N.Đ-một người "nghiện Hội An" hàng năm có rất nhiều lần chỉ "chạy ù vào ăn một tô cao lầu" thì: "Hội An hấp dẫn nhiều người không phải để tham quan, mà là để đến đó, hít thở không khí ở đó, đi lại những con đường quá quen thuộc giữa những con ngõ nhỏ len giữa những ngôi nhà mái ngói lô xô... "

"Cái cảm giác ngồi ven sông, cầm chiếc bánh đa mỏng mảnh, xúc vào đĩa hến với những con hến nhỏ xíu như chiếc khuy bấm trên áo của bà... và ngắm nhìn những cánh hoa đăng lững lờ trôi trên sông Hoài chở đi những ký ức, những hoài niệm và cả những ước nguyện cỏn con... nó rất đẹp và chỉ có ở Hội An mới có," chị N.Đ chia sẻ.

Với những người như chị N.Đ thì có lẽ chẳng tiếc chút phí vào cửa để "mua" những cảm xúc "chỉ Hội An mới có," nhưng cái phí đó, cũng như tấm barie phân luồng kia, chắc chắn sẽ làm giảm đi nhiều sự sẵn sàng "chạy ù về..." như vẫn có bấy nay.

Như sự ví von hóm hỉnh của du khách H.P về chủ trương thu phí của Hội An: “Người ta thả con ‘tép’ bắt con ‘tôm,’ mình cứ chăm chăm mò ‘tép’ sổng hết ‘tôm, cua, cá, ghẹ’...”

Hiện khách mua vé được tham quan và nghe thuyết minh tại chùa Cầu, đình Cẩm Phô, Tụy Tiên Đường Minh Hương, miếu Quan Công, bảo tàng Hội An, nhà cổ Quân Thắng, Đức An, Phùng Hưng, Tấn Ký, nhà thờ tộc Trần, nhà thờ tộc Nguyễn Tường, Hội quán Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu...

Ngoài ra, du khách sẽ được xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật cổ truyền vào hai khung giờ 10 giờ15 và 15 giờ15 hàng ngày.Trước nhiều luồng ý kiến về việc Hội An bắt buộc tất cả du khách nội địa và quốc tế mua vé vào tham quan, lãnh đạo đô thị cổ cho hay: Sẽ tiếp thu những ý kiến phản biện, đóng góp của mọi người để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế, chứ không bảo thủ, cứng nhắc.

Theo TTXVN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).