Lộ trình chống dịch mới, do ba quan chức cấp cao của Singapore đề xuất, sẽ loại bỏ hình thức phong tỏa và truy vết hàng loạt, đồng thời cho phép người nhập cảnh không bị cách ly và nối lại các cuộc tụ tập đông người. Đề xuất mới thậm chí sẽ bao gồm việc ngừng đếm các ca mắc mới trong ngày.
Đề xuất này là một sự khác biệt triệt để với cái gọi là mô hình "không lây nhiễm" được một số quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng, cho đến nay đã chứng tỏ thành công trong việc tránh bùng phát lớn.
Nhưng mô hình "không lây nhiễm" này, đòi hỏi các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, thường là trừng phạt, sẽ gần như không thể duy trì khi các biến thể virus mới lan rộng và về lâu dài, mô hình này không đem lại sự bền vững, các thành viên lực lượng đặc nhiệm của Singapore tuyên bố. Thay vào đó, họ cho rằng nhân loại phải làm quen với khái niệm sống chung với dịch bệnh.
"Tin xấu là COVID-19 có thể không bao giờ biến mất. Tin tốt là chúng ta có thể sống bình thường với nó", Bộ trưởng Thương mại Singapore Gan Kim Yong, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong và Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho biết. "Chúng ta có thể giảm thiểu mối đe dọa của COVID-19 ngang bằng với bệnh cúm, tay chân miệng hoặc thủy đậu".
Kế hoạch táo bạo nàu nếu thành công sẽ trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang tìm cách trở lại cuộc sống như trước đây.
Áp dụng đồng bộ các cải tiến
Yếu tố tiên quyết để áp dụng cách chống dịch "nhẹ nhàng" này chính là tỷ lệ bao phủ vaccine cao.
Singapore đang trên lộ trình tiêm mũi đầu vaccine cho 2/3 dân số đến đầu tháng 7 và đặt mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ dân số trước ngày 9/8.
"Vaccine có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm. Ngay cả khi bạn bị nhiễm bệnh, vaccine sẽ giúp ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng", nhóm Bộ trưởng tuyên bố.
Khi có nhiều người được tiêm chủng hơn, cách chính phủ Singapore theo dõi số lượng ca mắc mới trong ngày sẽ thay đổi.
Theo một lộ trình tương tự như cách thức theo dõi các ca nhiễm cúm, Singapore sẽ chỉ theo dõi số người có biểu hiện nặng hoặc số người đang được điều trị tích cực. Những người bị nhiễm bệnh có biểu hiện nhẹ hoặc không có sẽ được phép điều trị tại nhà.
“Chúng ta sẽ bớt lo lắng về việc hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải", các quan chức Singapore cho biết.
Với các biến thể mới, vốn có khả năng lây lan cao hơn, nhóm quan chức cho biết các nước có thể cần tiêm nhắc lại cho người dân trong tương lai và đề xuất thành lập một "chương trình tiêm chủng nhiều năm".
Trong khi vẫn cần kiểm tra và giám sát, Singapore dự định tiến hành làm xét nghiệm cho người dân trước khi tham gia các sự kiện xã hội lớn hoặc khi đi du lịch từ nước ngoài trở về, thay vì theo dõi và cách ly cả những người thuộc diện F1, F2.
Để làm được điều này, nhóm Bộ trưởng cho biết các phương pháp xét nghiệm nhanh hơn và dễ dàng hơn sẽ được triển khai vì xét nghiệm PCR mất quá nhiều thời gian để cho kết quả. Các phương pháp khác "đang trong quá trình xử lý" bao gồm máy đo hơi thở, sẽ chỉ mất khoảng 1-2 phút để cho ra kết quả.
Trong thời gian tới, sẽ có nhiều phương pháp điều trị COVID-19 được tạo ra. Các Bộ trưởng Singapore cũng đã chỉ ra các phương pháp hiệu quả trong việc điều trị những người bệnh nặng, và nhanh chóng phục hồi, cũng như giảm mức độ nghiêm trọng của và nguy cơ tử vong.
Ngoài ra, người dân sẽ được khuyến khích thực hiện "trách nhiệm xã hội" như đảm bảo vệ sinh cá nhân cũng như tránh xa đám đông khi cảm thấy không khỏe để giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm.
"Với việc áp dụng đồng bộ các cải tiến về tiêm chủng, xét nghiệm, điều trị và trách nhiệm xã hội, trong tương lai gần, khi ai đó mắc COVID-19, phản ứng của chúng ta có thể rất khác so với bây giờ", theo các Bộ trưởng.
Singapore đã được coi là một hình mẫu chống dịch hiệu quả, nhờ vào việc kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, áp dụng các tiến bộ công nghệ trong truy vết ca mắc và giám sát người dân thực hiện nghiêm các quy định giãn cách.
Theo Đại học Johns Hopkins, trung bình Singapore có khoảng 18 ca mắc mỗi ngày trong tháng qua và chỉ ghi nhận 36 trường hợp tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát.