Một người em hỏi tôi, sao có những người làm việc với thu nhập thấp như thế, sống những cuộc đời cam chịu như thế?
Vì em chưa biết thế nào là cuộc đời có quá ít lựa chọn.
Tôi kể với em về miền Tây, miền Đông Nam Bộ, cả duyên hải miền Trung. Nơi mà các tấm ảnh đẹp, những đoạn video clip quảng bá du lịch chưa kể hết.
Ở đấy, những người con gái lớn lên, nhìn quanh và thở dài. Ruộng vườn lam lũ, làm mãi làm mãi vẫn cứ nghèo bởi cái điệp khúc được mùa mất giá được giá mất mùa. Từ đường lộ vào đến nhà băng qua bao nhiêu kênh rạch, bao nhiêu cây cầu khỉ. Căn nhà mái rạ trống tuềnh, tắm rửa giặt giũ vệ sinh và cả nước nấu ăn đều lấy từ con lạch sau nhà, thậm chí là một cái ao tù. Lèo tèo dăm quán cà phê cóc, tiệm làm đầu, quán xá toàn hàng xén rặt một thứ đồ gia công nhái nhãn mác. Tiền không phải cứ mở cái quán cóc, hay đi nhặt rác quanh phố là có như ở thị thành. Kiếm đâu ra tiền?
Ở đấy, những người con trai lớn lên, nhìn quanh và bỏ đi. Làm công nhân cũng được, đi làm mướn trên thành phố cũng được. Chứ sức dài vai rộng làm quần quật chỉ dám dè dặt vào quán gọi ly cà phê chục ngàn ngồi nguyên ngày. Còn dám mơ nào cô Hai cô Ba.
Ở đấy, những người đàn ông lao ra biển đánh bạc với giời. Những người đàn bà vò võ ôm gối ngóng, rồi quay ra nghiện tứ sắc, bốc hết dây hụi này tới bát họ khác. Rồi bão vào, cuốn sạch trơn.
Ở đấy, những đứa trẻ hồn nhiên sống. May thì lớn khôn. Rủi thì bị một kẻ nào đó lạm dụng, hay rụng rơi vì bệnh tật, vì tai nạn, có khi vì uống nhầm thuốc trừ sâu ba nó để trong vỏ chai trà chanh.
Ở đấy, giữa cánh đồng mới gặt, trong khói đốt đồng um um, lão nông đổ cái hom bên hông ra mấy con cá trê cá cờ bằng ngón tay, tranh thủ bắt lúc làm việc. Rồi sẵn rơm rạ đấy, xóc que nướng trui, nhậu sương sương xị đế, rồi về. Xong niềm vui lớn nhất ngày.
Nghèo lắm. Và ít lựa chọn lắm. Không phải ai cũng chủ đầm tôm, không phải ai cũng có nhà máy chế biến xuất khẩu hạt điều, hồ tiêu. Anh nông dân hăng hái theo đuổi gạo sạch điển hình của một tỉnh nọ, giờ cũng bỏ cuộc rồi.
Thằng bé Thái Lý Hạo Nam, nó vào công trường nhặt sắt đem bán. Bảo vệ đuổi ra, nó rình lúc người ta ăn trưa, lại lẻn vào. Bán làm gì? Lấy Sáu Chục ngàn để được đi học võ. Hôm trước nó bán được Hai Mốt ngàn, chủ vựa phế liệu đưa Mười Lăm ngàn, giữ lại Sáu ngàn để nó còn quay lại.
Bây giờ nói lý, bảo bố mẹ không dạy dỗ con. Bố mẹ Hạo Nam nghèo khốn cùng, làm thuê làm mướn nợ nần chồng chất, vẫn cho con đi học. Đấy là họ cố hết sức rồi, họ không dạy con ăn cắp.
Bảo thằng bé ăn trộm ăn cắp chứ mót gì. Thì cũng đúng. Nhưng cái đứa lên 10 rồi mà lọt cái lỗ 25cm, thì nó cắp được mấy cân sắt? Sắt vương vãi ở công trường mà trẻ con nhặt được, gọi của ai đấy thì là của ai đấy, mà gọi là phế liệu thì là phế liệu.
Lại quay về câu hỏi, được có mấy đồng lẻ, có đáng không?
Thì hãy nhìn những cơ hội mà bạn và tôi đang có. Những cơ hội mà chúng ta có quyền lựa chọn trong đời mình. Liệt kê ra đi, rồi chia 10, chia 20, chia trăm lần. Nó sẽ ra câu chuyện của một thằng bé rơi tõm vào một cái ống sâu hun hút.
Cuối cùng thì tôi vẫn chọn lối tư duy cảm tính này thôi. Đành vậy. Bởi vì chưa lúc nào tôi thấy sợ những lời nói lý như lúc này.