Trong các giá trị văn hóa truyền thống của người Sán Dìu thì hát Soọng Cô là làn điệu dân ca đặc sắc được lưu giữ hàng trăm năm trong kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian ở Vĩnh Phúc. Theo tiếng Sán Dìu, Soọng nghĩa là hát, Cô là ca. Soọng Cô là thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Lời ca và giai điệu Soọng Cô mềm dẻo đầy sức lan tỏa diễn tả tâm tư tình cảm của người hát, khi cất lên nghe thật ấn tượng - một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người Sán Dìu.
Soọng Cô của người Sán Dìu ở các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian là một trong tám di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để làn điệu hát Soọng Cô được lưu giữ và phát triển, Vĩnh Phúc đang vận động các cấp, các ngành và cộng đồng người Sán Dìu tăng cường nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa. Theo đó, tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân nghiên cứu bảo tồn, truyền dạy và giới thiệu sự hấp dẫn của Soọng Cô, khai thác các điểm nhấn cho phát triển du lịch xây dựng các tour du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu văn hóa dân tộc tạo sự hấp dẫn cho du khách...
Trong buổi tổ chức Lễ đón bằng chứng nhận, còn có phần giao lưu tiếng hát Soọng Cô với 24 tiết mục đặc sắc đến từ 12 câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh.
* Chủ đề các bài Soọng Cô gắn với các sinh hoạt hàng ngày:
Hát khi có khách đến nhà: khi có bạn ở làng khác đến chơi, trai gái thường bộc bạch tình cảm của mình qua câu hát và để sẵn trầu cau đợi bạn hát đến cùng ăn; Hát chúc xóm làng: khi có khách đến, mọi người trong làng cùng tụ họp ngay từ khi thức dậy, quây quần bên bếp để thăm hỏi nhau và cùng hát; Hát làm quen: khách đến phải dừng lại trước cửa bếp, hát một số bài xin chỗ ngồi, rồi mới được chủ nhà trải chiếu, mời ngồi bên trái của bếp lửa, chủ nhà ngồi bên phải và hát đối đáp để làm quen; Hát giao duyên: nam nữ hát đối đáp những bài thổ lộ tâm tư, tình cảm của mình, xen vào những câu hỏi tên, tuổi, anh em họ mạc, quê hương bản quán, thăm hỏi sức khoẻ. Khi đã quen hơn, họ hát về ngày sum họp, mong muốn được sống chung làng, cùng gắn bó trong lao động, xây dựng gia đình đầm ấm, quê hương giàu đẹp; Hát tiễn: cả chủ và khách hát bày tỏ sự lo lắng những lời đã nói, đã hát chưa đủ làm bạn hiểu lòng mình, nên lưu luyến, bịn rịn như muốn được hát thêm cùng nhau.
Soọng Cô còn có những bài hát đề cao cuộc sống lao động, sản xuất như Soọng Cô tam xíu lu (hát bên giếng làng) hoặc Soọng Cô cao shan cón xúi (hát trên thác nước, đắp mương)... Theo các nhà nghiên cứu, Soọng Cô đề cao người cần cù lao động cấy trồng bao nhiêu, thì cũng chê cười những kẻ lười biếng bấy nhiêu.