Sự sống của các con sông

Liệu nguồn lợi thu được từ các đập thủy điện có đáng để chúng ta phá hủy các hệ sinh thái ven sông từ đầu nguồn trên núi cao, tới cửa sông ngoài biển cả và còn xa hơn nữa?
Sự sống của các con sông

Cái chết của một dòng sông

Sông Indus trải dài 3.000 km là nguồn sống của vô số những cộng đồng làm nông ngư nghiệp ở Pakistan. Nó bắt đầu từ trên dãy Himalayas và chảy về phía biển Arab. Trên hành trình của mình, dòng sông hình thành nên một dải đồng bằng màu mỡ rộng 600.000 héc ta.

Nhưng đồng bằng này đang chết dần mòn do ảnh hưởng của việc xây đập phục vụ thủy lợi và thủy điện khiến nó mất dần đi nguồn cung cấp nước ngọt. Kết quả là 17 nhánh sông chính đang cạn khô, và nước nhiễm mặn từ biển nhanh chóng xâm lấn vào lưu vực.

Nạn nhân đầu tiên của thảm họa sinh thái này là những rừng đước. Trong vòng 50 năm cuối cùng của thế kỷ trước, 86% diện tích rừng đước đã mất đi, đồng nghĩa với sự mất đi môi trường sinh sản và nguồn thức ăn cho nhiều loại tôm và cá quan trọng trong ngành ngư nghiệp của Pakistan.

Đến năm 2002, ước tính có trên 1,2 triệu người dân Pakistan sống quanh khu vực những khu rừng đước dọc sông Indus, và sinh kế của phần lớn trong số họ phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động nông ngư nghiệp. Nhưng với số lượng tôm cá giảm chóng mặt và mức độ nhiễm mặn của đất canh tác ngày càng tăng, việc lao động kiếm sống đối với họ đang ngày một trở nên bất khả thi.

Có những cộng đồng đang biến mất theo cái chết của dòng sông, và không chỉ con người là nạn nhân của thảm họa sinh thái này. Giống cá heo nước ngọt đặc trưng của sông Indus cũng dần biến mất cùng với mỗi đập thủy điện được xây dựng lên. Những nhóm cá bị mắc kẹt trong những khúc sông, không thể bơi lện thượng nguồn hay xuống hạ nguồn. Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), hiện giống cá này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, khi chỉ còn hơn 1.000 cá thể sống sót.

Nhưng đối với chính phủ Pakistan, xây dựng thêm đập dường như là giải pháp duy nhất. Pakistan đang trải qua một cuộc khủng hoảng nguồn nước là hệ quả của tình trạng bùng nổ dân số, biến đổi khí hậu và quản lý yếu kém. Để đối phó với tình trạng này, chính phủ Pakistan đã thông qua việc xây dựng thêm hai đập chứa nước công suất cực lớn trên sông Indus.

Sự sống của các con sông ảnh 1

Những con đập sẽ mang tới nhanh hơn nữa cái chết của một dòng sông.

Đập thủy điện - thủ phạm bức tử các con sông

Đập thủy điện là thành tựu vĩ đại của con người. Nhưng chúng đã bức tử những con sông như thế nào?

Theo Liên minh Cải cách Thủy điện HRC, tập hợp của 150 nhóm hoạt động vì môi trường các con sông, thì việc suy giảm chất lượng nước là một trong những hậu quả nghiêm trọng hàng đầu từ các đập thủy điện. Những vật chất hữu cơ trong và ngoài dòng sông vốn được chảy xuôi theo dòng giờ đây bị dồn ứ tại các đập nước, phân hủy và tiêu tốn một lượng lớn khí oxy trong quá trình phân hủy của mình. Trong nhiều trường hợp, điều này làm nảy sinh tình trạng tảo sinh sôi mất kiểm soát, biến các khu vực sông trở thành những “vùng chết” do sinh vật không có đủ oxy để tồn tại.

Bên cạnh đó, nhiệt độ nước tại các hồ đập thủy điện cũng có thể có sự chênh lệch lớn giữa trên bề mặt với dưới lòng sâu, gây khó khăn cho sự tồn tại của các loài sinh vật. Và khi các hồ đập xả thứ nước thiếu oxy và nhiệt độ thất thường này, môi trường dưới lưu vực cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Luồng di chuyển của cá và các sinh vật sống dưới nước cũng là điều bị ảnh hưởng nặng nề khi một đập thủy điện được xây dựng. Những loài cá di cư như cá hồi sinh sản trên thượng nguồn và sống dưới hạ nguồn sẽ gần như mất đi cơ hội sống và sinh sản khi dòng sông bị chặn bởi các đập thủy điện. Theo thống kê, số lượng cá hồi hoang dã tại lưu vực sông Columbia ở vùng Pacific Northwest tại Hoa Kỳ đã giảm tới 85% kể từ khi một số đập thủy điện được xây dựng dọc con sông này một nửa thế kỷ trước.

Những dòng sông được hồi sinh

Khi có nhiều dòng sông như sông Indus hay sông Columbia bị bức tử, thì đâu đó trên thế giới, cũng có những dòng sông được hồi sinh.

Tại nhiều con sông, đặc biệt là ở những nước phát triển, các đập thủy điện đang được dỡ bỏ để trả lại cho dòng sông cuộc sống vốn có của nó. Đập thủy điện được dỡ bỏ với ba lý do: đảm bảo hiệu quả kinh tế, phòng ngừa thảm họa và khôi phục môi trường. Trên khắp thế giới, có khoảng hơn 5.000 con đập lớn được xây dựng từ thế kỷ trước đang đạt tới giới hạn tuổi thọ của mình, và con số này đang tăng lên nhanh chóng.

Tuy nhiên, kể đầu thế kỷ này, phần lớn những dự án dỡ bỏ đập thủy điện lại không xuất phát từ lý do an toàn, mà có động cơ từ việc trả lại hệ sinh thái lành mạnh cho các dòng sông.

Tại Hoa Kỳ, có khoảng 900 đập thủy điện được dỡ bỏ trong khoảng từ năm 1990 đến 2015. Mỗi năm, có thêm từ 50 đến 60 đập tiếp tục được dỡ bỏ tại đất nước này. Các nước Pháp và Canada cũng đã hoàn tất nhiều dự án phá bỏ đập quan trọng. Còn tại Nhật Bản, dự án dỡ bỏ đập thủy điện đầu tiên sẽ được hoàn thành vào năm 2018 tới.

Các dự án phá bỏ đập diễn ra tại các nước phát triển. Tuy nhiên, các cộng đồng tại sông Mun của Thái Lan cũng đã có những nỗ lực quan trọng trong việc mở cửa đập, hồi phục ngành ngư nghiệp.

Đập thủy điện đã và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trọng đời sống con người trong những năm tới. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng xu hướng phá bỏ đập sẽ trở nên phổ biến trên thế giới trong thời gian tới, khi hậu quả đối với môi trường của các công trình này càng ngày càng được nhận thức rõ và biến đổi khí hậu khiến sự tồn tại của các con đập trở nên nguy hiểm hơn. Nhưng để làm việc đó, việc sống còn phải làm là tìm kiếm và khai thác những nguồn năng lượng sạch mới.

Phạm Trấn Hoàng Sa

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).