Hai văn bản pháp luật quan trọng trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội là Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội hiện đang được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng đề án sửa đổi.
Nhằm thông tin rộng rãi về những điểm mới, nội dung dự kiến sửa đổi, ngày 28/11 tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo “Thông tin chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội.”
Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện cả nước có hơn 14,33 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Chính sách bảo hiểm phát huy vai trò quan trọng là cơ chế chống sốc tự động, hỗ trợ một phần thu nhập cho người thất nghiệp.
Tuy nhiên, bà Quyên cũng chỉ ra rằng chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, đối tượng chưa bao phủ hết nhóm lao động có quan hệ lao động. Quy định chế độ hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng khá chặt chẽ, cơ chế quản lý tài chính tổ chức bộ máy còn nhiều bất cập, quỹ bảo hiểm thất nghiệp quỹ ngắn hạn nhưng kết dư còn lớn.
Để khắc phục những hạn chế của bảo hiểm thất nghiệp, bà Quyên cho biết khi sửa Luật Việc làm sắp tới sẽ hoàn thiện thêm chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tăng cường việc dự báo thất nghiệp, các chính sách hỗ trợ lao động... Dự báo cụ thể các ngành nghề có thể sa thải lao động, các ngành nghề thiếu lao động... để Chính phủ có chính sách chủ động điều hành.
Ngoài ra, Luật Việc làm sửa đổi sẽ có một số điểm mới như: Đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia để kỹ năng người lao động được công nhận trong toàn khu vực; tăng cường năng lực cho các trung tâm dịch vụ việc làm; bao phủ chính sách cho lao động khu vực phi chính thức; việc làm cho lao động già…
Bà Quyên cũng cho biết do Việt Nam đang bước vào quá trình già hóa dân số nên tới đây Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ đưa thêm nội dung việc làm cho người cao tuổi vào luật để quản lý, hỗ trợ. Đặc biệt, khi sửa Luật Việc làm sẽ quy định cụ thể, trực tiếp điều chỉnh nhóm đối tượng lao động phi chính thức như: Lái xe công nghệ; lao động làng nghề; lao động tự do quản lý lao động...
Thông tin về những nội dung quan trọng của Đề án xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biế việc sửa luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân. Đây là lần đầu chúng ta có khái niệm và định hướng cho hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội ở Việt Nam là hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân, hướng tới mục tiêu là mọi người dân được tham gia và được thụ hưởng, được bảo vệ sức khỏe thông qua chính sách về bảo hiểm y tế.
“Chúng ta cũng xây dựng hệ thống đa tầng và bên cạnh tầng lương hưu đóng góp thì có thêm tầng về trợ cấp hưu trí xã hội để đảm bảo cho các đối tượng không có điều kiện tiếp, tham gia đóng góp để nhận khoản trợ cấp hưu trí từ Quỹ bảo hiểm xã hội thì được tiếp nhận khoản trợ cấp tuổi già từ ngân sách Nhà nước,” ông Nam cho hay.
Về vấn đề sửa đổi quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang còn nhiều ý kiến, ông Nam cho biết trong trong hồ sơ Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất 2 phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Phương án 1, nhóm 1 gồm những người đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Với quy định này, hơn 17 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội sau năm 2025 khi Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực thì họ vẫn được rút bảo hiểm xã hội một lần. Nhóm 2 gồm những người lao động bắt đầu tham gia từ ngày Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) thì không được rút bảo hiểm xã hội một lần, trừ các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư; bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án 2 là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một lần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Theo ông Nam, phương án 2 cũng gặp thách thức đó là rút bảo hiểm xã hội 50% thì mức lương hưu rất thấp; ảnh hưởng tới sự hấp dẫn của chính sách.
“Vừa qua, Quốc hội cũng đã cho ý kiến về các phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện và sẽ có những phương án lồng ghép giữa hai phương án hoặc lựa chọn phương án thứ ba. Nhưng lựa chọn phương án nào, chúng ta cũng hướng tới mục tiêu người lao động ở lại hệ thống để có lương hưu đảm bảo an sinh lâu dài,” ông Nam nói.