Đường phố không còn nhộn nhịp
Dạo quanh Sài Gòn thời gian này, không khó để bắt gặp cảnh đường phố không còn nhộn nhịp như lúc trước. Nhiều cửa hàng, tòa nhà cho thuê ở nhiều tuyến đường vốn nổi tiếng về sự sầm uất, nay đóng cửa im lìm, treo biển cho thuê suốt thời gian dài qua.
Đường Lê Lợi, trước đây vốn nổi tiếng là tuyến đường sầm uất bậc nhất TP.HCM. Có vị trí “vàng” khi nằm cạnh chợ Bến Thành, chạy thẳng đến Nhà hát Thành phố, tuyến đường này trước đây tập trung rất nhiều cửa hàng thời trang, quà lưu niệm, nhà hàng,... phục vụ du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Để thi công tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên, đường Lê Lợi được rào chắn từ tháng 3/2017 và chính thức dỡ rào chắn vào tháng 8/2022.
Việc dỡ rào chắn đường Lê Lợi được người dân sống hai bên đường kỳ vọng sẽ càng sầm uất hơn trước khi đường được cải tạo lại đẹp hơn, thông thoáng hơn sẽ thu hút du khách nhiều hơn để thuận lợi cho việc kinh doanh. Tuy nhiên, hơn 1 năm trôi qua, đường Lê Lợi vẫn ảm đạm, gần như không có gì thay đổi. Rất nhiều mặt bằng trống không tìm được khách thuê, đóng cửa im ỉm, bên ngoài chằng chịt hình vẽ bậy và dán chằng chịt số điện thoại của môi giới cho thuê nhà đất.
Khu vực Hồ Con Rùa không còn nhộn nhịp như trước. |
Qua khảo sát, phóng viên được biết giá cho thuê ở đường Lê Lợi có giá từ 150 triệu đồng/tháng cho một mặt bằng trên dưới 100m2, thậm chí 200 – 300 triệu đồng cho những căn ở vị trí đẹp. Giá cho thuê cứ thế nhân lên tương ứng với diện tích và vị trí của mặt bằng, thậm chí không ít mặt bằng cho thuê trên 1 tỷ đồng/tháng.
Sơn, một môi giới mặt bằng tại đường Lê Lợi cho biết, khách thường gọi điện hỏi thuê nhưng rồi sau khi nghe báo giá họ chê đắt rồi không liên lạc lại, một số khách thì cố đàm phán giảm giá thuê nhà nhưng không tìm được tiếng nói chung với chủ nhà nên họ cũng bỏ. “Từ năm ngoái đến nay, gần như đường Lê Lợi chỉ cho thuê mới được vài căn đếm trên đầu ngón tay, còn đâu môi giới tìm đủ mọi cách từ đăng bài lên mạng, dán chằng chịt số điện thoại ở các mặt bằng còn trống, nhưng vẫn ế”, Sơn cho biết.
Không chỉ đường Lê Lợi, mà nhiều mặt bằng tại các tuyến đường lớn ở trung tâm như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ,... cũng đóng cửa, trở nên vắng lặng.
Bếp nhà Xứ Quảng. |
Nhiều thương hiệu nổi tiếng “tháo chạy” khỏi khu vực trung tâm
Đầu năm 2021, PhinDeli Coffee chuyển mình sang phân khúc mới với chuỗi cửa hàng cà phê sang trọng tại nhiều vị trí trung tâm TP.HCM và nhanh chóng tạo được chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, PhinDeli đã thông báo ngừng hoạt động một số quán cà phê có vị trí đắc địa tại trung tâm TP.HCM. Ngày 28/10, thương hiệu này thông báo dừng hoạt động cửa hàng 133 Nguyễn Huệ, trước đó cũng đã ngừng hoạt động cửa hàng PhinDeli tại Hồ Con Rùa.
Không chỉ PhinDeli, nhiều thương hiệu lớn về thời trang, nhà hàng, cafe,... cũng thông báo ngừng hoạt động một số cửa hàng tại khu vực trung tâm. Đơn cử như Bếp nhà Xứ Quảng (16 Trần Cao Vân), Hurom Yuice Cafe (40 Trần Cao Vân), shop Hoàng Phúc đường Hai Bà Trưng, Saigon La Poste Cafe cùng nằm trên đường Công Xã Paris,...
Khu vực Hồ Con Rùa, nơi tập trung nhiều thương hiệu đồ uống, nhà hàng nổi tiếng nhưng nay một số cửa hàng đã đóng cửa, những cửa hàng còn hoạt động lượng khách cũng không còn đông đúc như trước. Không ít những cửa hàng nổi tiếng tại khu vực này đã đóng cửa như Bếp nhà Xứ Quảng tại số 16 Trần Cao Vân, thương hiệu khá nổi tiếng với nhiều món ăn đậm vị miền Trung vừa thông báo dừng hoạt động kể từ ngày 11/10 sau 5 năm kinh doanh tại đây.
Saigon garden cafe đang đóng cửa sửa chữa. |
Cạnh đó, quán cafe của thương hiệu Hurom Yuice Cafe cũng vừa mới đóng cửa, trở thành nơi để xe cho các nhà hàng bên cạnh. Theo ghi nhận, không ít thương hiệu nhà hàng, cà phê tại thông báo dừng hoạt động tại trung tâm TP.HCM thời gian qua.
Chị Lộc (ngụ quận Tân Bình), nhân viên văn phòng cho biết, trước đây hay la cà những quán cà phê hay ăn uống ở trung tâm. “Nhưng nay kinh tế khó khăn, lương thì giảm, cũng không có nhiều việc làm thêm kiếm tiền như trước nên hạn chế lại, chỉ khi nào có việc quan trọng mới lựa chọn những quán sang trọng ở trung tâm, mà có vào cũng gọi những món vừa tiền chứ không gọi những món đắt đỏ như trước, giảm chi tiêu được cái nào hay cái đó”, chị Lộc cho biết.
“Khách ít, chi phí quá cao”
Anh Công Thư, chủ một quán cà phê lớn trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10) cho biết, kinh doanh nhà hàng, cà phê giai đoạn này khá khó khăn, đặc biệt là tại khu vực trung tâm vì chi phí mặt bằng rất đắt đỏ, buộc phải tăng giá bán đồ uống để bù vào. Suy thoái kinh tế xảy ra, khách đến quán vẫn có, thậm chí có thời điểm vẫn đông, nhưng không duy trì được lượng khách nhiều và ổn định như trước.
Anh Thư cho biết, từ đầu năm đến nay lượng khách đến quán giảm thấy rõ qua từng tháng. Trước đây hay thậm chí như năm ngoái, quán vẫn duy trì được mức lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng, nhưng doanh thu từ năm nay càng ngày càng giảm dần, trong khi phải gánh đủ chi phí như mặt bằng, vận hành, nhân viên, điện nước, nguyên vật liệu,....
Quán cà phê tại khu trung tâm TP.HCM đóng cửa. |
Đứng trước nguy cơ thua lỗ, anh Thư đành phải kêu gọi thêm cổ đông góp tiền để cải tạo quán thành quán nhậu theo mô hình beer garden. “Quán khai trương từ tháng 9, đường Sư Vạn Hạnh là khu vực người ta ăn chơi nhiều nên khách đỡ hơn quán cà phê một tí, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, vẫn đang phải gồng để qua giai đoạn khó khăn này, hy vọng mọi thứ sớm ổn định lại”, anh Thư cho biết.
Anh Du, trước là chủ một quán cà phê nhỏ trên đường Pasteur (quận 3) cho biết, anh thuê mặt bằng để kinh doanh giá 33 triệu đồng/tháng, cộng với chi phí điện nước, nhân viên, nguyên liệu đầu vào,... tổng mỗi tháng anh phải bỏ ra 50 – 60 triệu đồng chỉ để duy trì một quán cà phê nhỏ ở khu vực trung tâm.
“Trong khi đó, đường Pasteur là đường một chiều, lại không có chỗ để xe nên khách hàng cũng ngại ghé uống cà phê. Từ sau dịch đến nay, lượng khách đến quán giảm dần, từ đầu năm nay, gần như tháng nào cũng lỗ”, anh Du tâm sự. Tháng 5 vừa qua, anh Du đã trả mặt bằng, tạm ngưng hoạt động, chờ đến khi kinh tế phục hồi mới tìm mặt bằng khác để kinh doanh.
Theo anh Du, chủ nhà ở khu vực trung tâm không có sự đồng cảm với khách thuê, dù kinh tế khó khăn nhưng vẫn giữ nguyên giá thuê. Mỗi căn nhà mặt tiền ở trung tâm có giá hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng nên người sở hữu những bất động sản này thường rất giàu, họ thà để không mặt bằng vài ba năm chứ nhất quyết không hạ giá cho thuê vì hạ giá sẽ ảnh hưởng đến giá trị căn nhà mà họ đang sở hữu. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều người thuê mặt bằng ngán ngẩm phải đóng cửa hoặc chuyển đi nơi khác có chi phí mặt bằng thấp hơn.
Chủ một quán cà phê nhỏ ở góc đường Trần Cao Vân – Đinh Tiên Hoàng cũng thừa nhận khó khăn khi chỗ giữ xe không có, nên thường khách ghé quán là nhân viên đang làm việc của các tòa nhà bên cạnh, còn khách vãng lai thi thoảng mới ghé do quán có quá ít chỗ đậu xe, chỉ đậu được 4 -5 chiếc xe máy trước cửa. Lượng khách đến quán giảm cho nhân viên văn phòng bên cạnh cũng dần ít đến quán, trong khi phải gánh đủ chi phí, trong đó lớn nhất là tiền mặt bằng.
Bài 3: Bức tranh sáng tối do chênh lệch giàu – nghèo