Công nhân trong vòng xoáy suy thoái - Bài 3: Đi bán vé số, dẫn cả nhà trốn nợ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trưa tháng tám nắng gắt, nhóc con chạy loăng quăng dưới bóng cây bên lề đường rồi ngồi lại ở tấm bạt trải trên thảm cỏ, sà vào lòng bà nội đang bán vé số bên hông khu công nghiệp Vsip Bình Dương.

Những ngày này, công nhân qua lại chẳng thèm ngó ngàng đến “giấc mơ” đổi đời mang tên vé số. “Thường thường cuối tháng và đầu tháng, công nhân lãnh lương thì bán được một chút, còn lại ế lắm con ơi”, cô Trần Thị Mun (49 tuổi) giải bày.

Cô vốn là công nhân công ty giày da ở Đức Hoà, Long An, dịch bệnh vào hai năm trước khiến cô không còn việc làm đành phiêu dạt lên Sài Gòn rồi Bình Dương thuê phòng trọ, tất tả xin việc ngược xuôi. Nhưng ở cái tuổi của cô không nơi nào dám nhận trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện giờ. Thế là cô gom góp hết số tiền hiện có lãnh vé số bắt đầu “khởi nghiệp”.

Công nhân trong vòng xoáy suy thoái - Bài 3: Đi bán vé số, dẫn cả nhà trốn nợ ảnh 1

Sau thất nghiệp, cô Mun và cháu nội đi bán vé số và gần như ăn ngủ tại đây.

“Cô ở có mình ên, này là cháu nội, 4 tuổi, hai vợ chồng nó thôi nhau rồi bỏ cho cô giữ. Nó đến tuổi gửi nhưng không có tiền nên cô dẫn theo ra đây, ăn ngủ ở đây luôn. Sáng giờ hai bà cháu hết 50 ngàn tiền ăn rồi, bán mới được cỡ 50 tờ, vừa đủ”.

“Cảm ơn chú đi con”, cô Mun bảo khi tôi gửi cháu ít quà!

“Cảm ơn bác!” - Nhóc con mảnh khảnh, da nhem nhẻm, ngoan ngoãn và vâng lời. Nhóc hết chạy quanh gốc cây lại sà vào lòng bà nội, đưa tay khều khều tò mò về chiếc điện thoại trên tay phóng viên.

Cô kể, mỗi ngày lãnh 120 tờ. Đều đặn mỗi 5-6 giờ sáng, hai bà cháu lại đèo nhau trên chiếc xe đạp Trung Quốc ra chỗ “kinh doanh”, bày vé số ra thùng xốp, bên trong đặt vài viên gạch cố định là thành bàn mà buôn bán.

Mỗi tờ, cô được đại lý chia hoa hồng 1.200 đồng, nếu mua may bán đắt tiền lời được hơn 140.000 đồng nhưng đó chỉ là con số lý tưởng. Cô kể, từ đầu năm đến nay, công nhân mất việc nhiều nên về quê hết, những người còn ở lại cũng dè sẻn chi tiêu, nhịn ăn nhịn mặc nên vé số chỉ bán được lúc họ lãnh lương, còn những ngày khác, công nhân rà rà xe nhìn qua một vòng rồi rồ ga chạy đi, ế như chợ chiều, có ngày cô chỉ bán được 15 tờ.

“Bây giờ mỗi ngày bán được 80-90 tờ là giỏi, tức là được khoảng 100 ngàn tiền lời. Hai bà cháu ăn uống hết 70-80 ngàn rồi, dư được 20-30 ngàn. Mỗi tháng được mấy trăm ngàn, đóng tiền phòng trọ cũng hết, đâu có dư đồng nào. Hiện cô còn thiếu một tháng tiền trọ 800 ngàn, còn điện nước cỡ hơn 200 ngàn nữa chưa biết lấy đâu ra”, cô Mun chia sẻ về những cơ cực hiện thời.

Bán vé số ngày nào ăn hết ngày đó mà dạo này cũng bị làm khó đủ đường. Đại lý bị giật vé số nhiều lần nên buộc những người như cô Mun lấy bao nhiêu phải trả tiền ngay thay vì bán xong trả vé số dư và nộp tiền lại như trước.

“Họ (đại lý - PV) không thu lại vé số dư, 4h chiều mình bán không hết là phải ôm. Tuần trước cô phải ôm 30 tờ, hết 300 ngàn tiền vốn. Khách mà thương thì người ta lấy dùm, còn không là mình chịu, qua hôm sau phải mượn tiền người ta đắp vô lấy vé số về bán”, cô kể rồi chỉ tay về phía đối diện, nơi có một người khác đang cầm xấp vé số phe phẩy mời khách.

Công nhân trong vòng xoáy suy thoái - Bài 3: Đi bán vé số, dẫn cả nhà trốn nợ ảnh 2

Khách là công nhân khu công nghiệp Vsip ghé lại mua vé số của chị Thiệt.

Một mình nuôi 6 miệng ăn

Dưới bóng cây, chị Lê Thị Thiệt (42 tuổi, quê An Giang) lúc nào cũng nở nụ cười dẫu cho vắng khách. “Mình có khóc thì người ta cũng đâu có thương tình mà mua vé số”. Chị vừa ăn trưa là một hộp cơm 30 ngàn đồng, vậy là tiền lời bán 30 tờ vé số đi tong. Đại lý không cho lấy vé số nên chị phải sang tay của những người khác nên hoa hồng là 1.000 đồng/tờ.

Hai năm trước, chị vẫn đang làm công nhân may mặc một công ty ở quận 12, TP.HCM. Hồi ấy, dù dịch bệnh nhưng đơn hàng còn nhiều, công ty thực hiện phương án “3 tại chỗ”, chị ăn ở tại công ty nên tiết kiệm chi phí sinh hoạt đáng kể, mỗi tháng thu nhập có khi lên đến hơn 15 triệu đồng. Thế nhưng, sự nghiệt ngã mà dịch bệnh mang đến buộc công ty phải cho nhân viên nghỉ hết. “Giờ nó (công ty - PV) phá sản, đóng cửa luôn rồi”, chị kể.

Không có việc, nhà 6 miệng ăn và cả tiền ăn học các con chỉ trông chờ vào đồng lương của chị. Thế là cả gia đình dắt díu nhau về Bình Dương thuê trọ. Ban đầu, chị cũng như cô Mun, nộp hồ sơ xin việc ở các khu công nghiệp nhưng không nơi nào nhận. Khoản tiết kiệm ít ỏi cũng nhanh chóng chào tạm biệt ra đi. Bế tắc, chị gửi hai cháu giữa về quê với bà ngoại, cháu lớn về nhà nội, còn đứa nhỏ 8 tuổi ở chung với hai vợ chồng. Nhưng tình hình ngày càng tệ hại, chị buộc phải gửi luôn đứa út về An Giang cách đây mấy tháng.

“Chị với ổng thôi nhau rồi, ổng có làm ăn gì đâu, ở nhà chơi không, một mình chị đâu có làm nổi nên hai vợ chồng mới cự lộn, ông bỏ đi chắc không về nữa đâu”, chị bộc bạch: “Xưa còn nhiều tiền chứ giờ bán vé số lấy đâu ra nữa, tiền gửi về quê còn không có, bà ngoại nhăng miết… Sáng ra ăn gói xôi hay ổ bánh mì hết 15 ngàn, trưa hộp cơm, tối về ăn mì gói, bù qua bù lại đổ vào tiền phòng trọ, giờ trong túi không có dư một đồng. Thiệt sự là lúc dịch mình không khó lắm nhưng bây giờ chịu hết nổi rồi”.

Chị Thiệt nhanh nhẹn nên mỗi ngày bán được khoảng 200 tờ, nếu bán hết sớm, chị lại nhận thêm vé ngày hôm sau bán tiếp. Nhưng chuyện đời không phải lúc nào cũng suôn sẻ như ta tưởng, bán vé số đã ế lại còn bị lừa. Tháng trước khách đến đổi vé số trúng giải tám, 5 tờ. Chị vui lắm, đổi ngay 500 ngàn đồng, người ta mua lại 10 tờ mới. Thế nhưng khi mang vé ra đổi lại ở đại lý thì ngả ngửa khi vé số "trúng" bị cắt dán. Vậy là chị phải ôm hết, hôm sau mượn lại của bạn hàng là cô Mun và những người xung quanh mới đủ tiền lấy vé số về bán tiếp.

Công nhân trong vòng xoáy suy thoái - Bài 3: Đi bán vé số, dẫn cả nhà trốn nợ ảnh 3

Nhiều công nhân thất nghiệp không có tiền trả nợ phải bỏ trốn trong đêm.

Như chị Thiệt cũng còn có đồng ra đồng vô, dẫu không có dư nhưng chưa đến mức nợ nần nhiều. Chị kể, một người bán vé số ở khu này vừa phải trốn đi trong đêm vì bị giang hồ đe doạ đòi nợ. Người này tên H., cũng là công nhân thất nghiệp về Bình Dương sống cùng con gái 15 tuổi nhưng cô gái trẻ không nghề không nghiệp, ăn chơi lêu lổng nên tiền ăn tiền uống chỉ trông chờ vào mấy đồng tiền lời từ bán vé số của cô H.

Đầu năm vừa rồi, cô H. vay nóng của xã hội đen 3 triệu đồng, thực nhận 2,2 triệu đồng, họ cắt tiền lời trước 800 ngàn đồng. Thời gian trả là 24 ngày, mỗi ngày, cô H. phải góp 100 ngàn đồng, riêng ngày đầu và ngày cuối là 150 ngàn đồng. Cứ 4-5 giờ chiều, họ lại cho người đến trước quầy vé số chờ thu tiền góp.

“Bán vé số thì đâu có lời bao nhiêu rồi tiền ăn tiền trọ đủ thứ, bả trả được một thời gian thì không trả nổi nên bị doạ, sợ quá nửa đêm trốn về quê luôn. Xong rồi con gái bả ra bán vé số thay, tụi giang hồ lại tới đòi nợ, nó sợ quá cũng trốn theo mẹ. Ở mấy khu trọ dưới này, người ta bị giang hồ đòi nợ nhiều lắm, đa số trốn đi hết rồi”, chị Thiệt kể.

Dẫn mẹ và vợ con trốn nợ

Anh Th., 35 tuổi và vợ cùng là công nhân ở quận 12, mỗi tháng thu nhập hai vợ chồng khoảng 14-15 triệu đồng. Vợ chồng sống cùng mẹ và hai con, cả nhà 5 miệng ăn, tiết kiệm các khoản chi tiêu coi như vừa đủ.

Trước Tết, cả hai vợ chồng cùng thất nghiệp, anh Th. vay nóng xã hội đen 20 triệu đồng để trang trải cuộc sống và lo cho mẹ già bị tai biến, hẹn lúc có việc lại sẽ sắp xếp trả nợ. Nhưng gõ cửa khắp nơi không ai nhận, nợ nần dí tới cửa, anh Th. liên tục lánh mặt, nay đây mai đó, không dám ở nhà.

Công nhân trong vòng xoáy suy thoái - Bài 3: Đi bán vé số, dẫn cả nhà trốn nợ ảnh 4

Công nhân ngày càng kiệt quệ trong vòng xoáy suy thoái.

Nhưng khất ngày một ngày hai, làm sao trốn tránh mãi được khi mẹ già và vợ con còn ở đó. Anh Th. làm liều gọi điện thoại cho chủ nợ xin trả trước 5 triệu đồng, khi nào có việc làm sẽ trả nốt số còn lại cùng tiền lời.

Được đồng ý, anh mượn của bạn bè rồi chuyển trả để về phòng trọ. Thế nhưng, sự thật lại éo le vô cùng, ngày nào chủ nợ cũng cho mấy thanh niên "rồng phượng" đến ngồi trước cửa phòng, không cho anh ra ngoài xin việc.

“Họ hứa cho mình nợ nhưng lúc mình về, mấy thanh niên xăm trổ ngày nào cũng đến canh trước cửa, họ trở quẻ nói 5 triệu đó không đủ trả lãi nữa, bắt trả hết rồi đi đâu thì đi”, anh Th. giải thích.

Không có việc lại bị chủ nợ cấm cửa, khó khăn chồng chất khó khăn, tinh thần hoang mang tột độ, nhân lúc ban đêm không có ai, anh Th., làm liều dẫn vợ, hai con nhỏ và mẹ già đang bệnh âm thầm trốn đi nơi khác, thay sim đổi số.

“Mình cũng không muốn làm thế, nhưng ngày nào cũng bị đe doạ, còn mẹ còn con nhỏ nữa, sao mà chịu nổi nên đành làm vậy thôi”, anh Th. phân trần và cho biết đang ở vùng ven TP.HCM, vẫn hằng ngày đi làm đủ mọi nghề có thể, thu xếp để cố gắng trả cho dứt nợ mà sống tiếp.

(Còn tiếp)

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?