Nagisa Hirai từng là một đứa trẻ hiếu động, thích đá bóng cùng các bé trai. Tuy nhiên, hạnh phúc này sớm tan biến vào ngày đầu tiên cô nhập học. Hirai trở nên sợ hãi khi không thể tìm thấy lớp của mình.
Theo thời gian, cô trở thành một “hikikomori”, một thuật ngữ tiếng Nhật dùng để mô tả hơn nửa triệu thanh niên trong nước, những người ở nhà và tránh tiếp xúc với người ngoài. Hirai cảm thấy lo lắng về bất cứ thứ gì xa lạ. Cô ngày càng ghét đi học khiến cha mẹ cô phải bắt cô đến trường.
Hirai hiện 30 tuổi và đã có những chuyển biến tích cực về mặt tâm lý. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cô vẫn không thể ép bản thân ra rời khỏi giường và đi học.
Xa lánh xã hội
Vấn đề hikikomori không phải là mới. Thủ tướng Shinzo Abe đang lên kế hoạch đưa những người này trở lại với cộng đồng và là một thành phần tăng cường lực lượng lao động đang già đi. Ông tuyên bố ngăn chặn tình trạng giảm dân số và tất cả thành viên trong xã hội đều có thể đóng góp tích cực cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Theo Bloomberg, chứng bệnh tâm lý này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như bị bắt nạt ở trường học hoặc nơi làm việc, chịu áp lực từ phía cha mẹ hay các thành viên khác trong gia đình về thành công.
Đối với trường hợp của Hirai, cô vừa sợ người lạ, vừa cảm thấy không vui về chuyện không thể đến trường. Cô trở nên biếng ăn trong suốt thời gian học trung học. Cân nặng của cô tụt xuống còn 30 kg.
"Tôi ép bản thân bằng cách kìm hãm cơn thèm ăn", Hirai chia sẻ. Tuy điều này giúp cô có thể ra ngoài và gặp gỡ mọi người nhưng cô vẫn không thể tham dự các lớp học và bỏ học khi các bạn cùng lớp tốt nghiệp.
Hirai nhận được hỗ trợ từ phía Đại học Shure, một đại học phi lợi nhuận cung cấp không gian phi áp lực dành cho những người giống cô. Sống một mình gần 10 năm nay và nói rằng tuy chứng bệnh tâm lý đang biến chuyển tốt nhưng cô vẫn căng thẳng khi ở quanh một số người.
"Tôi sợ bản thân lại tránh xa khỏi xã hội một lần nữa. Cha mẹ tôi đã lớn tuổi và tôi chỉ mới tốt nghiệp trung học. Tôi luôn lo lắng về chuyện tôi có thể sống tiếp như thế nào", cô gái chia sẻ.
Nhận thức tiêu cực
Kageki Asakura, một thành viên của Đại học Shure, cho biết thiếu tôn trọng bản thân là lý do tại sao nhiều người trở thành hikikomori. Các nhận thức tiêu cực đối với những người cách xa xã hội khiến tình hình càng tồi tệ hơn, ông nói.
Trong một cuộc khảo sát của chính phủ công bố vào năm 2014 về thanh niên tại 7 quốc gia, bao gồm Nhật, Mỹ và Hàn Quốc, người Nhật đứng cuối cùng về chỉ số hài lòng. Chỉ 7,5% nói rằng họ mãn nguyện.
Khoảng 541.000 người trong độ tuổi từ 15 đến 39 (chiếm 1,6% tổng số trong nhóm tuổi này) là hikikomori, theo một báo cáo của Văn phòng Nội các công bố vào tháng 9. Chính phủ xác định những người này là những người ở nhà và tránh tiếp xúc với những người không phải thành viên trong gia đình ít nhất 6 tháng.
Cũng như độ tuổi trung bình tại xứ sở hoa anh đào ngày càng tăng, hikikomori cũng đang già đi. Khoảng 53% nhóm sống tại tỉnh Shimane ở độ tuổi từ 40 trở lên trong khi con số này tại tỉnh Yamagata là 44%. Tình trạng này đặt ra vấn đề về việc họ sẽ sống ra sao khi cha mẹ qua đời.
Tác động kinh tế
Các chính sách phù hợp như hỗ trợ tài chính và tư vấn có thể biến hikikomori trở thành thành viên của lực lượng lao động, Ekiro Ito, một nhà tư vấn tại Nomura Research Institute tại thành phố Tokyo, nhận định. Điều này thúc đẩy sản lượng kinh tế tổng thể cũng như giảm chi phí dành cho phúc lợi xã hội.
“Chúng ta nên thay đổi suy nghĩ về việc hỗ trợ họ. Đó là một khoản đầu tư, không phải chi phí”, Ito nói.
Theo tính toán dựa trên các dữ liệu mới nhất từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, mỗi người nhận phúc lợi trở thành một đối tượng nộp thuế sẽ giúp ngân sách quốc gia tăng thêm từ 78 đến 98 triệu yen trong suốt cuộc đời họ.
Kế hoạch của chính phủ là sẽ hỗ trợ hikikomori và những thanh niên gặp khó khăn khác bằng cách khiến họ trở nên độc lập hơn. Nhật sẽ thành lập trung tâm tư vấn trên toàn quốc và những nhân viên hỗ trợ đến thăm từng người.
Song việc tiếp cận phải khéo léo. Hơn 65% hikikomori tham gia khảo sát nói rằng họ không quan tâm đến các dịch vụ bởi lo ngại về việc không thể giao tiếp hoặc miễn cưỡng để cho những người khác chú ý đến họ.
“Chính sách lao động của ông Abe đang gây áp lực cho hikikomori. Abe muốn họ trở nên tuyệt vời và đạt thành tựu tuyệt vời. Tại sao họ không thể theo đuổi hạnh phúc?”, Asakura nói.