Những số liệu này khiến chúng ta đặt dấu hỏi về cam kết toàn cầu để đạt được mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 4 - mục tiêu giáo dục toàn cầu. Việc chi tiêu cho giáo dục rời rạc không thể giúp cải thiện tình hình. Một cơ chế đa phương mang tên “Định chế tài chính quốc tế cho Giáo dục”, nhằm mục đích giảm chi phí vay cho giáo dục tại các nước thu nhập trung bình dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng này.
Các nhà tài trợ đã không thực hiện lời hứa hoàn thành mục tiêu của Liên Hợp Quốc là dành 0,7% tổng thu nhập quốc dân cho viện trợ nước ngoài. Chỉ cần thực hiện điều đó và phân bổ 10% khoản viện trợ nói trên cho giáo dục tiểu học và trung học, sẽ đủ để lấp đầy khoảng trống tài chính hàng năm 39 tỷ USD. Trong số 10 nhà tài trợ cho giáo dục hàng đầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, Anh là quốc gia G7 duy nhất đảm bảo con số mục tiêu của Liên Hợp Quốc là 0,7% tổng thu nhập quốc dân cho viện trợ nước ngoài.
Nhìn chung, Đức đứng đầu bảng các nhà tài trợ cho giáo dục với mức giải ngân 2 tỷ USD trong năm 2017, tiếp theo là Hoa Kỳ với 1,5 tỷ USD và Pháp với 1,3 tỷ USD. Pháp là nước đã tăng tài trợ nhiều nhất từ năm 2016 đến 2017, với tổng số tiền là 207 triệu USD. Điều này phù hợp với thông báo rằng Pháp sẽ tăng hỗ trợ phát triển chính thức lên 0,55% tổng thu nhập quốc dân vào năm 2022.
Tuy nhiên, 58% viện trợ của Đức và 69% viện trợ của Pháp hướng vào học bổng và chi phí cho sinh viên từ các nước đang phát triển để theo học tại các trường. Khoản viện trợ còn lại cho giáo dục phổ thông giảm hơn nữa trong năm qua, tương đương 5% hoặc 534 triệu USD, do viện trợ cho giáo dục đại học tăng lên, trong khi viện trợ cho giáo dục trung học giảm 2% và viện trợ cho giáo dục cơ bản giảm 8% từ năm 2016 đến 2017.
Ông Antoninis - Giám đốc Báo cáo định hướng giáo dục toàn cầu nói rằng các xu hướng kể trên là dấu hiệu đáng báo động: “Sự giảm viện trợ cho giáo dục có thể là một điều đáng mừng nếu lý do là bởi các chính phủ cần ít hơn, nhưng điều này dường như không đúng trong tình hình hiện tại. Trung bình, chính phủ ở các nước thu nhập thấp chi tiêu trung bình 16% ngân sách cho giáo dục, cao hơn nhiều so với các nước giàu hơn. Khi không có tài trợ, sẽ rất khó để đạt được mục tiêu lớn về giáo dục”.