Nhân dịp này, UNESCO cũng kêu gọi phê chuẩn Công ước chống phân biệt đối xử trong giáo dục, điều ước quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý duy nhất dành riêng cho quyền được giáo dục.
Công ước UNESCO chống phân biệt đối xử trong giáo dục, được thông qua tại Đại hội đồng UNESCO năm 1960, là một trong các công cụ thiết lập tiêu chuẩn của UNESCO về lĩnh vực giáo dục. Công ước này khẳng định, được giáo dục là một quyền cơ bản và nhấn mạnh nghĩa vụ của các quốc gia nhằm đảm bảo giáo dục miễn phí và bắt buộc cũng như cấm mọi hình thức phân biệt đối xử trong khi thúc đẩy bình đẳng về cơ hội được giáo dục.
Với lời kêu gọi mới này, UNESCO đề nghị các quốc gia thành viên chưa phê chuẩn Công ước quan trọng này khẩn trương thực hiện vì đây là nền tảng của Chương trình nghị sự 2030 về Giáo dục và là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy giáo dục chất lượng toàn diện, công bằng cho tất cả mọi người.
Đến nay, Công ước đã được 104 quốc gia thành viên phê chuẩn.
Bà Stefania Giannini, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về giáo dục trong bức thư gần đây gửi tới các quốc gia thành viên của UNESCO đã nhận xét: “Một điều đáng khích lệ là 11 quốc gia đã phê chuẩn Công ước trong 10 năm qua, bốn trong số đó ký kết sau chiến dịch kêu gọi phê chuẩn mới nhất năm 2014”.
Chiến dịch #RightToEducation của UNESCO nhằm mục đích mang lại nhận thức toàn cầu về quyền con người quan trọng này, điều vẫn chưa thành hiện thực đối với hàng triệu người, cũng như trao quyền cho thanh niên và người trưởng thành nhằm mang lại sự thay đổi tích cực trong cộng đồng của họ. Chiến dịch kỹ thuật để đánh dấu năm thứ 70 của Tuyên ngôn Nhân quyền.