Chiều 26/10, Quốc hội đã phê chuẩn ông Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, giữ chức Bộ trưởng Giao thông Vận tải với tỷ lệ 93,98% tổng số đại biểu đồng ý.
Trả lời báo chí sau đó, ông Nguyễn Văn Thể chia sẻ: "Được tín nhiệm thực hiện nhiệm vụ này là vinh dự của tôi. Đồng thời, trong điều kiện ngân sách nhà nước và đầu tư công eo hẹp, nợ công đang ở mức cao, nguồn vốn vay ODA và huy động từ xã hội rất khó khăn, thì đây cũng là thách thức rất lớn cho bản thân tôi và ngành".
- Những công việc đầu tiên ông dự định sẽ làm trên cương vị mới?
- Giao thông vận tải đang là một trong ba điểm nghẽn của nền kinh tế, đồng thời là một trong ba khâu đột phá cần tập trung tháo gỡ. Do vậy, với cá nhân tôi, có rất nhiều công việc cần phải làm trên cương vị Bộ trưởng.
Trong giai đoạn trước mắt, bản thân tôi và toàn ngành sẽ tập trung giải quyết một số nhiệm vụ cấp bách như: Đề xuất phương án sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2017-2020; sớm triển khai xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc Nam và sân bay Long Thành; sớm hoàn thành các tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội và TP HCM.
Chúng tôi cũng sẽ đề xuất giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông cho Hà Nội, TP HCM và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; giải quyết các tồn tại liên quan đến các dự án BOT giao thông...
- Khúc mắc ở các dự án BOT được người dân đặc biệt quan tâm. Ông giải quyết "bài toán" này như thế nào?
- Vấn đề này được dư luận, báo chí nêu rất nhiều thời gian qua. Bộ Giao thông cách đây 3-4 năm đã tập trung rất nhiều tâm huyết để cụ thể hóa Nghị định 108 của Chính phủ nhằm phát triển giao thông.
Tuy nhiên, qua thời gian triển khai chủ trương BOT, bản thân Bộ cũng nhận thấy có nhiều vấn đề đặt ra. Do vậy, Bộ đã chủ động mời Bộ Xây dựng tham gia đi kiểm tra tại các tỉnh, cùng với Bộ Tài chính để xác định vị trí các trạm thu phí, cùng với chính quyền các địa phương để triển khai các dự án BOT cho đúng quy định.
Giai đoạn vừa qua, cùng với các dự án nhà nước đầu tư, các dự án giao thông BOT đã tạo nên một diện mạo mới cho cả nước, song các hạn chế cũng còn nhiều. Chủ trương BOT là rất đúng, nhưng trong quá trình triển khai thì Bộ Giao thông dù đã chủ động song việc tuân thủ luật pháp còn chưa đầy đủ.
- Nguyên nhân của những vấn đề liên quan BOT mà ông vừa nêu là gì?
- Nguyên nhân một phần do áp dụng theo Nghị định 108, đây là nghị định dành cho hình thức đầu tư PPP của tất cả các ngành, trong đó có giao thông. Gần đây, Chính phủ đã ban hành nghị định 15 và 30, quy định cụ thể hơn về các dự án BOT nên việc triển khai đã chặt chẽ hơn.
Cách đây vài ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết về vấn đề BOT. Tôi nghĩ tới đây, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, nếu cần thiết thì có thể nâng cấp Nghị quyết, Nghị định về BOT thành một pháp lệnh hoặc luật.
Tôi nghĩ rằng có làm thì cũng có đúng, có sai. Nhưng quan trọng là cái tâm của những người làm giao thông chúng tôi phải vì lợi ích chung, không tư túi, không vì lợi ích nhóm. Người nào làm sai, có vấn đề thì chắc chắn pháp luật sẽ xử lý nghiêm. Cuối cùng là phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, của người dân, của doanh nghiệp. Còn về cái chung, tôi nghĩ là nếu không làm BOT thì trong giai đoạn hiện nay chúng ta không thể phát triển hạ tầng giao thông được.
Ông Nguyễn Văn Thể kiểm tra dự án cầu Cổ Chiên vào đầu năm 2015 khi còn là Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.Ảnh:Khánh Linh. |
- Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về các giải pháp khắc phục tồn tại liên quan đến các dự án BOT?
- Thời gian qua Bộ Giao thông đã tổng kết 5 năm đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT giai đoạn 2011-2016 và đã đánh giá khách quan, tổng thể những mặt được, cũng như hạn chế của hình thức đầu tư này.
Bộ cũng nghiên cứu để đưa ra chính sách đồng nhất nhằm giải quyết tồn tại của các dự án BOT toàn quốc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời có chủ trương dừng dự án BOT trên các tuyến đường hiện có; chỉ kêu gọi đầu tư BOT với các tuyến mới, có sự lựa chọn cho người dân.
Trường hợp cấp bách, Nhà nước không thu xếp được nguồn vốn, cần kêu gọi đầu tư thì phải tham vấn ý kiến của địa phương, có thể xem xét xin ý kiến cả Quốc hội.
Trong quá trình thực hiện dự án BOT, theo quy định của pháp luật nhiều bộ cùng cộng đồng trách nhiệm như: Bộ Xây dựng thẩm tra, thẩm định dự toán, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép, Bộ Tài chính quyết định về giá qua trạm... Tuy nhiên, do thể chế còn chưa chặt chẽ nên đã phát sinh một số bất cập. Và trong quá trình làm, các cơ quan kiểm toán, thanh tra cũng đã vào cuộc cùng với Bộ Giao thông để kịp thời phát hiện và xử lý những bất cập phát sinh.
- Ông đặt mục tiêu cụ thể nào để phát triển ngành Giao thông, gỡ điểm nghẽn về hạ tầng?
- Như trên tôi đã nói, BOT là kênh huy động vốn rất quan trọng để phát triển hạ tầng trong điều kiện ngân sách khó khăn. Thời gian qua, việc huy động vốn vẫn chủ yếu tập trung ở đường bộ, hàng không.
Về lâu dài, chúng ta phải tìm giải pháp huy động các nguồn vốn để phát triển cân bằng và hiệu quả các loại hình giao thông vận tải, nhất là phát huy hiệu quả của đường thủy nội địa, đường sắt và đường biển để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.
Ông Nguyễn Văn Thể 51 tuổi, quê Đồng Tháp, là tiến sĩ ngành giao thông, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng khoá 12, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM, sau đó học Đại học Giao thông đường bộ Moskva (Liên Xô cũ), khi về nước năm 1989, ông Thể làm việc tại Công ty Dịch vụ thiết bị vật tư Giao thông - Thủy lợi huyện Tháp Mười và chuyển về Phòng Giao thông Công chánh huyện Tháp Mười năm 1992.
Ông lần lượt giữ các chức vụ như Phó giám đốc Xí nghiệp Khảo sát thiết kế giao thông tỉnh Đồng Tháp; Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp; Bí thư Huyện ủy Tân Hồng; Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.
Tháng 6/2013, ông được điều động ra làm Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Tháng 10/2015, Bộ Chính trị chỉ định ông Nguyễn Văn Thể giữ chức bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhiệm kỳ 2015-2020.