Cách đó không lâu, cảnh sát giao thông (CSGT) Đà Nẵng đã gây ấn tượng mạnh với nhân dân cả nước bởi hình phạt rất “dễ thương” dành cho một em học sinh vi phạm luật: Bắt chép phạt.
Thoạt đầu tôi rất ấn tượng với cách xử phạt nhẹ nhàng, không cứng nhắc đó nhưng thời gian khiến con người ta thay đổi. Bởi suy cho cùng, những gì liên quan đến tính mạng, cuộc sống của con người thì không nên nương tay.
Sai luật thì cứ áp đúng khung, đúng tội mà làm, có phải Thúy Kiều đâu mà cân nhắc “Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?”
Thực tế cho thấy con đường để “rút kinh nghiệm” nhanh nhất là đánh vào kinh tế. Mọi sự ngu dốt nếu không phải trả giá bằng tiền mặt thì sẽ trả giá bằng tính mạng. Nên thà cứ phạt đúng, phạt nặng còn hơn xử lý bằng những cách nhảm nhí, thiếu tính răn đe.
Có lẽ một trong những hệ quả cười ra nước mắt của sự “nhân nhượng” chính là độ liều lĩnh không giới hạn của những người quyết lao lên “giáp lá cà” với tàu hỏa tại ga Hà Đông, Hà Nội sáng ngày 13/4 vừa qua.
Hàng chục xe máy “thi gan” cùng tàu hỏa. Ảnh: Zing.
Chắc hẳn nhiều người sau khi chứng kiến (hoặc đọc) thông tin về sự việc đó đều phải ngã mũ chào thua đến sái cổ vì sự ngu dốt và bất chấp của nhiều người – thà chết chứ không chịu hi sinh một giây, một phút nào của cuộc đời.
Đấy là còn may khi mô hình “xử phạt dễ thương” của CSGT Đà Nẵng chưa kịp phổ biến rộng khắp.
Bởi CSGT ở Hà Nội khắt khe như thế mà ý thức của nhiều người tham gia giao thông vẫn “hoang dã như ruồi”. Thử hỏi nếu các chiến sĩ CSGT cứ thân thiện thì sẽ còn bao nhiêu chuyện kinh hoàng xảy ra?
Tuy nhiên, tác động tâm lý từ khách quan (CSGT) chỉ là biện pháp bề nổi, bề ngọn. Còn để khắc phục từ gốc rễ, chúng ta phải đi từ phía chủ quan (ý thức của người tham gia giao thông). Và đương nhiên, chỉ có nỗi sợ hãi, mất mát mới đủ sức mạnh để “uốn nắn” sự vô ý thức của con người.
Có thể thấy, vụ nổ bom kinh hoàng ở Hà Đông tuy gây ra nhiều đau thương nhưng dù sao sau đó, con người cũng đã cẩn trọng hơn với những vật là bom (hoặc những vật na ná bom). Đơn giản vì họ “sợ”.
Với sự vô ý thức và bất chấp của những người tham gia giao thông thì chẳng có cách nào hiệu quả hơn cách tạo ra những “tấm gương thực tiễn” về hậu quả của nó.
Tôi rất tâm đắc với câu nói của Táo Giao thông (do nghệ sĩ Chí Trung thủ vai) trong một truyền hình cuối năm đó là: “Đâm phát chết luôn!”. Ai vô ý thức, ai phóng nhanh vượt ẩu hay vượt đèn đỏ, vượt rào đường sắt... hãy cứ để họ “đi tự nhiên”.
Vậy, (nếu như có lần sau) thì tôi chỉ mong đoàn tàu đó cứ đúng luật mà làm, thẳng tay lái mà tiến về ga chứ mình càng nhân nhượng thì chúng càng lấn tới!
Bởi với những người đến mạng sống của mình và người thân còn không tiếc thì sao chúng ta phải tiếc cho họ!
Xuân Thu
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả