Các bác sĩ cảnh báo, nếu thường xuyên bị lạnh tay chân kèm theo các triệu chứng khác, bao gồm: Mệt mỏi, giảm cân hoặc tăng cân, sốt, đau khớp, có vết loét trên ngón tay hoặc ngón chân lâu lành, thay đổi bất thường trên da như phát ban, da dày, thay đổi màu sắc; người bệnh nên sớm đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân và đưa ra biện pháp ngăn ngừa triệu chứng này.
Trên thực tế, tay chân lạnh là một trong những phản ứng bình thường của cơ thể khi ở môi trường có nhiệt độ thấp hơn. Khi đó, các mạch máu ngoại vi ở các chi co lại, làm giảm lưu lượng máu đến các khu vực này, cũng làm giảm lượng nhiệt mà cơ thể mất đi nhằm bảo vệ, giữ ấm những phần cơ thể quan trọng khác. Giảm lưu lượng máu, giảm oxy trong mô, khiến lúc này tay chân bị tái ngắt, không hồng hào như bình thường. Những biểu hiện này thường không nghiêm trọng và sẽ trở lại bình thường khi nó được làm nóng lên.
Trường hợp bàn chân, bàn tay lạnh buốt bên trong nhưng sờ vào da không cảm thấy lạnh có thể là dấu hiệu tổn thương thần kinh hoặc các tình trạng rối loạn thần kinh nào đó.
Cụ thể hơn, tay chân lạnh có thể là dấu hiệu của bệnh tật hoặc cảnh báo tình trạng sức khỏe:
Căng thẳng thần kinh: Một người đang ở trạng thái căng thẳng hoặc lo lắng quá cũng có thể gây hiện tượng bàn chân, bàn tay lạnh. Một trong những phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với stress hoặc lo lắng là bơm adrenaline vào máu. Adrenalin sẽ khiến các mạch máu ở ngoại biên co lại, làm giảm lưu lượng máu đến các vùng ngoài cùng của cơ thể. Phản ứng này giúp dự trữ năng lượng và chuẩn bị cho bất kỳ tổn thương cơ thể nào có thể xảy ra, do tình trạng căng thẳng cao. Giảm căng thẳng và tìm kiếm những biện pháp thư giãn có thể giúp làm giảm các triệu chứng của tay chân lạnh trong những trường hợp này.
Tuần hoàn máu kém: Người bị tuần hoàn máu kém khiến máu đến tận cùng các chi không đầy đủ, do đó bàn tay lạnh và chân lạnh thường xuyên. Tuần hoàn kém có thể có nhiều nguyên nhân như: Cuộc sống tĩnh tại hoặc ngồi làm việc cả ngày liên tục có thể làm giảm tuần hoàn máu tới các chi. Người hút nhiều thuốc lá, người có cholesterol máu cao, người có vấn đề về tim mạch cũng có thể khiến máu khó tiếp cận đến mọi khu vực của cơ thể, làm giảm tuần hoàn máu tới các đầu chi dẫn đến bàn tay, bàn chân lạnh.
Thiếu máu: Thiếu máu có thể do nhiều yếu tố, bao gồm thiếu sắt, vitamin B12, hoặc folate, hoặc do bệnh thận mạn tính. Trường hợp thiếu máu trung bình đến nặng có thể gây bàn tay, bàn chân lạnh. Để khắc phục thiếu máu, có thể thay đổi chế độ ăn uống và bổ sung sắt, vitamin B12, hoặc folate.
Đái tháo đường: Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ gặp các vấn đề về tuần hoàn máu. Mức đường trong máu cao có thể dẫn đến hẹp động mạch, làm giảm lượng máu cung cấp cho mô. Ở một số người, do thiếu kiểm soát đường huyết cao trong thời gian dài, bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến biến chứng tổn thương thần kinh ngoại biên. Biến chứng này ảnh hưởng chủ yếu tới bàn chân, cẳng chân, bàn tay, cánh tay. Các triệu chứng khác của tổn thương thần kinh ngoại biên do đái tháo đường là cảm giác châm chích, tê bì, quá mẫn cảm với nhiệt độ như quá nóng hay quá lạnh, mất cảm giác ở chân tay. Triệu chứng có thể tệ hơn vào ban đêm.
Rối loạn thần kinh: Các chứng rối loạn thần kinh khác cũng có thể là nguyên nhân của chân lạnh thường xuyên. Suy nhược thần kinh có thể do chấn thương hoặc thương tích, hoặc do tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Bệnh lý thần kinh ngoại vi cũng có thể do bệnh gan, thận, nhiễm trùng hoặc di truyền. Nó thường gây ra các triệu chứng khác ngoài lạnh tay chân. Trong trường hợp này, cần tới bác sĩ khám và chẩn đoán đúng bệnh. Điều trị triệu chứng tay chân lạnh có thể giúp giảm sự khó chịu của người bệnh trong khi chờ đợi một chẩn đoán đúng.
Suy giáp trạng: Suy giáp trạng có ảnh hưởng tiêu cực đến sự trao đổi chất của cơ thể. Sự trao đổi chất của cơ thể ảnh hưởng đến tuần hoàn, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, do đó có thể dẫn tới tay chân lạnh.
Các bác sĩ khuyến cáo dù hiện tượng tay chân lạnh đến từ nguyên nhân gì thì cũng đều nguy hiểm nếu để lâu ngày, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn. Bởi vậy cách tốt nhất, bạn nên tới bệnh viện, các cơ sở y tế thăm khám để được điều trị kịp thời!
Theo Sức khỏe & Đời sống