Chủ tịch tỉnh bảo lãnh mới được theo xe đạp
Nếu không theo xe đạp, chắc giờ cô gái con nhà nghèo ở xã Nhà Bàng (Tịnh Biên, An Giang) vẫn đang lầm lũi với công việc đồng áng vất vả, có thể đã con bồng con bế. Như một định mệnh, tất cả đã thay đổi từ lần HLV Ngô Quốc Tiến trong một cuộc về cơ sở tuyển quân đã thấy Thật đang chạy bộ trên đường làng với hình thể rắn rỏi cùng tốc độ cực nhanh, đủ cho các bạn nam ngửi khói.
Bằng linh cảm nghề nghiệp, thầy Tiến nhận ra ngay đây chính là nhân tố mình đang tìm kiếm, và nó càng được khẳng định khi ông thuyết phục được Thật thực hiện một số bài kiểm tra, thử ngồi lên xe, đều cho thấy những chỉ số lý tưởng. Ông lập tức theo Thật về nhà để vận động cô bé 15 tuổi lên tỉnh tâp xe đạp.
Bản thân Thật tỏ ra khá hào hứng song bà nội, người chăm lo cho mấy chị em thay bố mẹ đi làm ăn xa, lại kiên quyết phản đối. Trải qua mấy lần qua lại, kéo cả lãnh đạo ngành thể thao về cùng, ông vẫn không làm lay chuyển nổi thành kiến “con gái tập xe đạp ai thèm lấy, có tương lai gì” của người bà.
Mọi chuyện tưởng như bế tắc, qua câu chuyện mới phát hiện ông chủ tịch tỉnh đương nhiệm là đồng nghiệp cũ của bố Thật, ông Tiến đánh liều nhờ qua kênh khó này. Rồi phải đích thân ông chủ tịch tỉnh trực tiếp về tận nhà một chuyến, bà nội mới miễn cưỡng đồng ý cho cháu đi tập xe đạp với lời dặn thêm “có vấn đề gì tôi bắt đền ông chủ tịch”.
10 năm, từ tay không lên “đỉnh” châu Á
Tầm nhìn và sự kỳ công của HLV Tiến đã được đền đáp xứng đáng khi Thật lập tức chứng tỏ mình là một “của hiếm” đăc biệt, có thể coi như sinh ra để dành cho đua xe đạp. Trong khi các đàn chị, kể cả những người ăn tập vài năm luôn phải trầy trật và khổ sở, Thật đã có thể hoàn thành ngay khối lượng vận động lên tới 300 km mỗi tuần một cách nhẹ nhàng. Chỉ sau đúng mấy tháng, chị đã chủ động đề xuất nâng lên mức 400km mà vẫn hoàn toàn vừa sức.
Chưa kể, nhờ sẵn có tố chất nên Thật cũng sớm làm chủ ngon lành các kỹ năng tập luyện, thi đấu mang tính đặc thù. Đáng chú ý, đang ổn định ở tổ xe đạp địa hình, theo tính toán của đội, Thật được chuyển sang tổ đua đường trường vốn có đòi hỏi khác hẳn song cũng chẳng ảnh hưởng gì, thậm chí còn tốt hơn.
Thật mất đúng 2 năm để bá chủ nội dung đường trường tại các giải đấu trẻ quốc gia. Thêm 2 năm nữa chị đã là tay đua nữ số 1 Việt Nam, đúng nghĩa không có đối thủ. Kể từ 2013, nhất là sau những chuyến xuất ngoại tập huấn cọ xát, tuyển thủ quê An Giang đã có những bước đột phá ngoạn mục để vươn ra tầm quốc tế, có thể thấy khác hẳn sau từng giải đấu.
Cuối 2013, Thật giành tấm HCĐ SEA Games. Đến giữa năm 2014, chị đoạt hạng 4 giải vô địch châu Á. Và tại ASIAD trên đất Hàn Quốc mấy tháng sau đó, cua rơ sinh năm 1993 đã bước lên đỉnh châu lục với tấm HCB lịch sử của xe đạp Việt Nam khi vượt qua hàng loạt đối thủ sừng sỏ của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Đáng ra, chiến tích của Thật phải là Vàng nếu như chị không sơ sẩy để lọt tay đua Jutatip (Thái Lan) – người từng nhiều lần thua mình – cán đích trước đúng nửa vòng bánh xe.
SEA Games 2015, Thật lần đầu đoạt HCV, kèm theo 1 HCB. SEA Games 2017, chị giành một cú đúp Vàng. Hành trình 10 năm theo nghiệp xe đạp của Thật đã được kết đọng ở chiến tích lịch sử là một tấm HCV tại giải vô địch châu Á ngay đầu tháng 2/2018 khi cô gái bé nhỏ Việt Nam xuất sắc đánh bại hàng loạt hảo thủ của Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan.
Vượt lên từ nỗi đau và sự ám ảnh
Phía sau thành công hiếm có của Thật, ngoài tài năng đặc biệt, sự đầu tư trọng điểm, còn phải thấy rõ ý chí, nghị lực phi thường, nhất là khả năng vượt lên những nghịch cảnh, và cả nỗi đau của cá nhân, của gia đình.
Đúng 2014, năm mà Nguyễn Thị Thật lập kỳ tích tại ASIAD, cô phải gánh chịu một nỗi đau và mất mát lớn liên quan đến cô em gái ruột Nguyễn Thị Thà. Tại giải Đại hội TDTT toàn quốc ở Hòa Bình, đúng vào ngày Thật lập công lớn mang về cho An Giang 2 tấm HCV thì Thà đã dính tai nạn thảm khốc trên đường đua bất tỉnh nhân sự, gãy 4 xương sườn, dập thận. Dù được cấp cứu kịp thời, song Thà đã phải gánh chịu một hậu quả phũ phàng khi cơ thể, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải giã từ sự nghiệp ở tuổi 19.
Thật chăm sóc Thà sau tai nạn thảm khốc của em mình |
Cùng với nỗi đau của tình ruột thịt, Thật còn bị dày xé tâm can, ám ảnh và phần nào đó ân hận còn bởi một lý do khác nữa. Chính chị đã dẫn dắt em gái theo nghiệp xe đạp, hứa với bà nội sẽ chăm lo cho em vẹn toàn mọi chuyện. Vậy mà rốt cuộc, Thà đã gặp nạn, với những hậu quả lâu dài cho cuộc sống và tương lai.
Dù cả nhà cùng cô em gái đều hiểu rằng đó là sự không may, thậm chí còn phải động viên trở lại Thật song chị không thể không day dứt. Chỉ có một điều khiến Thật được an ủi rất nhiều, coi như một động lực để tiếp tục phấn đấu là phải “thay cả phần của em để chinh phục các đỉnh cao xe đạp” – như mong ước của em Thà.
Cũng kể từ đó, trong mỗi buổi tập, mỗi chuyến tập huấn, mỗi giải đấu, thậm chí từng vòng xe, Thật đều “chiến đấu” tới tận cùng, không chỉ cho mình, mà còn cho cô em gái thua thiệt, cho nỗi niềm của cả nhà.
Và Nguyễn Thị Thật đã được đền đáp xứng đáng. Sau chức vô địch châu Á lịch sử, Thật đang nhắm tới một tấm HCV tại ASIAD vào tháng 8 tới, cùng một suất chính thức tới Olympic 2020.
Nhà Thật có 3 chị em gái với những cái tên đều rất chân chất mà cũng rất đặc biệt, nhất là khi ghép lại liền nhau: Thật -Thà -Thiệt. Sau Thật, cô em gái thứ 2 Nguyễn Thị Thà cũng là một cua-rơ nhưng không được may mắn như chị, gặp nạn lớn và giải nghệ sớm ở tuổi 19. Riêng cô út Nguyễn Thị Thiệt cũng có năng khiếu và rất đam mê những đường đua nhưng chính Thật cùng gia đình đã kiên quyết không cho theo nghiệp xe đạp đầy hiểm nguy của 2 chị.