Tết Sài Gòn chẳng giống Tết Hà Nội

(Ngày Nay) - “Mỗi tuổi đuổi Xuân đi” - lúc còn nhỏ, tôi chỉ mong đến Tết, chẳng hiểu câu nói của các cụ có ý nghĩa gì, giờ mới thấm, thời gian nhanh như làn khói… Là người Hà Nội, rồi làm dâu Sài Gòn, Tết trong tôi là hai mảng màu khác nhau.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những ngày 12 tuổi, tôi nhớ rất rõ lúc đó khi còn sống ở Hà Nội, cứ hễ nghe cô giáo thông báo cả lớp nghỉ ở nhà đón Tết, cả lớp ai cũng vui và ồn ào bàn tán. Đứa kể chuyện sẽ về quê, đứa kể Tết ở nhà, lòng đứa nào cũng rộn ràng khó tả. Ngày giáp Tết, Uỷ ban tặng bố một chiếc tivi đỏ và một cái áo len đỏ, tôi cứ nhảy chân sáo rồi hát nghêu ngao trước ánh mắt cười hiền của bố. Niềm vui của cô bé hồi ấy sung sướng đến độ cứ mặc cái áo soi gương, xong lại xuống bếp nói chuyện không biết mỏi miệng. Vừa kịp lúc ấy, mẹ đi làm về, chất lỉnh kỉnh gạo, lá dong gói bánh chưng, bịch thịt treo trên ghi đông…

Tết Hà Nội in dấu trong tôi là hình ảnh mẹ thoăn thoắt rửa lá chuẩn bị đỗ gạo, bố khoanh chân gói những chiếc bánh vuông vắn, vừa gói bố vừa kể chuyện cười… tôi lăng xăng hết ở bên mẹ lại sang chỗ bố. Nồi bánh chưng bập bùng trên bếp, bố kê chiếc giường tre gần chỗ nấu bánh. Cả nhà quây quần vừa canh củi cháy đều vừa kể chuyện râm ran… Mẹ tôi lúc nào cũng âu yếm: “Mai kia lớn lên là con gái phải biết lo chuyện bếp núc nghe chưa. Ngày Tết phải chuẩn bị chu đáo cho dù nhà không có khá giả cũng phải lo lấy nồi bánh chưng, mâm ngũ quả, lọ hoa tươi con à”. Tôi - con bé hơn chục tuổi lúc ấy chỉ gãi đầu gãi tai “Sao lại cứ phải chuẩn bị những thứ như vậy mẹ nhỉ”. Bố tôi cười: “Vì đó là Tết cổ truyền dân tộc đấy con”. Tôi chìm trong giấc ngủ lúc nào không hay.

Lời dặn của mẹ tôi vẫn nhớ như in. Giờ lập gia đình ở miền Nam, nơi tôi sống là một quận gần trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Cứ mỗi khi Tết về, tôi lại nhớ lời mẹ dặn cúng ông bà tổ tiên chu đáo, chúc tết bà con bạn bè…

Ở Sài Gòn những ngày giáp Tết, không khí khác hẳn Hà Nội. Thời tiết nắng nóng, hoa cỏ cũng không phải là những bó hoa dơn, thược dược, đào phai… rực một góc trời. Đường phố ngập sắc vàng của hoa mai. Thay thế canh măng, canh bóng, thịt nấu đông ngoài Bắc, ở Sài Gòn, nhà ai cũng chuẩn bị một nồi thịt kho hột vịt, khổ qua nhồi thịt và đặt biệt là bánh tét chứ không nấu bánh chưng. Ngày Tết mang màu sắc và hương vị hoàn toàn khác.

Mâm ngũ quả ngày bé mẹ dạy tôi chuẩn bị cũng không còn “chuẩn vị”. Người miền Nam thường sắm một trái mãng cầu, một trái dừa, đu đủ và trái xoài vì quan niệm phương Nam: “Cầu vừa đủ xài”.

Tết Sài Gòn cũng đơn giản hơn, không cầu kỳ như Bắc, nhưng nhất định phải ăn mặc thật đẹp ra phố đầu Xuân. Ngày Tết với người Sài Gòn là dịp họ thư giãn và hầu như dành toàn bộ thời gian cho các chuyến tham quan, du lịch.

Đã bao nhiêu năm trôi qua, làm dâu Sài Gòn lâu năm, dù cũng đã thích nghi dần với phong tục của người dân Sài Gòn, nhưng Tết Bắc vẫn có một dư âm khó quên trong tâm hồn người con Hà Thành. Cứ đến Tết, hòa  chung không khí chuẩn bị đón Xuân phương Nam bên gia đình, tôi lại bâng khuâng nhớ Tết phương Bắc. Nhớ nhất là cái rét căm căm trong mưa Xuân, vị đậm đà của bao món ăn Bắc…

Cha mẹ giờ đã đi xa khuất núi, nỗi nhớ quê hương, nhớ Hà Nội lúc nào cũng thường trực trong tôi. Nhớ nụ cười hiền từ của cha, nhớ cái dáng vất vả, đảm đang chuẩn bị Tết của mẹ, nhớ 36 phố phường khi tiết trời chuyển từ Đông sang Xuân… Mỗi dịp Xuân về, tôi lại ước được một lần quay về tuổi thơ bên cha mẹ, dù chỉ một lần, được đắm mình trong không khí Tết của những ngày xưa cũ… Dù biết rằng, thời gian đã đi qua không bao giờ trở lại...

Khắc họa Hà Nội mộng mơ qua bộ tem bưu chính rực rỡ sắc hoa
Khắc họa Hà Nội mộng mơ qua bộ tem bưu chính rực rỡ sắc hoa
(Ngày Nay) -  Hà Nội có 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông rõ rệt. Cùng với sự thay đổi của thời tiết, mỗi mùa, Hà Nội lại có vẻ đẹp rất riêng khi khoác lên mình chiếc áo mới, được tô điểm bởi sắc màu của một loài hoa chủ đạo. Yêu tha thiết Hà Nội, mê mẩn với những loài hoa, họa sỹ Nguyễn Quang Vinh đã dành nhiều tâm sức để đưa 12 loài hoa đặc trưng cho 12 tháng trong năm vào bộ tem bưu chính “Hà Nội 12 mùa hoa”.
Hồ ấp trứng rùa tại Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh-Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Huỳnh Sơn-TTXVN
Côn Đảo vào mùa sinh sản của rùa biển
(Ngày Nay) -  Bình quân mỗi năm gần đây, Vườn Quốc gia Côn Đảo cứu hộ trên 1.500 tổ trứng rùa biển, tiến hành ấp nở nhân tạo và thả trên 150.000 cá thể rùa con về biển.
Ảnh minh họa
Nhiều trẻ nhỏ, người già được “giải cứu” khỏi nắng nóng trên cao tốc Pháp Vân
(Ngày Nay) -  Sáng 28/4, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện thông tin về một chiếc xe 16 chỗ bị đột ngột hỏng trên cao tốc Pháp Vân (cách Hà Nội khoảng 90 km về phía tỉnh Nghệ An). Chủ Facebook Nghĩa Đào viết: “Nghỉ lễ thuê xe về quê. Số nhọ hỏng xe cách Hà Nội 90km. Cả nhà đứng đường suốt 3 tiếng từ 6h30 đến 9h30. Gọi điện cho công ty thuê xe báo điều xe khác từ Hà Nội lên. Càng chờ càng mất hút...".
Ảnh minh họa
Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế
(Ngày Nay) -  Ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 189/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Tuyến phố đi bộ Bãi Cháy thu hút đông đảo người dân và du khách trong ngày đầu khai trương. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN
Quảng Ninh đưa thêm một tuyến phố đi bộ vào hoạt động
(Ngày Nay) -  Tối 27/4, tại khu phố cổ công viên Đại Dương, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực Bãi Cháy chính thức được khai trương. Tuyến phố này hoạt động từ 19 giờ đến 24 giờ hàng ngày.