Hôm nay 28/8, Thủ tướng Prayut Chan-ocha sẽ họp với nội các để thống nhất các biện pháp đối phó vụ bà Yingluck Shinawatra được cho là đã bỏ trốn khỏi Thái Lan. Chính quyền quân sự gần như chưa đưa ra phát ngôn chính thức về sự kiện “bất ngờ” này kể từ khi bà cựu thủ tướng vắng mặt trong phiên tuyên án hồi cuối tuần qua.
“Chúng tôi chưa có thông tin gì khẳng định bà ấy vẫn còn trong nước hay đã trốn khỏi Thái Lan. Tất cả chỉ là thông tin từ giới truyền thông. Chính phủ Thái Lan sẽ có phát ngôn chính thức về vụ này sau cuộc họp nội các ngày mai (28/8)”, ông Weerachon Sukhondhapatipak, phó phát ngôn viên Văn phòng chính phủ Thái Lan, phát biểu với PV Thanh Niên hôm qua 27/8. Liên quan đến thông tin cho rằng bà Yingluck đã đến Dubai (UAE) và đang xin tị nạn ở Vương quốc Anh, ông Weerachon nói rằng Bộ Ngoại giao nước này sẽ liên lạc với cơ quan ngoại giao các nước để xác minh.
“Nếu tất cả thông tin đều chính xác rằng bà ấy đã trốn khỏi Thái Lan và xin tị nạn ở quốc gia nào đó, chính phủ sẽ có phản ứng. Phản ứng đầu tiên chính là rút hộ chiếu của bà ấy”, phó phát ngôn viên Weerachon nói tiếp. Tuy nhiên, theo ông này, việc rút hộ chiếu của bà Yingluck không thể diễn ra trước khi có phán quyết của Tòa tối cao, được lên lịch vào cuối tháng 9/2017.
Trong khi đó, Hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia (NPCO) hôm qua kêu gọi giới truyền thông và các cá nhân ngưng cáo buộc chính quyền ngầm tạo điều kiện cho bà Yingluck trốn thoát khỏi Thái Lan. Ông Winthai Suwari, người phát ngôn của NPCO, phát biểu: “Chính phủ và NPCO minh bạch trong mọi vấn đề và không làm gì ngược lại với luật pháp. Những nhận định không có chứng cứ không chỉ gây tai tiếng cho chính quyền mà còn làm xã hội hoang mang”.
Dù vậy, làn sóng chỉ trích chính quyền làm ngơ để bà Yingluck trốn thoát vẫn không dứt. Những người chỉ trích lập luận rằng việc ra đi của bà Yingluck là giải pháp “đôi bên cùng có lợi” cho cả chính phủ, NPCO và phe đối lập là đảng Pheu Thai và phe “Áo đỏ”.
Giáo sư Trường đại học Chulalongkorn, ông Lae Dilokvidhyarat nói rằng lịch sử Thái Lan từng xảy ra những trường hợp tương tự. Mỗi khi xảy ra đảo chính, chính quyền quân sự thường mở đường sống cho “bên thua cuộc” thay vì xử lý và bỏ tù họ. “Nếu xử họ, chính phủ sẽ rất mệt mỏi đối phó với phe chống đối mà trong trường hợp này là “Áo đỏ”. Chi bằng làm ngơ sẽ có lợi cho cả hai bên”, Giáo sư Lae phát biểu khi trao đổi với PV Thanh Niên.
Ông Paiboon Nititawan, cựu thành viên của Hội đồng cải cách quốc gia, cũng cùng quan điểm khi nhận định rằng việc ở lại của bà Yingluck chỉ làm cho Thái Lan rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị khó dứt. Từ đó, ông cho rằng người dân Thái Lan cần thông cảm với “nỗi khổ tâm” của chính phủ và NPCO. Tuy nhiên, ông Abhisit Vejjajiva, cựu Thủ tướng Thái Lan, phản đối quan điểm này. Sau nhiều ngày tránh né giới truyền thông khi đề cập đến chuyện bà Yingluck trốn khỏi Thái Lan, hôm qua ông Abhisit lên tiếng chê bai người mà ông từng thua trong cuộc bầu cử hồi năm 2011 và cho rằng luật pháp Thái Lan sẽ mất đi tính nghiêm minh nếu dễ dàng bỏ qua vụ này. “Nếu không tách bạch vấn đề chính trị và luật pháp, chúng ta sẽ không thoát được vòng xoáy mâu thuẫn, xung đột xã hội”, ông Abhisit phát biểu với báo chí trong nước.
Theo Thanh Niên