Những bến bãi không phép hoạt động tại khu vực cụm cảng Đa Phúc, địa bàn giáp danh giữa 2 tỉnh Thái Nguyên và thành phố Hà Nội đã tồn tại suốt nhiều năm nay và ngày càng lớn cả về quy mô lẫn mức độ.
Điển hình nhất là khu bến bãi thuộc sự quản lý của hộ gia đình ông bà Trần Văn Oanh. Đây là khu bến không được cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động trên diện rộng và với quy mô lớn ngay dưới chân cầu Đa Phúc. Hằng ngày, các tàu chở cát có trọng tải lớn vẫn thường xuyên cập bến để đưa cát lên bờ.
Điều đáng nói ở đây là, mặc dù biết khu bến bãi này hoạt động không phép nhưng Cảng vụ đường thủy, chính quyền và Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Nguyên vẫn chỉ nhắc nhở và xử phạt cho qua, để rồi bến cát vẫn tiếp tục hoạt động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hành lang an toàn đường bộ và đe dọa trực tiếp đến tuổi thọ của cây cầu.
|
Hay tại khu vực xã Thuận Thành, thị xã Phổ Yên cũng xảy ra tình trạng tương tự, nhiều tàu hút cát neo đậu giữa dòng dẫn đến tình trạng lấn chiếm dòng chảy, vi phạm hành lang đê điều, xây dựng công trình bến bãi ngay dưới hành lang điện cao thế.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Mạnh Cường – Trưởng đại diện Văn phòng Cảnh vụ đường thủy nội địa khu vực 2, cho biết: Trước đây, Cảng vụ đường thủy nội địa cấp phép cho 7 bến hoạt động, nay có thêm 5 bến nữa, tổng cộng là 12 bến hoạt động có giấy phép. Hiện nay, trên địa bàn vẫn còn 5 bến chưa được cấp phép, hai trong số đó là bến của gia đình ông bà Trần Văn Oanh và bến sư 312. Sở dĩ 5 bên này vẫn chưa được cấp phép là vì phần bến chưa đủ tiêu chuẩn, phần xây dựng tự phát do nhu cầu vận chuyển hàng hóa.
Vừa qua, để chấn chỉnh hoạt động các bến bãi tại cụm cảm Đa Phúc, Cảng vụ đã phối hợp với các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên tiến hành kiểm tra lập biên bản, xử phạt các bến bãi, trong đó, có bến của hộ gia đình ông bà Trần Văn Oanh.
|
Theo chia sẻ của ông Lê Mạnh Cường, vào ngày 6/6 vừa qua, đội liên ngành đã ký Quyết định xử phạt hộ gia đình ông bà Trần Văn Oanh, mức xử phạt 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng bến cát bị xử phạt thì bến bãi nhà ông bà Trần Văn Oanh vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí là còn mạnh hơn trước.
Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại bến bãi này vẫn diễn ra bình thường, đồng thời bến bãi của gia đình ông bà Trần Văn Oanh còn được mở rộng hơn về phía sát chân cầu làm xâm phạm trực tiếp đến hành lang cầu, đường bộ.
Hành động này cho thấy các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên và Cảng vụ đường thủy nội địa cần phải sớm tìm ra biện pháp giải quyết triệt để, tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống cũng nếp sinh hoạt của bà con nhân dân sống quanh khu vực.
Bởi theo phản ánh của một số hộ dân xã Thuận Thành: Việc các bến bãi không phép này hoạt động lộn xộn, không theo một trật tự nào không chỉ gây ra tình trạng lấn chiếm dòng mà còn làm sạt lở đất nông nghiệp của nhân dân, làm biến đổi dòng chảy.
Tổng hợp.