Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Ngày 08/09/2016, Thủ tướng Chính phủ kí ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi là Chiến lược). Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược quốc gia nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.
Việc ban hành Chiến lược đã tạo ra sự chuyển biến tích cực và đổi mới đối với các ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, qua thực tiễn 07 năm triển khai thực hiện Chiến lược còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước chưa rõ, thói quen trông chờ ngân sách nhà nước cho các hoạt động sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa vẫn tồn tại từ thời bao cấp, cùng với quan niệm ngành văn hóa là ngành "tiêu tiền" đang tạo rào cản trong nhận thức về đầu tư các nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Nhạc sĩ Quốc Trung đóng góp ý kiến về phát triển nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc trong công nghiệp văn hóa |
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 ban hành năm 2021 xác định, cần tiếp tục xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm phát huy mọi tiềm năng, cơ hội, giải quyết các thách thức để phát triển các ngành CNVH có trọng tâm, trọng điểm; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị di sản văn hoá, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng.
Trên cơ sở đó, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam mong muốn nhận được và tiếp thu những ý kiến đóng góp chuyên sâu của các chuyên gia, các nhà quản lý, cũng như các đơn vị, cá nhân có liên quan về thực trạng và đề xuất các quan điểm, giải pháp, định hướng phát triển các ngành CNVH ở Việt Nam trong giai đoạn tới.
Theo ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, Hội thảo là dịp nhìn lại hành trình phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam từ năm 2016 đến nay và cùng trao đổi để mở ra những đường hướng nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta thời gian tới.
Trong vòng chục năm qua, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã đạt được sự tăng trưởng đáng lưu ý. Từ điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, thiết kế, thủ công mỹ nghệ, trò chơi điện tử... các ngành này đã không chỉ làm phong phú thêm đời sống vật chất và tinh thần của người dân mà còn đang trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Bên cạnh đó, trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã xác định rõ nhiệm vụ: "Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới".
Những yêu cầu cấp thiết về cả lý luận và thực tiễn trên đã đặt ra nhiệm vụ cần phải xây dựng một Chiến lược mới về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát huy có hiệu quả hơn nữa tiềm năng văn hóa và sáng tạo của quốc gia; giải quyết triệt để các thách thức hiện nay về cơ chế-chính sách, nguồn nhân lực, công nghệ, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững… để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm hơn.
Hội thảo tham vấn là một hoạt động nằm trong khuôn khổ của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ "Xây dựng đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Bộ VHTTDL giao cho Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả các đơn vị khác thực hiện với mục đích nhằm tạo dựng được một diễn đàn trao đổi chuyên sâu và cởi mở của các chuyên gia, những nhà quản lý, cũng như những đơn vị, cá nhân có liên quan về thực trạng, xu hướng và đề xuất các giải pháp, định hướng cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam từ nay tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.