Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một clip ghi lại cảnh các thầy giáo đang còng lưng cõng bàn ghế vượt qua con suối để chuẩn bị cho ngày tựu trường. Nước chảy siết, có những chỗ sâu gần ngang bụng và các thầy đã phải gồng lên bước đi, có người suýt ngã.
Theo nguồn tin chia sẻ, hình ảnh này được ghi lại tại điểm trường Nậm Ui, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, tuy nhiên, theo xác minh của PV Báo ANTĐ thì địa điểm chính xác là ở điểm trường Nà Ui, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Có thể xem đây là một chút nhầm lẫn về địa điểm.
Cũng theo nguồn tin của Báo ANTĐ biết, lúc trước, trường tiểu học xã Nậm Sỏ có 3 lớp (lớp 1, 2 và 3) dạy các em học sinh. Tuy nhiên, từ năm nay, các em được chuyển về học bán trú tại trung tâm. Do lượng bàn ghế ở trường cũ còn nhiều, nên các thầy giáo đã chuyển bàn ghế về khu vực trung tâm để phục vụ các em học tập tốt hơn.
Quá trình điều chuyển này được thực hiện vào khoảng giữa tuần trước. Khi xem clip, có thể thấy không khí lao động rất vui vẻ, dù nước chảy siết và phải còng lưng cõng bàn ghế, các thầy vẫn tươi cười, hướng tới việc hỗ trợ các học sinh vùng cao.
Trao đổi với PV báo Lao động, bà Trần Thị Thoan – Hiệu trưởng trường Nà Ui chia sẻ: “Chúng tôi không nghĩ những hình ảnh lưu lại làm kỉ niệm lại được quan tâm như vậy. Ở những năm học trước, tại điểm trường chính chỉ có học sinh lớp 4, 5 của trường học tập và ở bán trú tại trường. Học sinh các lớp còn lại học tại 8 điểm trường lẻ. Trong năm học này, cơ sở vật chất tại điểm chính được xây dựng thêm nên các học sinh lớp 3 sẽ được chuyển về học tại điểm chính. Chính vì thế, các thầy giáo đã phải chuyển bàn ghế từ điểm lẻ sang điểm chính để chuẩn bị cho năm học mới”.
Được biết, 2 điểm trường cách nhau 7 km, các thầy giáo di chuyển bằng xe máy và vất vả nhất là phải cõng bàn ghế qua suối. Con suối mà các thầy băng qua là suối Pá Đành, nhưng thường được gọi là suối Nà Ui theo tên bản. Tại đây, một công ty tư nhân đã đầu tư tiền để tài trợ xây dựng một cây cầu băng suối, song dự án này chưa hoàn thành. Hiện giờ, người dân tại bản rất mong muốn cây cầu sớm được hoàn thiện để có đường đi thuận lợi, không phải băng suối nữa.
Sau vài ngày đăng, video này đã thu hút gần 500.000 lượt xem, cùng hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Nhiều người cảm động về hành động của các thầy cô giáo vùng cao.
Facebook Ngô Lộc viết: "Các thầy giáo rất đáng được biểu dương, khen ngợi vì sự hết lòng với học sinh. Thực sự, tôi rất thương các thầy cô giáo vùng sâu vùng xa vì cuộc sống ở đó vô cùng khó khăn".
Hay Facebook Quỳnh Vân chia sẻ: "Hành động của các thầy khiến tôi lại nhớ về lời bài hát: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai. Ai cũng một thời trẻ trai... Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người... Chúc các thầy mạnh khỏe và gặp nhiều niềm vui trong công việc giảng dạy".
Còn Facebook Nguyễn Thanh Vân cũng bày tỏ rằng: "Bà con và thầy cô giáo cố gắng. Năm học trước tôi đã vào đây, cuộc sống người dân rất vất vả, mong cây cầu sớm đẩy nhanh tiến độ để bà con đi lại được thuận tiện. Chúc các thầy cô giáo vùng cao một năm học mới đầy nghị lực và nhiều sức khỏe, hoàn thành nhiệm vụ năm học".
Dù rất vất vả, các thầy giáo vẫn vui vẻ và cố gắng vì học sinh. (Ảnh: Cắt từ clip) |
Vui mừng trước những lời động viên từ cộng đồng mạng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Nậm Sỏ nói: “Hình ảnh này, các thầy cũng chỉ muốn ghi lại làm kỉ niệm, được mọi người đồng cảm, chia sẻ nên thấy được động viên, rất vui mừng. Đây sẽ là động lực để chúng tôi tiếp tục công tác và gắn bó”.
Ông Đinh Trung Tuấn – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Lai Châu bày tỏ: “Sau khi được xem clip, tôi cũng rất cảm động về hành động của các thầy cô giáo. Đây là những hình ảnh đẹp của giáo viên, đặc biệt là các giáo viên cắm bản. Các thầy giáo rất đáng biểu dương, khen gợi vì sự hết lòng vì học sinh”.
Năm học này, nhà trường sẽ đón 516 học sinh theo học, trong đó có 366 học sinh ở điểm chính và 150 học sinh học trong 8 điểm trường lẻ.
Tổng hợp