Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với trên 80 triệu ca mắc và trên 958.000 ca tử vong. Sau Mỹ là Ấn Độ với 42,8 triệu ca mắc và trên 511.000 ca tử vong, Brazil với 28 triệu ca mắc và 643.111 ca tử vong, Pháp với 22,1 triệu ca mắc và 136.446 ca tử vong.
Tại châu Á, số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc vẫn ở mức rất cao, trong khi dịch bệnh tại Hong Kong (Trung Quốc) diễn biến phức tạp.
Ngày 19/2, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo trong 24 giờ qua, nước này có thêm 102.211 ca mắc mới, trong đó có 102.072 lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 1.858.009. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới tại Hàn Quốc ở mức trên 100.000 ca trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan mạnh.
Cũng trong 24 giờ qua, số ca tử vong tại Hàn Quốc tăng thêm 71 ca, đưa tổng số người không qua khỏi tại nước này lên 7.354. Số ca mắc COVID-19 nặng đang trong tình trạng nguy kịch hiện đang ở mức 408, tăng 23 ca so với 1 ngày trước đó.
Cùng ngày, đài TVB của Hong Kong (Trung Quốc) đưa tin số ca mắc mới tại đặc khu hành chính này trong 24 giờ qua có thể lên tới ít nhất 7.000 ca - mức cao nhất từ trước đến nay.
Trước đó 1 ngày, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho rằng có thể mất tới 3 tháng để ổn định tình trạng lây nhiễm - vốn đang đẩy các cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải và khiến hòn đảo này phải hoãn cuộc bầu cử trưởng đặc khu khóa VI đến ngày 8/5 tới. Theo bà, chính quyền đặc khu đang lên kế hoạch xét nghiệm đại trà bắt buộc cho toàn bộ người dân, song vẫn loại trừ khả năng phong tỏa.
Trong bối cảnh nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch, một số nước đã lên tiếng vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Karl Lauterbach đã kêu gọi lãnh đạo 16 bang thực hiện đúng lộ trình kế hoạch từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19, thay vì "đốt cháy giai đoạn" mà dỡ bỏ qua nhanh. Ông nêu rõ mặc dù đỉnh của làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra ở Đức đã qua, nhưng nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát là hoàn toàn có thể xảy ra.
Bộ trưởng Lauterbach khẳng định: “Việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch nhanh hơn để đạt được mục tiêu chính trị là sai lầm. Chúng ta vẫn chưa thực sự ở vùng an toàn. Nếu chúng ta bãi bỏ quá sớm, không những làn sóng dịch bệnh kéo dài mà số ca mắc mới COVID-19 có thể tăng mất kiểm soát trở lại”.
Trong khi đó, giới khoa học Anh cảnh báo nguy cơ dịch bệnh COVID-19 sẽ gia tăng trở lại nếu như chấm dứt đột ngột các quy định về làm xét nghiệm COVID-19 và cách ly. Cảnh báo này cũng phù hợp với hướng dẫn cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó nói rõ việc gián đoạn hay rút ngắn các biện pháp xét nghiệm và cách ly sẽ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm trở lại.
Các chuyên gia trong Nhóm khoa học lập mô hình đại dịch cúm của Chính phủ Anh (SPI-M-O) dẫn phân tích của Đại học Warwick chỉ ra rằng các biện pháp phòng dịch COVID-19 (bao gồm xét nghiệm, tự cách ly, đeo khẩu trang, làm việc tại nhà và thay đổi hành vi của người dân) đã giúp làm giảm mức độ lây nhiễm từ 20 - 45%. Tuy nhiên, nếu các biện pháp này bị rút lại, tỷ lệ lây nhiễm có khả năng tăng lên từ 25 - 80%. Chưa kể, các yếu tố khác như khả năng miễn dịch suy giảm và sự xuất hiện của các biến thể mới cũng sẽ góp phần đẩy nhanh lây lan dịch bệnh. Hiện biến thể BA.2, dòng phụ của biến thể Omicron, đang tăng mạnh ở Anh so với các biến thể khác.
Cùng chung quan điểm này, Tiến sĩ Chaand Nagpaul - Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Y tế Anh (BMA) - cũng bày tỏ lo ngại về những thay đổi trong quy định xét nghiệm và cách ly. Dẫn số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, Tiến sĩ Nagpaul cho biết tỷ lệ mắc COVID-19 tại Anh trong tuần trước là 1/20 người. Số người nghỉ việc do COVID-19 cũng đang ở mức rất cao. Vì thế, việc sống chung với COVID-19 không có nghĩa sẽ bỏ qua tác hại của bệnh dịch với nhiều người và gỡ bỏ các biện pháp bảo vệ cần thiết đối với những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả những người mắc các triệu chứng COVID kéo dài.
Về phần mình, Mỹ xem xét gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tuyên bố ngày 18/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia được ban hành vào tháng 3/2020 do đại dịch COVID-19 sẽ được gia hạn sau ngày 1/3 vì nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng do virus SARS-CoV-2 gây ra vẫn hiện hữu.
Tổng thống Biden cho biết số người tử vong vì COVID-19 tại Mỹ hiện tăng lên hơn 900.000 người, điều này cho thấy chính phủ liên bang cần "toàn lực" ứng phó với đại dịch. Trong bức thư gửi tới chủ tịch Hạ viện và chủ tịch Thượng viện Mỹ ngày 18/2, được Nhà Trắng công bố, ông Biden khẳng định: "Vẫn cần duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia".
Về vấn đề vaccine, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay cơ quan quản lý y tế Mỹ vừa quyết định hoãn phê duyệt vaccine COVID-19 của hãng Pfizer dành cho trẻ dưới 5 tuổi vì kết quả cho thấy hai liều đầu tiên đã tiêm cho trẻ không mang lại hiệu quả đối với chủng Omicron. Dữ liệu cho đến nay cho thấy vaccine Pfizer dành cho trẻ em đạt hiệu quả ngừa chủng Delta nhưng nhiều trẻ đã tiêm chủng vẫn mắc COVID-19 sau khi chủng Omicron xuất hiện.
Trong một nghiên cứu mới công bố, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết cuộc khủng hoảng về sức khỏe tinh thần đối với trẻ em Mỹ đã trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Theo các nghiên cứu, số lần các em nhỏ được đưa tới khám về các vấn đề liên quan bệnh COVID-19 đã tăng lên trong suốt thời gian đại dịch hoành hành hơn hai năm qua. Ngoài ra, số lần tới khám và tần suất tái khám ghi nhận theo tuần đối với một số trường hợp tổn thương, một số bệnh mãn tính và các lần khám liên quan đến các vấn đề sức khỏe hành vi cũng gia tăng, đặc biệt là ở trẻ em từ 5 đến 17 tuổi.
Trong khi đó, nghiên cứu còn lại chỉ ra rằng các bé gái ở độ tuổi vị thành niên có xu hướng gia tăng suy nghĩ tiêu cực về nhiều vấn đề của cuộc sống. Trong đại dịch, tỷ lệ các bé gái trong tuổi này được đưa đến khám vì rối loạn ăn uống đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đó, trong khi số trường hợp mắc triệu chứng rối loạn giật cơ mặt cũng tăng gấp 3 lần ở nhóm bệnh nhi này.