Cuộc chiến tại Ukraine đẩy châu Âu vào vòng xoáy bất ổn

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trong tuần đầu tiên Nga đưa quân sang Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã đe dọa về một màn đáp trả bằng vũ khí hạt nhân nếu Mỹ và NATO can thiệp vào chiến dịch quân sự của Moscow.
Cuộc chiến tại Ukraine đẩy châu Âu vào vòng xoáy bất ổn

Cụ thể, ông Putin nhấn mạnh về "lợi thế của Nga về một số loại vũ khí hạt nhân mới nhất", trong khi ra lệnh cho các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga vào trạng thái báo động.

Vài ngày sau, tới lượt Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định rằng chiến tranh thế giới thứ ba sẽ là chiến tranh hạt nhân và thúc giục các nhà lãnh đạo phương Tây xem xét một "cuộc chiến thực sự" với Nga sẽ dẫn đến điều gì. Thông điệp rất rõ ràng: leo thang hạt nhân có thể xảy ra nếu Mỹ hoặc các đối tác NATO của họ can thiệp vào cuộc xung đột tại Ukraine.

Các nhà quan sát đã hết sức sửng sốt về kịch bản thế giới đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân như thời Chiến tranh Lạnh. Chính phủ Mỹ thậm chí còn cố gắng trấn an Moscow bằng cách hoãn một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được lên kế hoạch vào đầu tháng 3.

Động thái này được xem là hợp lý, bởi không ai muốn có một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, sự tập trung nặng nề vào vũ khí hạt nhân đang che khuất một vấn đề quan trọng không kém: nguy cơ xung đột vũ trang thông thường giữa Nga và NATO. Phương Tây và Nga hiện có thể đang bước vào giai đoạn cuối của vòng xoáy bất an và dẫn đến thảm kịch, tạo ra một cuộc xung đột lớn hơn ở châu Âu ngay cả khi vũ khí hạt nhân không được sử dụng.

Diễn biến trong những tuần tới có thể sẽ trở nên nhiều rủi ro hơn. Mỹ nên đặc biệt chú ý đến các nguy cơ leo thang căng thẳng khi giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột bắt đầu và nên tăng cường gấp đôi nỗ lực tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Điều này có thể liên quan đến những lựa chọn khó khăn và khó chịu, chẳng hạn như dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nặng nề nhất đối với Nga để đổi lấy việc chấm dứt các hành động thù địch. Tuy nhiên, nó sẽ hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn một thảm họa thậm chí còn tồi tệ hơn bất kỳ lựa chọn hiện có nào khác.

Ăn miếng trả miếng

Theo cách nói của các chuyên gia an ninh, một vòng xoáy bất ổn xảy ra khi các lựa chọn của một quốc gia để thúc đẩy lợi ích của mình cuối cùng lại xâm phạm đến lợi ích của một quốc gia khác, khiến nước đó phản ứng lại. Kết quả là một vòng luẩn quẩn tiềm ẩn của sự leo thang ngoài ý muốn, điều đã xảy ra nhiều lần trước đây.

Ví dụ, nỗ lực của Đức vào đầu thế kỷ 20 nhằm xây dựng một lực lượng hải quân đẳng cấp thế giới đã đe dọa sức mạnh hải quân mà Vương quốc Anh vốn tự hào. Để đáp lại, chính quyền London bắt đầu tăng cường lực lượng hải quân của riêng mình. Đức không mất nhiều thời gian để chạy đua vũ trang, liên tiếp những diễn biến căng thẳng đã dẫn đến Thế chiến thứ nhất.

Nguồn gốc của Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô cũng có nguồn gốc tương tự, khi cả hai bên đều muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng trên toàn thế giới và tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang. Trong mỗi trường hợp, một vòng xoáy ăn miếng trả miếng đã thúc đẩy các quốc gia tiến tới xung đột.

Ngày nay, Mỹ và Nga đã thực hiện các động thái làm gia tăng cảm giác bất an thực sự hoặc nhận thức được của họ, thúc đẩy phía bên kia làm điều tương tự.

Như các học giả William Wohlforth và Andrey Sushentsov đã lập luận, Mỹ và Nga đã tham gia vào một vòng xoáy bất ổn chậm rãi trong suốt thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh khi mỗi bên đều tìm cách tân trang lại nền an ninh châu Âu theo ý muốn của mình và cố gắng hạn chế những phản ứng của đối phương.

Tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008, NATO cam kết đưa Ukraine và Gruzia vào liên minh, dẫn đến cuộc chiến tranh giữa Gruzia và Nga. Một cuộc tranh cãi năm 2007 về kế hoạch của chính quyền Tổng thống Mỹ George Bush về việc đặt căn cứ phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Séc đã xảy ra sau khi Nga vi phạm các thỏa thuận kiểm soát vũ khí.

Vào năm 2014, việc EU đề nghị với Ukraine về một thỏa thuận liên kết đã dẫn đến cuộc cách mạng Maidan ở Kyiv, làm gia tăng lo ngại của Nga về tư cách thành viên NATO của Ukraine và khiến Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm đó.

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine mới đây đã làm tăng nguy hiểm và đẩy nhanh tốc độ của vòng xoáy bất ổn. Để đối phó với hành động của Moscow, phía Mỹ và NATO đã gửi cho Ukraine một lượng lớn vũ khí sát thương, áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc đối với nền kinh tế của Nga và phát động một đợt chuyển dịch hoạt động quân sự lâu dài.

Hiện tại, Nga nhận thấy Mỹ và các đối tác đe dọa biến Ukraine thành đồng minh trên thực tế - một tình huống mà sự hung hăng của chính Moscow đã giúp gây ra - trong khi Mỹ cho rằng Nga đang đe dọa các nguyên tắc cốt lõi tạo nền tảng cho hòa bình ở châu Âu.

Căn cứ vào tình hình chiến sự tại Ukraine, Nga đã ít bị kiềm chế hơn về mặt quân sự so với phương Tây, trong khi chính quyền Biden đã khẳng định không sẵn sàng can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột. Dựa trên điều này, người ta có thể suy ra rằng một bên sẵn sàng leo thang và một bên thì không.

Tuy nhiên, vòng xoáy bất ổn được xác định bởi bản chất bi thảm của nó: ngay cả những quốc gia có thể không muốn đối đầu trực tiếp với nhau cuối cùng cũng phải cạnh tranh và mạo hiểm bước vào chiến tranh. Khi Nga chưa ngừng bắn, vũ khí của phương Tây sẽ còn tràn vào Ukraine và các lệnh trừng phạt có nguy cơ làm sụp đổ nền kinh tế Nga. Mỗi bên dường như cam kết gia tăng áp lực hơn nữa. Chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng đủ thiêu rụi cả khu rừng.

Mở rộng vòng xoáy

Vì những lý do rõ ràng, phần lớn mối bận tâm về sự leo thang đã tập trung vào vấn đề hạt nhân. Trong ván bài Ukraine, ông Putin đã chọn cách "nâng cược" bằng việc ra lệnh cho các lực lượng hạt nhân sẵn sàng chiến đấu, qua đó giúp ngăn chặn các hành động quân sự trực tiếp của phương Tây.

Nhưng mặc dù các nhà hoạch định chính sách đã đúng khi xem xét vấn đề leo thang hạt nhân một cách nghiêm túc, nhưng họ không nên giảm nhẹ rủi ro của giao tranh thông thường giữa NATO và Nga. Rốt cuộc, xung đột quy ước cấp độ thấp giữa các cường quốc hạt nhân đã xảy ra ở những nơi khác, bao gồm các cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Liên Xô vào những năm 1960 và trong cuộc chiến tranh Kargil năm 1999 giữa Ấn Độ và Pakistan.

Các học giả đã phát triển một lý thuyết để giải thích tại sao những xung đột như vậy lại xảy ra: nghịch lý ổn định-không ổn định, trong đó các quốc gia, bế tắc trong lĩnh vực hạt nhân, có thể sẵn sàng leo thang các cuộc đụng độ thông thường.

Ngày nay, có nhiều con đường dẫn đến sự leo thang một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn. Một kịch bản tiêu biểu chính là cuộc chiến kinh tế mà phương Tây đã phát động nhắm vào Nga trong tuần trước.

Bằng cách ngăn cản Điện Kremlin sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối và áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để ngăn Nga nhập khẩu hàng hóa công nghệ cao, Washington và các đồng minh đã xâm nhập vào vùng lãnh thổ chưa được thăm dò: các biện pháp trừng phạt như vậy chưa bao giờ được sử dụng đối với một nền kinh tế toàn cầu lớn như Nga.

Ngay cả trong một vài ngày ngắn ngủi, tác động của những biện pháp trừng phạt này đã được nhiều người cảm nhận: đồng rúp lao dốc, người dân Nga xếp hàng dài tại các ngân hàng để rút tiền tiết kiệm, chính phủ Nga áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn, còn các công ty phương Tây như BP và Ikea nhanh chóng thoát khỏi thị trường Nga. Những gì đang xảy ra với Nga cũng đã từng xảy ra với Ý vào những năm 1930 và Nhật Bản vào những năm 1940.

Thật vậy, nếu thiệt hại kinh tế ở Nga trở nên đủ nghiêm trọng, ông Putin có thể quyết định rằng cần phải trả đũa thông qua các biện pháp phi quân sự như tấn công mạng. Tổng thống Nga có thể quyết định rằng mọi thứ đã đủ tồi tệ đến mức có đáng để từ bỏ nguồn thu năng lượng và đóng cửa một số đường ống dẫn khí đốt đến châu Âu, điều này sẽ khiến giá năng lượng tăng vọt.

Nga có lẽ sẽ hy vọng sử dụng các bước này để đạt được đòn bẩy trước chính sách của phương Tây, nhưng chúng có thể dễ dàng phản tác dụng: các cuộc tấn công mạng có thể kích hoạt các cuộc tham vấn theo Điều 5 của hiệp ước thành lập NATO, trong đó quy định rằng một cuộc tấn công chống lại một quốc gia thành viên sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả. Điều này có thể dẫn đến các cuộc tấn công mạng trả đũa Nga. Người ta có thể hy vọng các nhà hoạch định chính sách tìm thấy những lối thoát ở giai đoạn đó, nhưng không có gì đảm bảo.

Cũng có nguy cơ nghiêm trọng là xung đột ở Ukraine có thể tràn qua biên giới của EU. Châu Âu đang tham gia vào một giai đoạn tái vũ trang nhanh chóng, với sự thay đổi đáng kể các điều kiện an ninh trên thực địa. Các hành động của Nga ở Ukraine đã che khuất sự sáp nhập quân sự trên thực tế của nước này tại Belarus, khiến NATO phải tăng cường lực lượng tại các quốc gia thành viên phía đông. Điều này đã làm gia tăng căng thẳng và khiến cho cuộc đối đầu tình cờ giữa các bên dễ xảy ra hơn.

Ví dụ, giữa cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, 4 máy bay Nga đã vi phạm không phận Thụy Điển. Mặc dù thường xuyên xảy ra trong thời bình, nhưng nó rất nguy hiểm trong thời chiến và có thể dễ dàng kích động hệ thống phòng không của Thụy Điển. Vấn đề sẽ tồi tệ hơn nếu máy bay Nga vô tình xâm phạm không phận của một quốc gia thành viên NATO giáp biên giới với cuộc xung đột. Một khả năng khác: kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, vũ khí đã được chuyển đến Ukraine để củng cố khả năng phòng thủ của nước này, lúc đầu bằng đường hàng không, nhưng gần đây là trên đường bộ thông qua việc chuyển giao khí tài từ các quốc gia NATO giáp ranh với khu vực chiến sự.

Nếu chiến tranh tiếp diễn, Nga có thể quyết định cắt đứt các tuyến đường vận chuyển này bằng cách tấn công các điểm trung chuyển; những nỗ lực như vậy có thể vô tình giết chết hoặc gây hại cho các thành viên NATO. Một lần nữa, một vòng xoáy leo thang có thể tiếp tục. Những vấn đề này sẽ chỉ trở nên cấp bách hơn nếu Nga tiếp tục hiện diện bên trong lãnh thổ Ukraine và các tuyến đường tiếp tế trên bộ trở nên hạn chế hơn.

Cuối cùng, luôn có nguy cơ các đồng minh Ukraine tự ý hành động, điều này có thể khiến Nga và phần còn lại của NATO rơi vào xung đột trực tiếp. Cho đến nay, sự thống nhất trong liên minh là rất ấn tượng, nhưng các quốc gia thành viên NATO có biên giới sát Nga như Ba Lan và ba quốc gia Baltic (Estonia, Latvia và Lithuania) lại nhiệt tình ủng hộ và tích cực nhất trang bị vũ khí cho Ukraine.

Nếu người Nga tiến vào Kyiv hoặc lật đổ chính phủ Ukraine, các quốc gia này có thể sẽ là những nước ủng hộ mạnh mẽ việc trang bị vũ khí và hỗ trợ lực lượng nổi dậy. Mỹ sẽ làm gì nếu Nga ném bom một doanh trại Ukraine hoặc làm nhiệm vụ tiếp tế trên lãnh thổ Ba Lan? Điều gì sẽ xảy ra nếu binh sĩ Latvia thiệt mạng trong khi đang giao vũ khí cho các lực lượng Ukraine? Như đã thấy trong các cuộc xung đột từ Colombia đến Syria, kiểu hỗ trợ này có nguy cơ làm mờ ranh giới giữa những người tham chiến và những người không tham chiến, làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn.

Ở trên các lằn ranh

Nhiều người cho rằng một cuộc chiến tranh giữa các cường quốc thông thường là không thể xảy ra trong kỷ nguyên hạt nhân. Logic rất rõ ràng: rủi ro đơn giản là quá lớn để các quốc gia có vũ trang hạt nhân đưa ra quyết định như vậy. Tuy nhiên, các vòng xoáy bất ổn có logic riêng của chúng, và Washington nên chú ý đến các bài học của lịch sử.

Mặc dù chính quyền Biden đã tương đối cẩn thận và khôn ngoan trong cách tiếp cận trang bị vũ khí cho Ukraine, nhưng họ có thể đang nhanh chóng tiến đến một giai đoạn nguy hiểm hơn của cuộc xung đột này. Hàng phòng ngự của Ukraine đã hoạt động tốt hơn dự đoán. Tuy nhiên, tỷ lệ cược vẫn nghiêng về phía Nga và các lực lượng Nga có thể sẽ chiếm giữ nhiều thành phố của Ukraine hơn và gây tổn hại nhiều hơn cho dân thường Ukraine, do đó làm gia tăng sự phẫn nộ về mặt đạo đức đối với các hành động của Nga. Áp lực có thể sẽ gia tăng đối với các chính phủ phương Tây trong việc cung cấp hỗ trợ thêm cho Ukraine, đặc biệt nếu một cuộc nổi dậy nổ ra ở các khu vực do Nga chiếm đóng.

Phương Tây nên hết sức cảnh giác trước những áp lực như vậy. Đặc biệt, việc trang bị vũ khí và hậu thuẫn cho một cuộc nổi dậy sẽ làm mờ ranh giới giữa các bên tham chiến. Mỹ cũng phải chuẩn bị để kiềm chế các đồng minh của mình.

Ví dụ, có thể khiến các quốc gia gần xung đột cân nhắc các bước đơn phương như hỗ trợ lực lượng nổi dậy hoặc cung cấp nơi trú ẩn cho quân đội Ukraine trên lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, sẽ không có gì khó hiểu khi nói rõ rằng Mỹ có thể giải thích các cam kết Điều 5 một cách lỏng lẻo trong những trường hợp như vậy, có nghĩa là nếu Nga trả đũa, Mỹ có thể không bắt buộc phải đáp trả bằng vũ lực quân sự. Giữa vòng xoáy hiện tại, chính quyền Biden phải xác định đâu là giới hạn của chính Mỹ và tập trung vào việc duy trì tốt các giới hạn đó.

Cách hiệu quả nhất để hạn chế nguy cơ leo thang ở châu Âu là chấm dứt xung đột ở Ukraine. Điều này sẽ khó, có lẽ là không thể thực hiện được trong thời gian tới, do các bên chưa đạt được thỏa thuận.

Tuy nhiên, tại một số thời điểm, Mỹ có thể cần sử dụng đòn bẩy của mình với tất cả các bên, ví dụ như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hà khắc nhất đối với Nga hoặc giảm viện trợ quân sự cho Ukraine để đưa ra một lệnh ngừng bắn hoặc dàn xếp.

Một động thái như vậy sẽ dẫn đến một sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ cho đến nay. Nhưng bởi vì giải pháp thay thế có thể là tham gia vào một cuộc giao tranh quân sự trực tiếp với Nga, nên việc cân nhắc kỹ lưỡng về lợi ích của Mỹ có thể yêu cầu một sự điều chỉnh về hướng đi. Cuối cùng, điều duy nhất bi thảm hơn cuộc chiến hiện tại sẽ là một cuộc chiến còn lớn hơn, đẫm máu hơn.

Theo Foreign Affairs
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
(Ngày Nay) - Ngày 23/12, tại Nhà văn hóa thị xã Duy Tiên (Hà Nam), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức chương trình Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học năm học 2024 - 2025.
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.