Thí sinh lưu ý những điểm mới
Ông Nam Nhật Minh, Phó trưởng phòng Quản lý thi và Tuyển sinh (Bộ GD&ĐT) cho biết, toàn quốc bố trí 2.144 điểm thi chủ yếu tại các trường THPT và THCS. Điểm thi được bố trí về tận các huyện nên thí sinh rất thuận lợi trong việc đi lại. Điều kiện phòng thi đến thời điểm này đã được rà soát về bàn ghế, đường điện, quạt mát. Các địa phương đang in sao đề thi để đến sát ngày thi phải hoàn tất để chuyển về các điểm thi dưới sự hỗ trợ của lực lượng an ninh.
Ông Minh thông tin, kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới được bổ sung để đảm bảo một kỳ thi nghiêm túc, khách quan. Cụ thể, năm nay mỗi phòng thi quy định phải có một giám thị coi thi là cán bộ, giảng viên trường ĐH, CĐ và 1 giám thị là giáo viên trường THPT. Thời gian cách nhau giữa các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp là 10 phút thay vì 20 phút như năm ngoái. Đặc biệt, năm nay, bộ thiết kế sơ đồ phát đề thi tránh trường hợp giám thị coi thi có thể lấy một đề nào đó dành cho một thí sinh nào đó. Phiếu trả lời trắc nghiệm năm nay cũng được đóng trong phong bì niêm phong và số phiếu chỉ được in đủ cho số thí sinh trong phòng thi. Trường hợp thí sinh làm rách, nhàu, hỏng muốn đổi thì sẽ được đổi phiếu dự phòng do trưởng điểm thi quyết định và phải có biên bản trả lại phiếu cũ.
Một điểm mới trong kỳ thi năm nay thí sinh lưu ý là giám thị sẽ thu lại giấy nháp thi, đề thi, vật dụng, giấy tờ mà thí sinh có ghi chép liên quan đến đề thi của môn thi thành phần trước. Thí sinh đã đăng ký dự thi 2 bài tổ hợp KHTN và KHXH thì phải dự thi đầy đủ cả hai bài thi này mới được xét công nhận tốt nghiệp THPT. Điểm chấm thi được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.
Thanh tra bộ, sở cắm chốt tại từng điểm thi
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, mục tiêu kỳ thi đặt ra nhiều nhưng trước mắt làm sao đảm bảo yếu tố nghiêm túc, công bằng, khách quan. Bộ xác định thanh tra là khâu nòng cốt nên đã có hơn 4.000 cán bộ thanh tra cắm chốt tại các điểm thi.
Trả lời câu hỏi, việc giáo viên coi thi tại kỳ thi tuyển vào lớp 10 của Hà Nội làm lọt đề thi ra ngoài gây ảnh hưởng lớn đến kỳ thi, bộ giải quyết vấn đề này như thế nào? Ông Bằng cho biết, trước kỳ thi bộ yêu cầu các sở tập huấn kỹ quy chế cho giám thị coi thi. Ngoài ra, bộ cũng đưa ra quy định, mỗi phòng thi có 2 giám thị, trong đó một người ở vị trí từ trên nhìn xuống, một người ở dưới bao quát lên trên. Ngoài hành lang có thanh tra cơ động dàn trận và 2 thanh tra của bộ, sở cắm chốt độc lập với điểm thi. Riêng thanh tra của bộ được toàn quyền thanh tra tất cả các điểm thi và có quyền thanh tra từ chủ tịch hội đồng thi trở xuống. Ông Bằng cho rằng, để tránh các vấn đề tiêu cực thì yếu tố con người là then chốt vì vậy trước hết giám thị phải làm nghiêm túc, tròn vai, đúng quy chế. “Qua sự việc ở Sở GD&ĐT Hà Nội có thể thấy, thí sinh cũng có thể gian lận, giám thị cũng có thể gian lận. Vì vậy, nếu trong phòng thi một giám thị không nghiêm túc, giám thị kia sẽ nhìn ra ngay”, ông Bằng nói.
Ông Bằng cũng lưu ý chú trọng đến vấn đề thiết bị công nghệ cao mà thí sinh có thể sử dụng. Vì thời điểm hiện tại không thể xác định có bao nhiêu loại thiết bị, tinh vi như thế nào. Năm ngoái, có thí sinh ở Quảng Nam nhét thiết bị nghe nhỏ bằng hạt đậu vào tai phải dùng nam châm mới hút ra được. Để phát hiện các vấn đề này, ông Bằng khẳng định vai trò của giám thị là số 1 vì thí sinh có hành động gian dối sẽ có các biểu hiện lạ và chỉ cần chú ý quan sát sẽ phát hiện được.
Lý giải ý kiến băn khoăn của một số người về việc chấm thi giữa các địa phương sẽ có nơi lỏng, nơi chặt khiến điểm thi giữa các thí sinh không công bằng, khách quan. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, trong kỳ thi lực lượng thanh tra không được vào phòng thi còn khi chấm thi, bài thi đã rọc phách nên lực lượng thanh tra sẽ thanh tra chặt, đảm bảo nghiêm túc. Ngoài ra, quy chế thi ghi rõ, đầu tiên phải chấm chung 10 bài thi, thảo luận sau đó mới bắt đầu chấm theo 2 vòng độc lập. Lực lượng thanh tra chỉ cần rút bài thi để so sánh là thấy việc chấm thi có đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan hay không.