Ông Lê Viết Hoàng, Tổng giám đốc CTCP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng trao đổi về Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83) thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP (Nghị định 84) về kinh doanh xăng dầu.
Là đại diện DN kinh doanh bến bãi, liên quan đến hoạt động của hàng trăm DN, chủ phương tiện vận tải hành khách, ông nhận định thế nào về Nghị định 83 vừa ban hành?
Có thể nói, xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu đối với cuộc sống của người dân, nên luôn được người tiêu dùng quan tâm. Đặc biệt với các DN kinh doanh vận tải, nó liên quan trực tiếp và quyết định sự thành bại của các DN này. Thực tế cho thấy, mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu đều ít nhiều tác động trực tiếp đến nhiều mặt hàng khác nhau.
Kinh doanh xăng dầu hiện nay vẫn là độc quyền nhóm và phụ thuộc lớn vào điều hành thực tế |
Thời gian qua, điều hành giá xăng dầu tăng, giảm liên tục đã gây “sốc” đối với DN và người dân, tác động tiêu cực đến thị trường hàng hóa tiêu dùng và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Chính vì thế, đối với việc Chính phủ ban hành Nghị định 83 thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu thu hút sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng.
Nghị định 83 có nhiều điểm mới như: Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp tối thiểu 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa 15 ngày đối với trường hợp giảm giá; không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá; trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá...
Mặc dù có nhiều điểm mới thể hiện tại Nghị định 83, song dư luận, nhất là các DN kinh doanh vận tải, vẫn quan ngại về việc triển khai hoạt động kinh doanh xăng dầu theo chủ trương mới. Đặc biệt, theo chủ trương của Chính phủ là điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nhưng vấn đề được mong đợi nhất vẫn là làm thế nào để đặt quyền lợi người tiêu dùng lên trên… thì mới thành công.
Thế nhưng, mục tiêu này chưa được thể hiện rõ trong Nghị định mới này. Chính vì vậy, người tiêu dùng rất mong chờ một sự bình đẳng, minh bạch và rõ ràng hơn giữa các nhà phân phối xăng dầu và người tiêu dùng.
Bởi, thị trường xăng dầu hiện nay vẫn là độc quyền nhóm. Nếu cứ như vậy, tình trạng “tát nước theo mưa”, nhìn nhau tăng giá… sẽ tiếp tục tái diễn. Và để tăng thị phần và lợi nhuận, các DN xăng dầu đầu mối có thể sẽ tăng chiết khấu để lôi kéo đại lý bán hàng về phía mình, thay vì giảm giá cho người tiêu dùng...
Đấy là những bất cập cần được giải quyết khi thay đổi chủ trương quy định về hoạt động kinh doanh xăng dầu. Rất cần những thay đổi mang tính cụ thể, mang tính đột phá để có thể giải quyết những mâu thuẫn về lợi ích của DN và người tiêu dùng.
Như đã nói ở trên về sự quan ngại về thiếu công bằng, minh bạch trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Chính những quan ngại này sẽ khiến người tiêu dùng bất an, dư luận xã hội không đồng tình.
Do đó, để giải quyết bài toán lợi ích giữa các bên và đạt mục tiêu nói trên, Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các ban, ngành liên quan như Quản lý thị trường, Hải quan, Thuế… cần phải ngồi lại với nhau để thống nhất ban hành thông tư hướng dẫn việc thực hiện Nghị định mới lần này, đồng thời có những văn bản liên quan nhằm thực hiện rõ ràng, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhất là việc điều chỉnh tăng, giảm giá và liên quan đến việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Tránh trường hợp “bình mới rượu cũ” để DN kinh doanh xăng dầu lập lờ như thời gian qua là không được, sẽ gây bất an cho người tiêu dùng; ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh dài hạn của cộng đồng DN.