Chứng kiến toàn cảnh hệ thống vận chuyển than lậu hết sức quy mô và bài bản ở “thiên đường than lậu” (khu vực lòng chảo đoạn Vũ Oai- Hà Khánh), câu hỏi tất yếu nảy sinh là than lậu từ đâu đến? Quy mô khai thác của các lò than thổ phỉ rất khó có thể cung cấp một lượng than lớn như vậy trong một khoảng thời gian ngắn…
|
Tàu Đông Bắc 10 chở than ra tàu lớn ngày 12-11-2013. |
Chiến thuật “vườn không, nhà trống”
Chúng tôi đã nhiều lần được nghe những lời chỉ dẫn “bí hiểm” từ các lực lượng chống lậu, rằng than lậu có thể luồn lách ra biển bằng nhiều cách, có thể “trá hình” vào nguồn than tiêu thụ nội địa, có thể di chuyển vào sâu tận Thanh Hoá, Nghệ An... rồi mới thình lình “cắt lái” ra phao số 0 để xuất khẩu. Những chuyện ấy giống như cổ tích lúc bé, lớn lên mới biết hoang đường!
Trên thực tế, sự thật giản dị và đau đớn hơn nhiều. Nó không quá nhuốm màu trinh thám, viễn dương “đường xa vạn dặm” như cái mớ bòng bong mà lực lượng chống lậu đã vẽ ra để đánh lạc hướng. Sự thật chỉ đơn giản: tất cả than lậu từ Vũ Oai- Hà Khánh luôn được sang mạn ngay trong khu vực luồng từ cảng Cái Lân đến cầu cảng Xi-măng Hạ Long.
Quãng thời gian khoảng 20 giờ ngày 23-11-2013, tại một bến nhỏ nằm trong khu vực cảng Cái Lân, lòe nhoè quầng sáng của chiếc máy cẩu, một thân tàu loại 3.000 tấn sừng sững hiện ra, nó đang “ăn” than từ chiếc tàu bé hơn. Thoáng qua, chúng tôi hiểu đó là cảnh sang mạn giữa một tàu sông và tàu biển, đúng như nguồn tin cơ sở đã mô tả. Chắc rằng, đây là phương thức xuất lậu “tiên tiến” được đúc rút trong nhiều năm. Thứ nhất, việc dùng tàu nhỏ để “tăng bo” là phù hợp hoạt động bến bãi ở vùng lòng chảo Vũ Oai- Hà Khánh, vì ở đây lòng sông hẹp, lại phụ thuộc thuỷ triều. Thứ hai, khi xuất khẩu dùng loại tàu lớn 3.000 tấn vừa kinh tế, vừa dễ ngụy trang, vừa phù hợp năng lực tổ chức “xuất - nhập” theo thời gian diễn ra con nước, vốn chỉ kéo dài 7- 8 giờ đồng hồ.
Tàu than lậu cắt mặt tàu than Nhà nước ra bãi tập kết trên biển(ảnh trích từ băng tư liệu). |
Lúc 17 giờ 30 phút hôm sau (ngày 24-11-2013), chúng tôi dùng thuyền ra biển từ hướng Công ty Than Hạ Long. Góc nhìn này cho thấy rõ cảnh sang mạn giữa một chiếc tàu 3.000 tấn và hai chiếc 500 tấn. Trời sập tối, chúng tôi xuống thuyền, chiếu theo luồng từ cầu Bang hướng thẳng ra biển. Hình ảnh đầu tiên hiện ra dưới vệt đèn của cầu cảng Xi-măng Hạ Long là chiếc sà lan đầy ắp than đã được ghi hình lúc 10 giờ sáng đang đậu im lìm. Đi thêm một đoạn, bốn chiếc loại 3.000 tấn đang “ăn” than hối hả! (trong đó có chiếc đã ghi hình lúc 17 giờ 30 phút). Rời khu vực cầu cảng Xi-măng Hạ Long, thuyền nương theo luồng sang Cảng Cái Lân rồi rẽ ngoặt tay phải lên khu vực cầu cảng Xi-măng Thăng Long. Tại đây, chúng tôi lại gặp thêm ba tàu khác cũng loại 3.000 tấn và đều đang bốc xếp than, trên một thân tàu còn hiện nguyên dòng chữ: Trường Phát 45 Hải Phòng.
Như vậy, chỉ sau một giờ loanh quanh trong khu cảng Cái Lân (từ 18 đến 19 giờ), chúng tôi đã ghi hình được bảy chiếc tàu loại trọng tải 3.000 tấn đang làm “thủ tục” xuất lậu than. Nhưng trong suốt cuộc hành trình nói trên, không thấy bóng dáng bất kỳ một lực lượng chức năng nào. Chiến thuật “vườn không nhà trống” đã được thực thi triệt để (?). Tất cả mặt vịnh dường như được “tháo khoán”, giao phó hoàn toàn cho than lậu làm chủ. Chỉ trong đêm 24 rạng ngày 25-11-2013, ước tính đã có ít nhất 21.000 tấn than bị đánh cắp khỏi kho tài nguyên quốc gia. Căn cứ theo lịch con nước, ước tính mỗi năm có khoảng 250 “chuyến” xuất hàng như vậy, thì lượng than bị xuất lậu lớn đến mức nào? Theo các nguồn tin, đường dây xuất than lậu này đã hoạt động từ năm 2010.
Xuất xứ than lậu
Cũng trong nỗ lực truy tìm “gốc rễ” than lậu, chúng tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi: Vì sao việc xuất lậu than có thể trót lọt? Ban đầu, với đôi chút cả tin như hầu hết các nhân vật có thẩm quyền quản lý nhà nước, chúng tôi đều ấp ủ một quan điểm ngây thơ, than lậu muốn trót lọt ắt phải tìm đường hợp thức hoá trực tiếp qua hệ thống hoá đơn, chứng từ của khối doanh nghiệp nhà nước. Bởi những quy định về quản lý mặt hàng này lâu nay vô cùng chặt chẽ: Chỉ Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) mới được phép sản xuất, chế biến và kinh doanh than. Tập đoàn chỉ đạo từ giá mua nội bộ đến giá bán xuất khẩu. Than vận chuyển trên bộ thì có đường công vụ, vận chuyển ra sông, ra biển thì có cảng chuyên dụng. Từ giám định chất lượng, xây dựng quy trình, định mức, chỉ định đối tác lớn, nhỏ, quyết định lợi nhuận ít nhiều, cho đến việc tận thu than (nếu có) cũng phải do một tay tập đoàn “san gạt”, “cất nhắc”... Với một “hành lang” pháp lý độc quyền, vô đối như vậy, nếu muốn giám quản nghiêm ngặt, thử hỏi có “ông” than lậu nào dám nghênh ngang tồn tại? Và theo lẽ đó, trong trường hợp than lậu chưa bị thủ tiêu trên thực tế, thì có nghĩa, nó chỉ còn con đường “nương nhờ” thủ tục từ tập đoàn để hợp pháp hoá những đống than không nguồn gốc?
Tuy nhiên, khi được chứng kiến sự tổ chức, vận hành hết sức chuyên nghiệp, nhịp nhàng của guồng máy than lậu trải dài từ lòng chảo Vũ Oai- Hà Khánh đến quần thể “cảng” sôi động trên Vịnh Hạ Long, chúng tôi mới hiểu rằng, thật ra chẳng có sự hợp thức hoá nào cả, bởi vì không cần thiết. Thực chất than lậu đi qua bao cửa, đi qua cả biên giới mà chỉ cần làm “luật”! Một hệ thống chặt chẽ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài phục vụ cho đường dây buôn lậu này.
Sang mạn giữa hai tàu 500 tấn và tàu 3.000 tấn lúc 17 giờ 30 phút ngày 24-11-2013(ảnh trích từ băng tư liệu). |
Chứng kiến toàn cảnh hệ thống than lậu vận hành hết sức quy mô và bài bản ở “thiên đường than lậu”, câu hỏi tất yếu nảy sinh là than lậu từ đâu đến? Quy mô khai thác của các lò than thổ phỉ rất khó có thể cung cấp một lượng than lớn như vậy trong một khoảng thời gian ngắn…
Mặt khác, việc trình độ điều hành của các ông trùm ở lòng chảo “thiên đường than lậu” đã đạt đến trình độ logistics hàng đầu thế giới. Không cần đến hệ thống kho cảng lộ liễu mà vẫn có thể giao nhận hàng hoá với số lượng lớn một cách chính xác trong một khoảng thời gian ngắn. Muốn vậy, địa chỉ cung cấp hàng hoá phải ở trong khoảng cách rất gần, để khi cao điểm có thể điều tiết với tần suất lớn.
Chúng tôi mang những nghi vấn này bám theo hai dàn xe cung ứng hàng hoá cho khu vực lòng chảo. Một dàn xe chạy về phía mỏ của Công ty Than Dương Huy và một dàn xe đi sâu vào khai trường của Công ty Than Đông Bắc. Đường vào Dương Huy khá xa và xấu, nên việc cung ứng theo con đường này khá hạn chế. Duy có đường vào Than Đông Bắc chất lượng tốt, xe chạy khá nhanh. Từ cầu Diễn Vọng vào khoảng 3km, có một trạm gác với barie mở cao, lái xe chỉ cần dừng vài phút đăng ký là có thể chạy thẳng vào khai trường để vận chuyển than ra lòng chảo. Đêm 23 rạng ngày 24 và chiều ngày 24-11-2013, bãi của các ông trùm: Ng. “Đen”, T. “Thông” đều lấy hàng từ đây. Chiều ngày 24-11, ở khu vực lòng chảo có mưa nhỏ. Một cơn mưa vô tình, nhưng đã tạo nên các vệt bánh xe “hữu ý” khá rõ nét… Như vậy, có thể thấy số lượng than lậu có nguồn gốc Nhà nước là rất lớn!
Nói về lợi nhuận phân bổ từ than lậu, một ông trùm cho biết: Thời điểm hiện tại, mỗi tấn than (nhiệt lượng từ 5.000 đến 5.500 kcal) “vượt biên giới” thu về trung bình một triệu đồng. Trong đó, năm trăm nghìn đồng chi cho việc mua than từ các khai trường của nhà nước, bốn trăm nghìn đồng cho bến bãi, nhân công, vận chuyển và “bảo đảm” lưu thông, cuối cùng mới là khoản bỏ túi một trăm nghìn đồng cho “thân chủ” làm thương mại.
Trong thời gian khoảng ba tuần thực hiện loạt bài điều tra này, nhóm phóng viên điều tra đã quay được gần 300 phút băng tư liệu về đường dây tuồn than từ các mỏ Nhà nước ra nước ngoài, nhiều cảnh quay thể hiện rõ tên phương tiện, nhiều cá nhân tham gia vào đường dây này. Chỉ có một cuộc điều tra tổng thể của Bộ Công an và các lực lượng chức năng mới có thể làm rõ mức độ sai phạm của các tổ chức, cá nhân bảo kê cho đường dây này.
Trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đánh giá, tại địa bàn Quảng Ninh vẫn còn hiện tượng khai thác, kinh doanh than trái phép với quy mô nhỏ lẻ ở một số nơi.
>>> Xem thêm
2. Đắk Lắk: Vi phạm từ rừng đến xưởng gỗ
3. Vợ "bầu" Kiên bật khóc tại phiên tòa xét xử chồng
Tác phẩm đạt Giải Nhất giải thưởng Báo chí Quốc gia 2014
Hợp tác cùng ấn phẩm Thời nay