Vụ việc trên không phải hy hữu, đã có rất nhiều tai nạn xảy ra do ăn thịt cóc như trường hợp hồi tháng 5/2015. Nạn nhân là ông Vi Văn H. (Châu Bình, Quỳ Châu, Nghệ An). Trước khi dẫn đến cái chết đau lòng, ông H. cũng xuất hiện các triệu chứng ngộ độc độc như nôn ọe và khó thở.
Vụ việc khác xảy ra hồi năm 2013, gia đình anh L. (Tân Thuận Tây, Cao Lãnh, Đồng Tháp) mất đi cậu con trai lém lỉnh chỉ vì ăn thịt cóc.
Thịt cóc nguy hiểm ở đâu?
Xuất phát từ quan điểm thịt cóc bổ dưỡng hơn thịt gà, thịt bò, có lợi cho những người suy dinh dưỡng, còi cọc, đặc biệt là trẻ em nên rất nhiều người sử dụng phương thuốc này. Nhưng do chế biến và sử dụng không đúng cách nên nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí gây tử vong. Vậy thịt cóc gây chết người do đâu?
Các tuyến trên da cóc bài tiết ra chất nhầy màu trắng, dính keo, dân gian gọi là “nhựa cóc” - đây là hỗn hợp độc tố có khả năng gây ảo giác, nghẽn mạch và tăng áp suất máu. Ngoài ra, một số loài cóc còn chứa cả độc tố tetrodotoxin (có ở cá nóc) thông qua cơ chế cộng sinh với một số vi khuẩn.
Da, trứng, gan, hạch thần kinh dọc hai sống lưng... là những vị trí chứa nhiều độc tố ở con cóc |
Hiếm khi xảy ra trường hợp ngộ độc do đụng chạm, sờ mó phải cóc. Chỉ khi chất nhầy này được hấp thụ qua đường tiêu hóa (ăn phải các thức ăn làm từ cóc như thịt cóc, ruốc cóc…) thì mới gây ra các triệu chứng ngộ độc mang tính hệ thống.
Từ xưa đến nay không ai phủ nhận những giá trị dinh dưỡng có trong thịt cóc đối với sức khỏe, đặc biệt với trẻ nhỏ mắc bệnh còi xương và suy dinh dưỡng. Hàm lượng đạm (protein) có trong thịt cóc là rất lớn nhưng theo nhiều y bác sỹ, hàm lượng đạm thịt cóc cũng tương đương hàm lượng đạm có trong các loại thực phẩm khác như thịt lợn, thịt bò, thịt dê... Nên nếu không biết cách chế biến, thay vì ăn thịt cóc chống còi xương, bác sĩ Hải khuyên các bà mẹ có thể thay thế cho con ăn bằng những loại thực phẩm thông thường để đảm bảo những nguy cơ ngộ độc do thịt cóc mang lại.
Những lưu ý quan trọng khi chế biến thịt cóc
Tuy đã được cảnh báo thịt cóc chứa nhiều dịch nhầy nguy hiểm, nhưng ruốc cóc vẫn là món “cổ truyền” được nhiều người Việt tin dùng. Món này khá phổ biến ở nông thôn, ngoại thành, nhiều người bán rong vẫn chở cóc vào nội thành bán. Nếu vẫn muốn chế biến cóc thành món ăn, các mẹ phải rất lưu ý:
Da, mủ mắt, trứng, gan, hạch thần kinh ở dọc hai sống lưng là những vị trí chứa nhiều độc tố. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện hướng dẫn làm ruốc cóc an toàn bạn tránh không được lấy những bộ phận này.
Hãy dùng sao sắc, chặt ngang thân, chỗ giữa chân trước và chân sau và lột bỏ toàn bộ da và nội tạng. Lưu ý là khi lột da cóc, phải lột trong chậu nước hoặc dưới vòi nước đang chảy để nhựa cóc không dính vào thịt. Lột cả phần da dưới giữa hai chân sau của cóc.
Bỏ tất cả nội tạng, bởi nội tạng rất độc, nhất là gan cóc, nếu ăn phải có thể tử vong.
Muốn ăn thịt cóc, phải đọc kỹ hướng dẫn làm sao chế biến đúng cách nhất |
Sau khi đã lọc xong phần da và nội tạng chỉ còn lại phần thịt và xương, bạn hãy cho chúng vào chậu nước đầy, khỏa thật mạnh và thay nước nhiều lần.
Tiếp theo bạn hãy tách phần thịt ra khỏi xương. Cẩn thận hơn bạn có thể đem thịt cóc bóp với một chút muối trắng hoặc dấm, sau đó rửa lại bằng nước lạnh. Sau đó chế biến bình thường.
Những người bán rong hoặc người tiêu dùng tự chế biến thì đều không đáng tin cậy, rất có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Không có gì đảm bảo rằng chúng ta tự chế biến thịt cóc mà không gây một chút sơ sót nhỏ. Liệu bạn có chắc chắn rằng mình đã loại bỏ hoàn toàn cơ quan chứa chất độc của cóc mà không hề bị lây lan sang phần thịt? Tốt nhất hãy hạn chế ăn thịt cóc để giảm độ rủi ro.
Đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào được công bố về việc sử dụng gan, mật, cóc sống để điều trị bệnh ung thư cũng như các bệnh ác tính khác. Do đó không thể mạo hiểm tính mạng để thử nghiệm độc tố cóc (vì bất cứ mục đích gì) theo thông tin của “thông tấn xã... truyền miệng”.