Liên tiếp các ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng những ngày qua tại nhiều địa phương cho thấy thực tế rất đáng lo ngại là sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thực hiện chưa nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của cả cấp chính quyền cơ sở, một số cơ quan, đơn vị và người dân.
Ðơn cử như trường hợp ca bệnh 2899 tại Hà Nam, sau cách ly tập trung đã di chuyển bằng phương tiện công cộng (xe khách) từ Ðà Nẵng về quê. Theo quy định, sau cách ly tập trung phải tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày, nhưng người này đã đến nhiều nơi, gặp gỡ, ăn uống với rất nhiều người.
Trước đó, đơn vị quản lý cách ly tại Ðà Nẵng cũng lơ là, không giám sát, không đưa người đã hoàn thành cách ly bằng phương tiện bảo đảm các quy định phòng dịch, để người bệnh sử dụng phương tiện xe công cộng từ Ðà Nẵng về Hà Nam.
Mầm bệnh có thể còn tiềm ẩn ở nhiều nơi nhưng nhiều người dân vẫn chưa thực hiện nghiêm quy định 5K, nhất là đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Ðáng lo ngại nhất là tình trạng nhập cảnh trái phép, trốn tránh cách ly. Mới đây, lực lượng chức năng tại TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện hơn 100 trường hợp là người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, cư trú bất hợp pháp. Sự chủ quan, lơ là, lơi lỏng trong phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19 chính là nguyên nhân của các đợt dịch bùng phát trong cộng đồng thời gian qua.
Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, khí hậu thay đổi, nóng ẩm ở miền bắc, mưa nhiều ở miền trung, miền nam, là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa và các bệnh truyền nhiễm do muỗi. Nếu các cơ quan chức năng không có các biện pháp ngăn chặn các loại dịch bệnh kịp thời, mỗi người dân không tự ý thức phòng dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng thì nguy cơ dịch chồng dịch rất dễ xảy ra.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay, cả nước ghi nhận gần 18.500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (trong đó bốn người chết), số ca mắc tăng hơn bốn lần so với cùng kỳ năm 2020. Tại Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố ghi nhận 82 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 62 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng theo thống kê của ngành chức năng, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 19.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có năm người chết. Theo nhận định của một số chuyên gia y tế, năm 2021 đúng vào chu kỳ bốn năm một lần xảy ra dịch sốt xuất huyết (trước đó là năm 2017) cho nên phải sớm có giải pháp phòng, chống. Các bệnh thường xảy ra thời điểm này hằng năm như: sởi, quai bị, thủy đậu, rubella, viêm não Nhật Bản, cúm gia cầm...
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư chỉ ra hai nguy cơ chính của ngành y tế và người dân sẽ phải đối mặt: "Khi dịch chồng dịch thì chúng ta phải huy động lực lượng lớn y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế đi chống dịch, có thể dẫn đến thiếu nhân lực. Hay bệnh nhân nhập viện quá đông lại gây quá tải bệnh viện".
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên tiêm vắc-xin, duy trì chế độ tập luyện thể thao, dinh dưỡng hợp lý để phòng các loại dịch bệnh. Các gia đình cần thường xuyên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, lau chùi bề mặt các vật dụng, mở cửa để ánh nắng, không khí ngoài trời tràn vào trong nhà, tạo không gian thoáng mát, nhiều ánh sáng tự nhiên, sử dụng máy lọc không khí để giúp khử các vi sinh vật, bào tử nấm, vi-rút; diệt bọ gậy.
GS, TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Phòng, chống dịch bệnh không phải việc ngày một ngày hai, cũng không phải việc riêng của ngành y tế. Ðể chủ động trước mọi tình huống, rất cần sự phối hợp vào cuộc của các ban, ngành, cơ quan chức năng, sự chuẩn bị sẵn sàng của ngành y tế và nhất là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân.