Trong khi nhiều khách hàng phàn nàn về giá cước tăng, chất lượng dịch vụ của Grab có phần đi xuống trong thời gian gần đây thì các tài xế hãng này cũng đang chật vật tìm cho mình những hướng đi khác. Nhiều người chán nản nghỉ chạy, tìm đường trở về taxi truyền thống, thậm chí bán xe làm công việc khác.
Thu nhập giảm một nửa
Ngồi trên chiếc xe máy hơn 15 phút trước ga xe lửa Sài Gòn, anh Khánh (tài xế Grab khu vực quận 6) kiên nhẫn chờ khách đang đặt vé bên trong. Anh cho biết, thời gian gần đây, vì khá ít cuốc nên khi khách yêu cầu chờ chở về anh cũng đồng ý.
“Trước đây, trong những trường hợp thế này, tôi thường nhờ khách đặt xe mới sau khi xong việc, bởi trong thời gian đó, tôi có thể chạy được thêm chuyến nữa để kiếm thêm thu nhập. Bây giờ không hiểu sao khách vắng quá, nếu không ráng chờ thì chưa chắc trong thời gian đó có người gọi”, anh nói.
Nhiều tài xế Grab cho biết, thu nhập gần đây giảm mạnh và dự đoán do số lượng tài xế tăng. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Anh Khánh cho hay trước đây từng là đối tác của Uber. Cách đây gần hai tháng, hãng này rời khỏi thị trường Việt Nam, anh và nhiều tài xế buộc phải chuyển sang các công ty khác, trong đó, phần nhiều gia nhập Grab.
Thời gian đầu, anh và đồng nghiệp nghĩ khi Uber ra đi, mảng gọi xe công nghệ trong nước phần nhiều chỉ còn Grab nên thu nhập sẽ tăng lên. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày đầu tiên rước khách qua ứng dụng mới, anh và các tài xế khác đã vỡ mộng.
“Mấy ngày đầu, app nổ (ứng dụng thông báo có khách đặt xe) nhiều thật, thấy mà phát ham nhưng càng về sau, lượng khách đặt bỗng nhiên giảm đi hẳn. Khi còn chạy cho Uber, mỗi ngày, tôi thu vào khoảng 500.000 đồng, bây giờ còn 200.000-300.000 đồng”, anh Khánh thở dài.
Tương tự, thu nhập trong tháng này của ông Anh Tuấn (đối tác mới của Grab hơn một tháng từ khi Uber bán thị phần) cũng giảm khoảng một nửa vì số cuốc nhận mỗi ngày không nhiều.
“Đối tác của Grab hiện tại quá đông khi gồm tài xế cũ, tài xế mới và những anh em từ Uber chuyển sang như tôi. Khi khách hàng đặt xe, số lượng cuốc phải chia ra cho mỗi người nên thời gian chạy bị giảm đi”, ông giải thích và chỉ về nhóm tài xế đang tập trung tại một góc đường chờ khách.
Tài xế ngoài 50 tuổi này cho biết, hiện tại, chiết khấu của Grab là 20%, con số này không có gì phàn nàn. Tuy nhiên, thay vào đó, hãng lại có những quy định khắt khe hơn so với công ty cũ trước đây, nếu không thực hiện sẽ bị khóa tài khoản. Điều này khiến ông và các đồng nghiệp lo lắng.
“Thu nhập mỗi ngày một giảm, chúng tôi phải chi cho xăng dầu, bảo dưỡng phương tiện, nhất là vào mùa mưa dễ hư xe nên không còn được bao nhiêu. Hiện nhiều khách phản ánh về Grab tăng giá nhưng theo tôi, khách hàng nên thông cảm bởi phí tăng này ít nhưng hỗ trợ tài xế rất nhiều”, ông Tuấn nói thêm.
Nghỉ việc vì nghi vấn lợi ích nhóm
Không riêng mảng “xe ôm công nghệ”, trước thực trạng ế ẩm, chế độ đãi ngộ không tốt, nhiều tài xế GrabCar đã quyết định đóng ứng dụng, tìm một công việc khác ổn định hơn.
Từ Uber chuyển sang làm đối tác mới cho hãng này chưa đầy một tháng, anh Trần Hưng (29 tuổi, tài xế GrabCar) đã quyết định nghỉ việc. Anh cho biết, vốn còn tình cảm với công ty cũ nên anh chưa vội sang Grab nhưng vì bài toán kinh tế hàng ngày nên phải chấp nhận.
“Khổ nỗi từ ngày chạy ứng dụng mới, tôi chỉ toàn nhận được những cuốc ngắn giá 20.000-25.000 đồng. Nếu chỉ xuất hiện thỉnh thoảng thì không sao nhưng đằng này lại kéo dài từ ngày này qua ngày khác, làm sao sống nổi. Tình trạng này không chỉ riêng tôi đâu, mà nhiều tài xế khác cũng gặp phải”, anh nói.
Sau khi Grab mua lại Uber, nhiều tài xế của hãng có trụ sở tại Singapore này chọn đầu quân cho Grab. Ảnh: P.M. |
Anh Hưng và nhiều tài xế đặt nghi vấn hệ thống của hãng có vấn đề khi những cuốc dài, nhiều tiền thường chỉ rơi vào một nhóm đối tượng, đặc biệt, nó lại càng hiếm hơn với những tài xế từ Uber chuyển qua như anh.
“Nhiều lúc khi nhận được tín hiệu cuốc dài, tiền nhiều, tôi mừng không thể tả nhưng không hiểu sao khi chấp nhận thì nó lại bay mất tiêu. Một anh đồng nghiệp của tôi cũng bị tương tự vậy, may là anh kịp chụp số điện thoại của khách và gọi hỏi thì họ nói có tài xế khác chở rồi”, anh Hưng kể.
Mặc dù rất yêu công việc khi được tự quản lý, làm chủ về thời gian, thu nhập ngày một giảm khiến anh Hưng phải bỏ nghề. Anh cho biết công việc hiện tại liên quan bất động sản khá thuận lợi nên đang cố gắng trên con đường mới.
“Tôi không nỡ bán đi chiếc xe 4 chỗ của mình đâu, dù gì đó cũng là kỷ niệm một thời làm tài xế với rất nhiều hành khách. Bây giờ, tôi cứ để xe đấy, làm phương tiện chở cả nhà đi chơi, hay thỉnh thoảng cũng có thể nhận hợp đồng từ người quen”, anh cười.
Khi không còn là tài xế của Grab, anh Hưng hy vọng sau khi hãng thâu tóm được Uber, nghĩa là thị phần trong nước không còn đối thủ mạnh để cạnh tranh thì Grab nên có chế độ đãi ngộ tốt hơn cho tài xế và khách hàng.
Tìm đường về taxi truyền thống
Không giống anh Hưng, anh Khánh, một đối tác khác của Grab tại Sài Gòn lại tìm đường về taxi truyền thống sau khi cân nhắc bài toán thu chi. Theo anh, khi còn là tài xế của hãng này, mỗi ngày anh phải thu vào 2 triệu đồng tương ứng với chạy 300 km, trong đó, 200 km buộc phải có khách thì mới có lời.
“Tiền chiết khấu cho hãng gần 600.000 đồng, tiền xăng 500.000 đồng, phí khấu hao hoặc thuê xe cũng mất 400.000 đồng, như vậy tôi còn lời nửa triệu. Tuy nhiên, với chặng đường dài như vậy, buộc tôi phải nghỉ ngơi vào hôm sau, coi như hôm đó không công”, anh Khánh tính và nói với chi phí như vậy, anh chỉ huề vốn.
So sánh về bài toàn thu chi khiến nhiều tài xế không còn mặn mà với taxi công nghệ. Ảnh: H.C. |
Trong khi đó, ở hãng taxi truyền thống hiện tại, anh cho biết mỗi ngày chỉ chạy 120-130 km là về nghỉ nhưng vẫn có thể cho thu nhập tương đương sau khi đóng chiết khấu 12% cho công ty.
Tài xế này kể, khi làn sóng “taxi công nghệ” xâm nhập vào Việt Nam, vì muốn đổi đời, từ một anh công nhân, anh đã quyết định mua một chiếc xe trả góp về đầu quân cho Grab.
“Tôi chạy được một năm thì chiết khấu lên, xăng lên trong khi đó, khuyến mãi tài xế nhận được thì không có. Bây giờ mà bán xe là lỗ vốn nên phải ráng chạy tại hãng mới này để trả góp xe. Dù sao, tôi cũng hài lòng với chỗ mới này hơn khi thu nhập và sức khỏe được ổn định”, anh tâm sự.
Anh Khánh bảo riêng công ty anh làm hiện tại đã có khoảng 2.000 tài xế taxi công nghệ quay về hãng vận tải truyền thống theo hình thức nhượng quyền.
Trên hội nhóm, diễn đàn của các hãng xe công nghệ, nhiều tài xế đang rao bán lại phương tiện kiếm cơm hàng ngày của họ trước khi chuyển sang công việc mới.
Thương vụ Grab mua Uber bị điều tra chính thức
Cuối tháng 3 năm nay, Grab công bố mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đổi lại, Uber trở thành cổ đông sở hữu 27,5% tổng số cổ phần của Grab.
Hiện tại, thương vụ Grab mua lại Uber tại Việt Nam đang trong quá trình điều tra chính thức bởi Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương). Quyết định được ban hành ngày 18/5 với nội dung điều tra là vụ việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam.
Theo đó, Cục này sẽ tiến hành điều tra vụ việc theo đúng quy định của pháp luật cạnh tranh. Thời hạn điều tra chính thức là 180 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra chính thức. Trong trường hợp cần thiết, có thể gia hạn không quá 2 lần, mỗi lần không quá 60 ngày.
Sau khi kết thúc điều tra chính thức, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 16/5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã thông báo kết quả sơ bộ vụ việc này. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Cục Cạnh tranh nhận định vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3, Chương II, Luật Cạnh tranh 2004.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm 30-50% trên thị trường liên quan mà không thông báo trước cho cơ quan cạnh tranh, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Trong trường hợp vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.