Nhà ngoại giao, nhà báo Nguyễn Xuân Thắng –Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, nguyên TTK Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới, Chủ tịch Hội đồng Biên tập và nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay– người đã đưa tòa soạn của mình đi tiên phong trong hai vấn đề tưởng như mâu thuẫn nhau: phát báo giấy miễn phí và tiến hành thu phí nội dung báo điện tử. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6, cũng là chuẩn bị kỷ niệm 20 năm Tạp chí Ngày Nay,Ông Nguyễn Xuân Thắng đã dành cho Nhân Dân cuộc trao đổi xung quanh câu chuyện này.
________________________________
– Vì sao Ông quyết định Ngày Nay trở thành tờ báo giấy đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam phát miễn phí?
Tạp chí Ngày Nay là cơ quan ngôn luận của Liên Hiệp các Hội UNESCO Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập, nhằm tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng đóng góp xây dựng đất nước theo tiêu chí của UNESCO. Chúng tôi vừa hoạt động theo Luật Báo chí của Việt Nam vừa thực hiện tiêu chí phi vụ lợi của UNESCO thế giới.
Sau nhiều thăng trầm, năm 2015 chúng tôi quyết định chuyển Ngày Nay thành tạp chí giấy phát miễn phí. Đó là tờ báo phát miễn phí đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm này. Đây là quyết tâm rất lớn của anh em trong Ban Biên tập mong muốn tìm ra một hướng đi mới, khác biệt, tạo sự chú ý và truyền cảm hứng cho cộng đồng, cho những người làm báo. Ở tất cả các nước trên thế giới báo miễn phí thường là tờ báo quảng cáo. Nhưng tờ Ngày Nay chỉ thuần nội dung, còn quảng cáo chỉ mang tính tượng trưng. Trong suốt 15 năm trước đó Ngày Nay có đội quân quảng cáo và phát hành, nhưng bây giờ thì không còn.
– Thưa Ông, vấn đề đầu tiên của một tờ báo phát hành miễn phí mà không in quảng cáo tràn lan thì vẫn là “tiền đâu”?
Đây cũng chính là câu hỏi của làng báo chí, của các cơ quan quản lí báo chí và cả UNESCO. Ngay từ khi chúng tôi quyết định phát báo miễn phí, có một số người ái ngại không biết sẽ duy trì được bao lâu. Có người đặt câu hỏi: Chắc đằng sau là một nguồn tài trợ to lớn của UNESCO? Nhưng không đúng như vậy. Nguồn tài trợ từ UNESCO thì chắc chắn không có, vì từ khi ra đời Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chưa bao giờ nhận được một đồng nào từ UNESCO và cũng không nhận được tài trợ của Nhà nước. Chúng tôi cũng không có nguồn tài trợ thường xuyên, cố định của một nhà Mạnh Thường Quân nào. Đó đó là sự vận dụng hợp tác ngắn hạn, trung hạn, dài hạn với các đối tác quan tâm. Họ có lượng đọc giả lớn của một số ngành, một số doanh nghiệp vốn quan tâm đến nâng cao dân trí và văn hóa đọc cho cán bộ và người lao động của họ. Ngành Y tế ủng hộ chúng tôi vì bởi vì tờ báo này được phát miễn phí ở nhiều bệnh viện, trong đó có nội dụng phổ biến kiến thức về y tế cộng đồng thiết thực, nhân văn, quan tâm những người yếm thế, bị tật nguyền như trẻ em nghèo bị tim bẩm sinh, bị tự kỷ.
Để phát miễn phí tờ báo giấy tất nhiên là vô cùng khó khăn, phải cân nhắc giữa một bên là hiệu quả phát hành thu tiền và một bên là cống hiến những giá trị tinh thần cho cộng đồng. Chúng tôi đã mạnh dạn chọn con đường thử thách.
Không ngờ tờ báo phát miễn phí phát triển ngày càng tốt. Từ chỗ bán nguyệt san, bây giờ tuần san. Mỗi tuần ít nhất in trên dưới hai vạn số, thậm chí có giai đoạn gần ba vạn số. Như vậy, một năm chúng tôi phát miễn phí khoảng một triệu tờ báo cho cộng đồng. Ngày Nay có được sự quan tâm của công chúng trong bối cảnh báo viết đang ngày càng đi xuống do sự phát triển của báo điện tử và sự suy giảm của văn hóa đọc. Chúng tôi vẫn có một lượng độc giả là công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp, khu dân cư, bệnh viện luôn mong đợi ngày báo ra.
Điều đang nói là uy tín tờ báo đi lên không phải vì phát miễn phí mà vì nội dung đã được đánh giá rất tích cực.
– Để có được những Mạnh Thường Quân đầu tư tiền nhưng lại không yêu cầu quảng cáo cho họ là điều không dễ. Liệu Ngày Nay có “công nghệ bí mật”?
Cũng không hẳn là công nghệ “bí mật”, vì nếu chia sẻ “công nghệ” đó chắc cũng khó làm theo. Nếu chúng tôi không tạo được niềm tin, không được thử thách qua hàng chục năm, không có các mối quan hệ tốt thì không thể phát hành báo miễn phí. Phát báo miễn phí trước hết để nuôi dưỡng đời sống tinh thần lành mạnh cho đại chúng và cộng đồng mà các nhà Mạnh Thường Quân quan tâm. Muốn vậy, quan hệ tờ báo và các nhà đầu tư không phải là quan hệ trao đổi lợi ích theo kiểu “tiền trao cháo múc” mà là cách truyền cảm hứng cho những nhà đầu tư. Họ phải có cái tâm Cho mà không đòi đáp lại.
– Ở Việt Nam, báo giấy không phát miễn phí, nhưng báo điện tử thì đọc miễn phí. Trong bối cảnh đó, Ngày Nay lại trở thành tờ báo điện tử đầu tiên ở Việt Nam thu phí bạn đọc và tiếp tục miễn phí báo giấy. Hai điều này có vẻ “ngược đời”, liệu có mâu thuẫn?
Trước tiên tôi muốn bạn đọc biết rằng tờ Ngày Nay online không phải là phiên bản của tạp chí giấy mà hoạt động độc lập, có giấy phép riêng. Tờ báo điện tử sống bằng nội dung, cách thức của một tờ báo điện tử chuyên nghiệp, độc lập với báo giấy, trên đó không có hình ảnh của báo giấy.
Ai cũng thấy rằng các giá trị văn hóa, tri thức và tinh thần về cơ bản là vô giá. Vô giá thì có thể thu phí thật đắt hoặc tặng không cho bạn đọc. Chúng tôi thu phí báo điện tử vì đó là xu thế chung và tất yếu của báo chí thế giới. Đây cũng là chủ trương Nhà nước và Bộ Thông tin và Truyền thông. Chúng tôi tin đây là con đường tất yếu, là một xu thế rất văn minh. Chẳng lẽ cứ mãi coi báo chí là nghề “từ thiện”? Thật ra Báo chí phải là nghề có thu nhập cao thì mới phát triển đáp ứng được nhu cầu thông tin và tri thức ngày càng tăng của xã hội. Thực tế trên thế giới cho thấy, nhiều tờ báo điện tử sau khi chuyển từ miễn phí sang thu phí từng phần nội dung hoặc thu phí toàn bộ nội dung đều phát triển tốt hơn.
Chúng tôi thấy đã đến lúc phải hội nhập vào xu thế chung và một lần nữa tự thách thức bản thân để phát triển. Ngoài phần đầu tư bắt buộc chúng tôi chưa dám nghĩ đến hiệu quả kinh tế. Trước tiên đây là một cách thể hiện thái độ chấp hành chủ trương đúng đắn của Nhà nước và tập sự cho đội ngũ báo chí của chúng tôi trưởng thành theo một xu hướng tiến bộ. Chúng tôi đã chuẩn bị cả nửa năm, đầu tư rất nhiều tiền cho cho hạ tầng công nghệ mới. Ngay tháng đầu tiên thu phí, đã có cả vạn bạn đọc bỏ tiền đăng ký. Tín hiệu tích cực ban đầu nhìn chung đáng để chúng tôi dấn thân vào con đường đầy mới mẻ này.
– Ông nói nội dung vẫn là yếu tố quyết định, vậy tờ Ngày Nay phát triển theo hướng nội dung nào để phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan chủ quản là Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam – thành viên của một tổ chức quốc tế?
Lĩnh vực của UNESCO liên quan tới 98% loại hình hoạt động của loài người. Đây là đánh giá từ cách đây 31 năm trong Báo cáo khảo sát về truyền thông của Nhóm nghiên cứu M’cBride của Liên Hợp Quốc. Chính vì lĩnh vực hoạt động của UNESCO rất rộng lớn mang tính liên ngành nên tờ Ngày Nay có nhiệm vụ phản ánh nhiều vấn đề của đời sống. Tuy nhiên vì thế mà cơ quan quản lý báo chí đã có lúc cho rằng chúng tôi “vượt rào”, ví dụ “Tại sao lại về du lịch?” trong khi du lịch là vấn đề liên ngành được UNESCO ngày càng quan tâm.
Trong gần 20 năm làm Tổng biên tập, tôi cấm Ngày Nay tham gia “đánh đấm” nhưng đề cao tính phản biện xã hội theo tiêu chí của UNESCO. Tạp chí Ngày Nay không phải là một ấn phẩm nội san chỉ phản ánh đời sống nội bộ của hội, mà là một tờ tạp chí có chức năng nhiệm vụ báo chí theo quy định của Luật Báo chí. Phản biện để tăng tính hiệu quả trên các chương trình, chiến lược phát triển, trong đó văn hóa, giáo dục, khoa học và thông tin truyền thông là những lĩnh vực thuộc thẩm quyền UNESCO. Phản biện về những sai phạm để cấp cứu cho những nguy cơ đang phá hoại di sản, xâm hoại môi trường thiên nhiên, phá hoại văn hóa và nguy cơ phá hoại nền tảng đạo đức xã hội – là vấn đề UNESCO đánh giá là yếu tố cốt lõi của Phát triển bền vững.
– Tờ Ngày Nay được biết đến như một tòa soạn thu hút được nhiều cây bút giỏi, trong đó một số được coi là “Key opinon leader –KOL” (người dẫn dắt dư luận) sẵn sàng từ bỏ mức lương cao ở tờ báo khác để viết cho Ngày Nay. Vì sao Ngày Nay có được sức hút đó? Nghe nói bản thân ông cũng làm Tổng Biên tập không lương, có đúng không?
Nghe có vẻ lạ nhưng đó là sự thật. Lý do cũng rất giản dị: Chúng tôi gặp nhau ở niềm tin vào những điều tốt đẹp và trong sáng, gặp để cùng nhau chắp cánh làm báo chứ không phải vì tiền bạc. Nhiều cây bút giỏi tình nguyện viết cho Ngày Nay thậm chí đã không đòi nhuận bút bởi vì họ cảm thấy họ đang được cống hiến cho cộng đồng. Cách làm này đã giúp Ngày Nay tập hợp được một đội ngũ phóng viên có năng lực, mang đầy cảm hứng. Ở đây họ được là mình, được làm báo một cách tử tế. Cái này một phần cũng nhờ vào cơ quan chủ quản gương mẫu và trong sáng.
Tôi làm lãnh đạo Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã 25 năm, gần 3 nhiệm kỳ làm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO TG, hơn 19 năm làm Tổng biên tập Ngày Nay. Có người nghĩ tôi tham quyền, tham bổng lộc chứ không hiểu rằng đó là do yêu cầu của các tổ chức và do tình thế tôi không thể thoái thác. Trong bấy nhiêu năm trên các cương vị lãnh đạo đó tôi đã phụng sự hết lòng và tự nguyện không nhận bất kỳ một đồng lương nào. Trong những năm khó khăn ban đầu tôi đã bỏ tiền túi để trợ cấp cho Liên hiệp, góp một phần kinh phí giải tỏa khó khăn cho Ngày Nay.
Xin trận trọng cảm ơn ông!
Phùng Nguyên (Thực hiện)
Thiết kế: Thúy Hà