Sự phát triển nhanh chóng của mạng Internet cùng các thiết bị di động đã thay đổi cục diện của ngành truyền thông và cũng phá hủy mô hình kinh doanh của nhiều tòa soạn/nhà xuất bản trong 20 năm qua, dẫn đến doanh thu sụt giảm và nhiều hãng thông tấn lớn nhỏ phải đóng cửa.
Sự chuyển dịch quảng cáo sang các nền tảng công nghệ khổng lồ như Facebook, Google và Amazon đã làm giảm doanh thu của các tờ báo bởi hơn một nửa dân số thế giới hiện có quyền truy cập mạng xã hội miễn phí.
Thu phí có phải là hướng đi dễ dàng?
Để tồn tại, nhiều trang tin tức/báo chí trực tuyến quyết định thu phí người đọc, kết quả cho thấy lượng đăng ký tăng lên nhưng tỷ lệ người trả tiền cho tin tức trực tuyến có rất ít thay đổi.
Ở Mỹ, những tờ báo nổi tiếng như New York Times, Wall Street Journal và Washington Post đã làm tốt việc này khi thuyết phục được một nhóm độc giả là những người có học thức và giàu có chấp nhận trả phí để đọc báo.
Nhưng gần 40% lượt đăng ký trực tuyến mới tại tờ New York Times là dành cho trò chơi ô chữ và mục nấu ăn, theo nghiên cứu của Viện Reuters.
Tại Vương quốc Anh, khoảng 1/3 số người được khảo sát cho biết họ ngại đọc báo vì vấn đề Brexit. Nhiều cử tri từng ủng hộ Brexit cho rằng báo chí đang tràn ngập các thông tin tiêu cực về “vụ ly hôn” giữa Anh và EU, khiến họ trở nên mất niềm tin.
“Nếu các hãng tin muốn rút ngắn con đường tiếp cận độc giả trong một môi trường bị chi phối bởi các nền tảng truyền thông xã hội, và nếu họ muốn thuyết phục mọi người trả tiền cho các tin tức, thì họ phải thuyết phục công chúng rằng nội dung của họ có giá trị đối với công chúng”, Rasmus Kleis Nielsen, Giám đốc Viện Reuters, chỉ ra.
Báo cáo của Viện Reuters cho biết hầu hết mọi người sẽ không trả tiền cho tin tức, và tỷ lệ người sẵn sàng làm như vậy tăng rất ít trong vài năm qua. Ngay cả những độc giả chịu chi, có không ít người cảm thấy mệt mỏi khi đăng kí theo dõi. Nhiều người cảm thấy phiền phức khi bị yêu cầu trả tiền cho quá nhiều nội dung tin tức khác nhau.
Nhiều người sẽ chọn phim hoặc âm nhạc hơn là trả tiền cho tin tức. Vì vậy, đây không phải là mô hình kinh doanh lý tưởng cho các toà soạn.
"Phần lớn công chúng hoàn toàn hài lòng với tin tức mà họ có thể truy cập miễn phí, thậm chí trong số những người sẵn sàng trả tiền, phần lớn chỉ sẵn sàng đăng kí một tờ báo", theo ông Nielsen
Mối đe dọa từ các nền tảng kỹ thuật số
Báo chí đang phải đối mặt với mối đe dọa từ các nhà cung cấp dịch vụ giải trí như Netflix, Spotify, Apple Music và Amazon Prime.
“Ở một số quốc gia, người ta chỉ muốn bỏ tiền để mua các dịch vụ giải trí (Netflix / Spotify) hơn là đọc tin tức”, theo Nic Newman, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Reuters.
Khảo sát của Viện Reuters cho biết chỉ 7% người dưới 45 tuổi sẽ đăng ký mua tin tức trong vòng 1 năm, trong khi 37% sẽ chọn mua dịch vụ xem phim và 15% chọn dịch vụ nghe nhạc.
Thậm chí ứng dụng Apple News +đang cung cấp một gói đăng ký duy nhất để độc giả tha hồ truy cập các tin tức của các tòa soạn uy tín như TIME, The Atlantic, The New Yorker, Vogue, Wall Street Journal và Los Angeles Times.
Động thái này trực tiếp cắt đứt mối liên hệ giữa độc giả và các tòa soạn, khiến họ không thể khai thác các dữ liệu quảng cáo nhằm mục đích cải thiện chất lượng bài viết và kinh doanh.
“Mặc dù có nhiều cơ hội hơn cho nội dung trả phí, nhưng có khả năng hầu hết các tòa soạn sẽ vẫn cung cấp tin tức miễn phí cho đến thời điểm hiện tại, phụ thuộc vào dòng lợi nhuận quảng cáo thấp, trong khi các nền tảng công nghệ lớn nắm giữ hầu hết các miếng mồi béo bở”, ông Newman nói.