Hội nghị tập trung đánh giá kết quả hợp tác Mekong – Lan Thương trong ba năm qua và thảo luận phương hướng cho giai đoạn tới. Các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của MLC đối với hòa bình, hợp tác và phát triển tại tiểu vùng Mê Công và khu vực, đồng thời khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cùng nhau xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai hòa bình, thịnh vượng giữa các nước Mê Công – Lan Thương.
Các nhà Lãnh đạo đánh giá cao những kết quả quan trọng sáu nước đã đạt được kể từ Hội nghị cấp cao MLC lần thứ ba (8/2020). Trong ba năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng sáu nước vẫn triển khai tích cực và hiệu quả Kế hoạch hành động MLC giai đoạn 2018 – 2022, nhất là trong năm lĩnh vực ưu tiên (gồm kết nối, năng lực sản xuất, kinh tế xuyên biên giới, quản lý nguồn nước, nông nghiệp và giảm nghèo).
Các nhà Lãnh đạo hoan nghênh hợp tác nguồn nước, môi trường có nhiều bước tiến, đặc biệt trong chia sẻ thông tin số liệu thủy văn cả năm của sông Mekong – Lan Thương, thực hiện các nghiên cứu chung về dự báo lũ lụt, phòng, chống thiên tai. Hàng loạt chương trình, hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục đào tạo, quảng bá du lịch đã được tổ chức thành công, góp phần củng cố tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân sáu nước.
Các nhà Lãnh đạo đánh giá cao việc hơn 300 dự án hỗ trợ kỹ thuật đã được triển khai với sự hỗ trợ tài chính của Quỹ đặc biệt Mekong – Lan Thương, mang lại những kết quả thiết thực cho người dân.
Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh phương châm ưu tiên phát triển, lấy người dân làm trung tâm, hài hòa giữa con người và thiên nhiên, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực cho phát triển. Cùng với việc đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch hợp tác hiện có, các nhà Lãnh đạo nhất trí nghiên cứu mở rộng sang các lĩnh vực mới, thúc đẩy hợp tác theo hướng chất lượng cao, hiện đại hóa, tạo động lực mới cho hợp tác tiểu vùng, hỗ trợ các nước phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.
Hội nghị thống nhất đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng Vành đai phát triển kinh tế Mekong – Lan Thương; nghiên cứu khả năng thiết lập cơ chế họp, phối hợp chính sách, triển khai dự án để thúc đẩy Hành lang Đổi mới sáng tạo Mekong – Lan Thương nhằm nắm bắt cơ hội phát triển từ tiến bộ khoa học công nghệ. Hội nghị cũng nhất trí tăng cường hợp tác về chuyển đổi số, hải quan thông minh, biên giới thông minh và kết nối thông minh; chuyển đổi năng lượng sạch, nông nghiệp xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học.
Các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh ưu tiên hợp tác quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn nước sông Mekong thông qua hợp tác về chia sẻ thông tin số liệu thủy văn, giảm thiểu rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước. Các nhà Lãnh đạo cũng ủng hộ nỗ lực tăng cường phối hợp, bổ trợ hài hòa giữa MLC với ASEAN, Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững cũng như các cơ chế hợp tác, sáng kiến liên kết tiểu vùng và khu vực khác.
Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Nay Pyi Taw, Kế hoạch hành động hợp tác Mekong – Lan Thương giai đoạn 2023-2027 và Sáng kiến Hành lang đổi mới sáng tạo Mekong – Lan Thương.