Thủ tướng yêu cầu báo cáo toàn diện về BOT Cai Lậy
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ GTVT có báo cáo tổng hợp, trình Thường trực Chính phủ, đặc biệt là công trình BOT Cai Lậy (Tiền Giang) để đánh giá toàn diện. Thủ tướng nêu rõ "không để kéo dài tình trạng này".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP |
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/12, báo chí đặt các câu hỏi liên quan đến trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) cho Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật. Ảnh: Vietnamnet |
Báo Nông nghiệp Việt Nam đặt câu hỏi: Việc Chính phủ giao Bộ GTVT đánh giá toàn diện các dự án BOT, trong đó có BOT Cai Lậy liệu có khách quan không, tại sao không giao cho Kiểm toán Nhà nước hay Thanh tra Chính phủ?
VTV hỏi: Đến giờ này đã có thống kê thiệt hại tại trạm Cai Lậy chưa? Thủ tướng nói không để diễn ra tình trạng này, vậy Bộ có giải pháp thế nào?
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật trả lời, thời gian qua, Bộ đã tiếp 107 đoàn thanh tra, kiểm tra về nội dung này; Bộ sẽ tổng hợp toàn diện mặt được, chưa được để báo cáo Thủ tướng.
Ông Nhật cho biết thêm, theo quy định, nếu ách tắc quá 500m thì phải xả trạm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không để thời gian kéo dài.
“Tại trạm Cai Lậy vừa qua có một số lái xe quá khích, không ủng hộ thu phí, một số lái xe dừng xe giữa trạm, tắt máy và bỏ xe lại đi chơi... thì dư luận không nên ủng hộ”, ông Nhật nói.
Theo Thứ trưởng GTVT, trong thời gian tạm đóng trạm hồi tháng 8/2017, Bộ đã rà soát lại tất cả các quy định liên quan cho thấy đầu tư dự án này đúng quy định.
"Việc đặt vị trí trạm thu phí Cai Lậy là nằm trong dự án chứ không nằm ngoài. Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với chủ đầu tư, UBND tỉnh Tiền Giang và có chính sách để thuyết phục người dân thực hiện đúng quy định", ông khẳng định.
Trước đó, Bộ cũng đã làm việc với UBND Tiền Giang và đã giảm phí qua trạm Cai Lậy theo chỉ đạo của Chính phủ, báo Vietnamnet đưa tin.
Về việc vị trí đặt trạm thu phí chưa được sự đồng tình của người dân
Bộ GTVT đã có văn bản lấy ý kiến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang. Bộ GTVT cũng đã phân tích, so sánh phương án đặt trạm thu giá trên Quốc lộ 1 hiện hữu với phương án đặt trạm trên tuyến tránh.
Bộ GTVT đã nhận được văn bản đồng thuận của Hội đồng nhân dân, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang về vị trí đặt trạm trên Quốc lộ 1 hiện hữu.
Theo quy định của pháp luật (Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính), Bộ GTVT quyết định đặt trạm thu giá khi đảm bảo cự ly 70km, trường hợp không đảm bảo cự ly này, Bộ GTVT thống nhất với địa phương và Bộ Tài chính quyết định.
Đối với Dự án này, trạm thu giá nằm trong phạm vi dự án, tuân thủ quy định pháp luật (vị trí trạm tại Km1999+300 thuộc phạm vi dự án từ Km1987+560 đến Km2014, QL1), đã đảm bảo khoảng cách hơn 70km (cách trạm An Sương - An Lạc hơn 80km; trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp trên 79km) nên thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ GTVT.
Tuy nhiên, để tăng thêm tính công khai, minh bạch, Bộ Giao thông vận tải đã lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang và Bộ Tài chính, theo báo Dân trí.
Tổng hợp