Trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Việt Nam 2021), sáng 3/12, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và công nghệ tổ chức hội thảo trực tuyến “Giải pháp thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu”.
Hội thảo có sự đồng hành của các trường đại học ở 3 miền: Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) và Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết: Dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường, ảnh hưởng rất nhiều tới con đường khởi nghiệp sáng tạo của các doanh nghiệp. Do vậy, đây là thời điểm để các doanh nghiệp khởi nghiệp “đổi mới sáng tạo, kiến tạo tương lai”, nghiên cứu, phát triển các tài sản trí tuệ, đưa ra thị trường để đáp ứng kịp thời với yêu cầu trong tình hình mới.
Các tài sản trí tuệ đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và xa hơn nữa là tạo động lực phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia. Vì thế, hội thảo nhằm thảo luận từ góc độ chính sách đến thực trạng, kinh nghiệm thành công và thất bại trong hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu.
Định hướng chính sách về thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu, ông Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, cho rằng các trường đại học, viện nghiên cứu là nơi khởi nguồn sản sinh ra tài sản trí tuệ; đồng thời đóng vai trò là những trụ cột trong hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia. Thành lập các công ty khởi nghiệp do chính nhà khoa học đồng sở hữu với cơ quan nghiên cứu chính là mô hình công ty spin-off (các công ty công nghệ triển khai các kết quả nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học với hình thức đồng sở hữu của cơ sở nghiên cứu và nhà phát minh và được quản lý độc lập với cơ sở nghiên cứu).
Tuy nhiên, việc thành lập các công ty khởi nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế như: mức chi cho sự nghiệp khoa học và công nghệ còn chiếm tỷ lệ thấp và dàn trải; các cơ chế, chính sách liên quan đến nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; các trường đại học, viện nghiên cứu chưa quan tâm đúng mức đến việc thương mại hóa sản phẩm; chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan nghiên cứu (trường đại học, viện nghiên cứu) với doanh nghiệp; khó khăn trong việc đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ...
Đề xuất một số giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu, ông Bùi Văn Dũng cho rằng thời gian tới, các trường đại học, viện nghiên cứu cần tăng cường kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ, đặc biệt cho nghiên cứu cơ bản; tăng cường các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính liên vùng, liên ngành để tạo thành các sản phẩm có thể thương mại hóa, tạo ra các tài sản trí tuệ có giá trị cao.
Bên cạnh đó, các trường đại học, viện nghiên cứu cần tăng cường kết nối với các doanh nghiệp; giao quyền cho các cơ sở trường đại học, viện nghiên cứu quyết định khai thác, sử dụng các sản phẩm đề tài nghiên cứu khoa học từ nguồn ngân sách nhà nước và chịu trách nhiệm về nguồn kinh phí thu được cho việc tái đầu tư nghiên cứu và phát triển xã hội...
Bàn về khai thác tài sản trí tuệ hình thành một số sản phẩm khoa học - công nghệ định hướng thương mại, ông Vũ Xuân Tạo, Trung tâm Sinh học thực nghiệm thuộc Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng kết quả từ các nghiên cứu về công nghệ vi sinh đã quyết định 50% số lượng và chất lượng sản phẩm thuốc, kháng sinh và thực phẩm chức năng; trên 80% sản phẩm sinh học có hoạt tính cao; gần 100% các sản phẩm vaccine và probiotic cho người. Viện Ứng dụng công nghệ đã sử dụng chế phẩm sinh học NACEBVS tại các hộ trồng đinh lăng ở huyện Hải Hậu (Nam Định) và trồng cam tại huyện Bắc Quang (Hà Giang)...
Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận một số vấn đề như: nhận diện các khó khăn cơ bản mà các nhà sáng chế phải đối mặt và đề xuất để cải thiện; một số kinh nghiệm thực tiễn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đề xuất giải pháp thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ khai thác tài sản trí tuệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu.