Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 4/11 về việc truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang), Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Công an cho biết: "Đây là trường hợp truy đến cùng".
Theo Thứ trưởng Công an, Bộ Luật hình sự đã quy định rất rõ tội phạm nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, có những tội phạm mà lệnh truy nã không có thời gian kết thúc, phải truy đến cùng.
Tướng Vương cho rằng nên thông tin để kêu gọi, vận động ông Trịnh Xuân Thanh trở về nước đầu thú, hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, "khó mà lẩn trốn được". Đó cũng là bản lĩnh của một con người dám làm dám chịu.
"Tôi muốn nói điều này với ông Trịnh Xuân Thanh, là người sinh ra trong một gia đình có truyền thống, bây giờ gây ra như vậy thì phải chịu trách nhiệm chứ không thể bỏ trốn. Bản thân anh cũng phải có mối quan hệ với gia đình, với bố mẹ, anh em và con cháu sau này", Thứ trưởng Công an nói và cho hay luật pháp Việt Nam có lượng khoan hồng rất lớn, với quan điểm nhân đạo "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại".
Trả lời câu hỏi "trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh chưa bị bắt thì có đưa vụ án xảy ra tại Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) ra xét xử", Thượng tướng Lê Quý Vương nói trên cơ sở quy định của pháp luật và tuỳ theo nội dung vụ án, nếu đủ yếu tố, đủ chứng cứ thì vẫn xử, "ai mắc tội đến đâu, mức độ thế nào thì xét xử đến đó, còn lại có thể tách ra để điều tra tiếp".
Ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang). |
Theo Thứ trưởng Công an, dự kiến vụ án xảy ra tại PVC liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh sẽ đưa vào diện án điểm của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để "làm cho thấu đáo". Lý do là dư luận, người dân đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan, như có đúng là PVC thua lỗ gần 3.300 tỷ hay bao nhiêu, các cá nhân liên đới trách nhiệm như thế nào, sai phạm ra sao. "Trước mắt có cố ý làm trái rồi, bên cạnh đó có tư lợi không, có tham ô không, có thiếu tinh thần trách nhiệm không và các vấn đề khác phải làm thấu đáo theo quy định pháp luật", ông Vương nói.
Liên quan đến tài sản của những người đã bị khởi tốtrong vụ án xảy ra tại PVC, tướng Vương cho hay "theo quy định pháp luật thì phải tiến hành kiểm tra và phong toả", có thể là tài sản của chính những người này, hoặc tài sản liên đới kể cả của người thân để chứng minh rõ ràng, đối với tài sản ở nước ngoài thì phải xác minh. Về một biệt thư ở khu du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc) được cho là liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, Thứ trưởng Công an nói cơ quan chức năng đang vào cuộc để phân tích rõ. "Ở đây có vấn đề tài sản chung riêng hoặc người ta bán đi rồi thì không thể kê biên của người khác được, chỉ kê biên tài sản của người bị khởi tố trong vụ án, của người liên đới và có liên quan đến vụ án, không thể kê biên lung tung được", Thứ trưởng Công an cho biết.
Ngày 15/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự đối với ông Trịnh Xuân Thanh, để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại PVC thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thời gian ông Thanh làm lãnh đạo tại đây.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri tại Đà Nẵng hồi tháng 10, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết, ông Trịnh Xuân Thanh đã vượt biên trốn ra nước ngoài rồi bay sang châu Âu.