Ngày 12/9, Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) gửi công văn yêu cầu các công ty quản lý, vận hành bốn hồ chứa: A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 (Quảng Nam) tăng lượng nước xả về hạ du.
Các hồ A Vương và sông Tranh 2 phải vận hành điều tiết với lưu lượng xả tương đương với lưu lượng đến hồ; hồ thủy điện Sông Bung 4 vận hành với lưu lượng xả lớn hơn lưu lượng đến hồ. Riêng hồ Đăk Mi 4 xả nước qua đập về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng 12,5 m3/s.
"Trường hợp cần thiết thì các công ty phải sử dụng một phần dung tích chết của hồ chứa để điều tiết cấp nước cho hạ du", công văn do Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy ký nêu rõ.
Trao đổi với PV chiều 13/9, ông Hồ Hương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), cho biết nhờ dư luận lên tiếng và chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện Nhà máy nước Cầu Đỏ - nơi cung cấp 80% nước sinh hoạt cho Đà Nẵng, đã hoạt động bình thường.
"Độ mặn đã giảm xuống dưới mức quy định. Nước về trạm bơm phòng mặn An Trạch, cung cấp nước thô dự phòng cho nhà máy nước Cầu Đỏ đã tăng lên 2,3 m, đảm bảo cho nhà máy hoạt động", ông Hương nói.
Từ ngày 31/8 đến nay, nguồn nước thô tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, thường xuyên dao động 260 đến 2.000 mg/l (tiêu chuẩn nước sinh hoạt Bộ Y tế quy định dưới 250 mg/l). Lượng nước sạch cấp vào mạng lưới có thời điểm giảm 50.000-70.000 m3/ngày, dẫn đến nước cấp cho hàng nghìn hộ dân ở quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu rất yếu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng đã đề nghị UBND TP Đà Nẵng có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủy điện Đak Mi 4 phải tăng lưu lượng nước xả về hạ du sông Vu Gia qua cống xả đáy từ 3 m3/s như hiện nay lên 12 m3/s; các thủy điện A Vương và Sông Bung 4 cũng phải thường xuyên và tăng cường việc phát điện, xả nước về hạ du nhằm đẩy mặn tại sông Cầu Đỏ.